Đổi thay ở Hoài Ân

Huyện Hoài Ân là một trong bốn huyện trung du, miền núi của tỉnh Bình Định, địa hình bán sơn địa, đồi núi bao quanh, đồng bằng ít, thung lũng hẹp... nên việc phát triển kinh tế-xã hội gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, với nỗ lực vươn lên không ngừng, diện mạo vùng đất này đang đổi thay.
0:00 / 0:00
0:00
Diện mạo huyện Hoài Ân (Bình Định) thay đổi từng ngày.
Diện mạo huyện Hoài Ân (Bình Định) thay đổi từng ngày.

Mười năm không phải là quá dài, nhưng đủ cho thấy những sự đổi thay ở Hoài Ân.

Trong đó, đáng chú ý nhất là tình hình kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp mạnh mẽ, đặc biệt là hệ thống giao thông. Từ thị trấn đến các làng quê xa xôi, đường sá đã được đổ bê-tông hoặc trải thảm nhựa, nhiều địa phương đường bê-tông đã khép kín đến từng hộ dân.

Đến nay, toàn huyện có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới (2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao) và đang hoàn chỉnh các thủ tục đề nghị tỉnh kiểm tra công nhận xã Ân Hữu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Sự phát triển hạ tầng giao thông ở Hoài Ân là nét cơ bản tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế huyện. Việc đầu tư kênh mương thủy lợi, điện lưới quốc gia đã khép kín, trường học, trạm y tế... được xây dựng khang trang ở khắp thôn, xã đã đáp ứng yêu cầu dạy học và chữa bệnh cho người dân.

Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện, hệ thống cầu nối đôi bờ sông Kim Sơn, sông Ba Liên (An Lão)... được xây dựng kiên cố tại hầu hết các nút giao thông quan trọng. Nhiều cây cầu vượt lũ được xây dựng như cầu Phong Thạnh, cầu Mục Kiến, cầu Hương Quang, cầu Vườn Thơm, cầu Vạn Trung... đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa trong những ngày bình thường và kể cả trong mùa mưa lũ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Ân Nguyễn Xuân Phong thông tin, hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng ở Hoài Ân ngày càng hoàn thiện và chất lượng được nâng lên, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tiến độ xây dựng 34 công trình chuyển tiếp và 67 công trình khởi công xây dựng mới trong năm 2023 với số vốn hơn 577,5 tỷ đồng đang được đẩy nhanh thực hiện.

Đến nay, một số công trình trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, trong đó có một số công trình như nâng cấp mở rộng tuyến đường từ cầu Mục Kiến (ĐT 638) đi trung tâm xã Đak Mang, bia di tích và mộ các liệt sĩ đã hy sinh tại đồi Xuân Sơn... Công tác quy hoạch và triển khai thực hiện theo quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và tái định cư, chỉnh trang thị trấn Tăng Bạt Hổ đã tạo bộ mặt mới cho trung tâm huyện.

Hơn 10 năm qua, hoạt động nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng) được coi là kinh tế mũi nhọn ở huyện Hoài Ân. Sản lượng lương thực không những bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong huyện, mà còn là hàng hóa cung ứng ra thị trường.

Ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ, nhất là chăn nuôi heo bản địa đã trở thành sản phẩm mang tính hàng hóa cao. Nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô tương đối lớn, trong đó có những trang trại đầu tư hàng chục tỷ đồng. Hiện toàn huyện có 38 trang trại chăn nuôi có giá trị sản xuất đạt từ 1 tỷ-2 tỷ đồng/trang trại/năm, tăng 4 trang trại so năm 2022.

Ngoài ra, nuôi bò vỗ béo và nuôi gà thả vườn, thả đồi ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, toàn huyện có 11 cơ sở xây dựng mô hình chăn nuôi gà ta thả vườn bảo đảm an toàn thực phẩm và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nhiều mô hình gà thịt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ tại hai xã Ân Nghĩa và Ân Hữu với 10.000 con...

Các sản phẩm nông nghiệp của huyện ngày càng khẳng định được giá trị và thương hiệu trên thị trường, hiện có 37 sản phẩm gồm bưởi da xanh, trà Gò Loi, trà nụ hoa hòe, bún khô, mật ong dú, thịt heo thảo mộc Hoài Ân, trầm hương... được chứng nhận OCOP 3 sao trở lên (tăng 12 sản phẩm so với năm 2022), trong đó có một số sản phẩm được bán trên sàn thương mại điện tử và xuất khẩu.

Trồng rừng đã và đang mang lại khoản thu không nhỏ, diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện ước tính khoảng 22.000 ha chủ yếu là cây keo lai. Những năm trở lại đây, hiệu quả của việc trồng rừng, khai thác rừng đã mang lại việc làm và thu nhập cho nhiều người dân ở các xã miền núi vùng cao.

Người Hoài Ân chịu khó, siêng năng, ham học hỏi biết vượt qua gian khó để vươn lên... điều đó giúp huyện thay đổi, cuộc sống của người dân sung túc ấm no.

Bí thư Huyện ủy Hoài Ân Nguyễn Đặng Thị Thu Hòa cho biết, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân là vấn đề rất quan trọng, tuy vậy về lâu dài cần phải phát triển theo hướng bền vững, đó là mục tiêu hướng tới của huyện trong thời gian tới.

Tính bền vững về kinh tế được thể hiện ở sự gia tăng quy mô, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ; phát triển đa ngành nghề, lĩnh vực; kinh tế gắn liền với chính sách, bảo vệ môi trường...

Những năm qua, cho dù đã đạt được những thành tựu nổi bật như trên, song xét dưới góc độ phát triển kinh tế bền vững thì còn những hạn chế. Đó là môi trường đang bị ô nhiễm, nguồn nước tự nhiên cạn kiệt, độ bền vững đất rừng đang bị đe dọa xói mòn...

Đời sống xã hội còn nhiều vấn đề cần quan tâm như thời gian nông nhàn còn nhiều, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, ô nhiễm môi trường... là những vấn đề cần giải quyết.