Nghệ An đẩy nhanh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt

Cùng với thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua, các cơ sở y tế tại Nghệ An đã tích cực triển khai thực hiện các kế hoạch của Bộ Y tế và của tỉnh về việc thúc đẩy triển khai thanh toán chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh (viện phí) không dùng tiền mặt và Ðề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, qua đó đã tạo tiện lợi cho người bệnh cũng như nâng dần tỷ lệ thanh toán điện tử.
0:00 / 0:00
0:00
Thực hiện thanh toán chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh qua mã QR ở Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh.
Thực hiện thanh toán chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh qua mã QR ở Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh.

Ngoài sự đầu tư đồng bộ về trang thiết bị công nghệ thông tin, các cơ sở y tế ở Nghệ An áp dụng phương thức phù hợp với từng nhóm đối tượng bệnh nhân, góp phần thay đổi thói quen không dùng tiền mặt của không ít người dân, nhất là những người lớn tuổi.

Tiện lợi

Bệnh viện Ða khoa thành phố Vinh là cơ sở y tế đầu tiên của tỉnh triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt vào năm 2019. Ban đầu với hình thức thanh toán qua “Thẻ khám bệnh thông minh” mà bệnh viện phối hợp với ngân hàng triển khai; tiếp đến, bệnh viện triển khai thêm nhiều hình thức thanh toán khác như POS, VNPAY, chuyển khoản, và đến nay là quét mã QR. Trưởng phòng Tài chính kế toán (Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh) Nguyễn Thị Mỹ Hằng cho biết: Hình thức thanh toán qua mã QR được xem là ưu việt nhất hiện nay.

Thông qua liên kết với ngân hàng, bệnh viện tạo nên một mã QR riêng cho từng bệnh nhân. Mã QR riêng này đã có đầy đủ thông tin số tiền bệnh nhân phải thanh toán, số tài khoản bệnh viện. Khi thanh toán, bệnh nhân sử dụng app của ngân hàng quét mã QR này, hoàn tất việc giao dịch. Hình thức này có ưu điểm không mất phí thanh toán; thực hiện nhanh chóng và tránh các rủi ro liên quan. Với tính ưu việt của hình thức thanh toán này, bệnh viện đã nâng tỷ lệ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt lên hơn 24%.

Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã đầu tư hạ tầng công nghệ, máy móc, trang thiết bị, kết nối hệ thống phần mềm với ngân hàng phục vụ cho thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Từ tháng 6/2023 đến nay, người dân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện này, khi thực hiện thanh toán viện phí hay mua thuốc thì chỉ cần quét mã QR hiển thị trên phiếu chỉ định cần thanh toán và thực hiện giao dịch nhanh chóng mà không cần qua quầy thu ngân của bệnh viện. Việc không dùng tiền mặt đem lại sự tiện lợi, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân khi thanh toán viện phí.

Trung bình mỗi ngày, bệnh viện đón tiếp từ 1.500-1.800 lượt bệnh nhân. Trước đây, tại khu vực nộp tiền, thanh toán viện phí, số lượng bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân đứng xếp hàng chờ đến lượt rất đông, tạo áp lực cho cả cán bộ y tế và người dân. Nay nhờ thanh toán bằng mã QR mà khu vực thanh toán viện phí khá thông thoáng. Bà Nguyễn Thị Hằng, 54 tuổi, ở phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai đến khám, chữa bệnh ở bệnh viện, nhận xét: “Cách đây hơn một năm, khi đến đây tôi mất thời gian khá lâu cho việc xếp hàng dài nộp tiền khám bệnh. Khi khám xong ra thanh toán viện phí, tiền mua thuốc cũng rất mất thời gian. Nay, thủ tục khám bệnh nhanh hơn hẳn, không phải nộp viện phí bằng tiền mặt, thay vào đó là quét mã QR rất nhanh, thuận tiện và an toàn”.

Theo báo cáo của Sở Y tế Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có 28 trong tổng số 38 bệnh viện đã triển khai được việc thanh toán viện phí qua ngân hàng, đạt tỷ lệ 73,6%. Việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại các bệnh viện đã giúp cho người bệnh không còn phải xếp hàng đợi thanh toán; giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt như mất, nhầm lẫn, đối soát.

Theo đó, giúp bệnh viện giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in phiếu; tiết kiệm chi phí, nhân lực; rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh; tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số tại các bệnh viện.

Cần giải pháp đồng bộ

Tiện lợi là vậy nhưng đến nay, tỷ lệ thanh toán chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt vẫn đang còn thấp. Thực tế cho thấy, đối tượng sử dụng hình thức thanh toán này thường chỉ là những người trẻ, có điện thoại thông minh và biết sử dụng công nghệ thông tin. Các đối tượng này lại chiếm tỷ lệ không nhiều trong tổng số bệnh nhân hay đến khám, chữa bệnh. Trong khi đó, số người cao tuổi đi khám và chữa bệnh tại các cơ sở y tế là rất đông, có thói quen dùng tiền mặt; không quen việc thanh toán qua ngân hàng và không có hoặc không quen sử dụng điện thoại thông minh…

Ðây chính là lý do khiến tỷ lệ bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt chưa được cao. Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang bộc lộ một số tồn tại như xảy ra một số lỗi trong quá trình chuyển khoản khiến tài khoản của bệnh nhân đã bị trừ tiền nhưng tiền chưa về tài khoản của bệnh viện. Việc thực hiện có thể bị gián đoạn hoặc mắc lỗi do hệ thống ngân hàng bảo trì, nâng cấp hoặc do đường truyền, hệ thống mạng wifi của bệnh viện chập chờn, không ổn định…

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Minh Tuệ cho biết: Ðể triển khai hiệu quả thanh toán không tiền mặt tại bệnh viện ngoài sự đầu tư đồng bộ về trang thiết bị công nghệ thông tin, còn cần có sự áp dụng phương thức phù hợp với từng nhóm đối tượng bệnh nhân. Quan trọng nhất là phải thay đổi được thói quen dùng tiền mặt của không ít người dân, nhất là những người lớn tuổi. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khắc phục khó khăn và tăng cường hơn nữa các biện pháp truyền thông để đạt kết quả cao hơn; chỉ đạo các bệnh viện phối hợp với các ngân hàng thương mại và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép, đẩy nhanh tiến độ, triển khai đa dạng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu của người dân khi tham gia khám, chữa bệnh; có thêm phương thức để kế toán có thể kiểm soát việc tiền về tài khoản bệnh viện ngay khi khách hàng thực hiện giao dịch thành công.

Các bệnh viện tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại đơn vị, có lộ trình triển khai cụ thể; tập huấn, nâng cao trình độ cho nhân viên, giúp cho họ có thể hỗ trợ bệnh nhân một cách nhanh chóng, cũng như có kiến thức để phát hiện những vấn đề liên quan đến gian lận trong hoạt động này một cách hiệu quả; tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn về những lợi ích từ việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt qua các trang mạng xã hội, website của đơn vị cho người dân.