Điểm tựa của ngư dân

Hàng trăm suất quà là cờ Tổ quốc, phao, áo phao và tờ rơi ghi chú rõ chủ quyền biển đảo, các vùng biển được phép khai thác…, đã được cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân trao tặng ngư dân miền trung. Cùng với việc hỗ trợ, đồng hành với ngư dân trên biển, các suất quà hỗ trợ, đỡ đầu con em ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã và đang lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp, giúp ngư dân vững vàng vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Trao tiền hỗ trợ cho hai trong số 12 cháu là con ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân nhận đỡ đầu.
Trao tiền hỗ trợ cho hai trong số 12 cháu là con ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân nhận đỡ đầu.

Ngư dân Lê Văn Thiên, trú phường Thuận Phước (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), thuyền trưởng tàu ĐNa 90888TS cho biết: “Tàu có 6 lao động, đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, mỗi chuyến đi biển kéo dài 15 ngày. Việc chấp hành các quy định trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt. Mỗi lần ra khơi, chúng tôi bật máy giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá 24/24”.

Ngư dân Lê Văn Thiên chia sẻ: “Những món quà hỗ trợ từ Vùng 3 Hải quân không chỉ giúp ngư dân chúng tôi an tâm khi vươn khơi, bám biển mà còn là động lực để chúng tôi vững vàng trên mỗi hải trình bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Hải quân giống như nhà của chúng tôi, khi ngư dân cần là hải quân có mặt...”.

Trao đổi với phóng viên, Đại tá Phạm Đình Thành, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cho biết, bên cạnh hoạt động bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc, nhiều năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân triển khai nhiều chương trình hướng về ngư dân, hỗ trợ bà con yên tâm bám biển. Đây vừa là trọng trách vừa là việc nghĩa tình.

Theo đó, Chương trình “Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” đã cấp phát 180 bộ tài liệu, tờ rơi; trao tặng 600 lá cờ Tổ quốc, 140 áo phao cho các tàu cá đánh bắt xa bờ. Vùng 3 Hải quân đã tổ chức 4 đợt hoạt động tìm kiếm cứu nạn; huy động hơn 100 lượt cán bộ, chiến sĩ cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần cứu được 2 tàu cá, cứu nhiều ngư dân bị nạn trên biển...

Đặc biệt, Vùng 3 Hải quân đã nhận đỡ đầu 12 cháu con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn ở 7 tỉnh, thành phố khu vực ven biển miền trung. Chương trình hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân là một chương trình có ý nghĩa lớn, rất nhân văn. Hằng tháng, số tiền hỗ trợ của Quân chủng, của Vùng cũng như huy động các nguồn lực khác như tổ chức, doanh nghiệp…nhằm hỗ trợ cho các cháu có thêm điều kiện để ăn học đến năm 18 tuổi. Mỗi con em ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được xét duyệt theo chương trình hải quân nhận đỡ đầu, được hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng đến khi các cháu đủ 18 tuổi (học hết lớp 12).

Em Võ Thị Bảo Ngọc, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) vừa được Lữ đoàn 172 (Vùng 3 Hải quân) nhận đỡ đầu. Ngọc là con ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hiện hai mẹ con Ngọc đang ở thuê trọ. Bố của Ngọc là ngư dân Võ Thanh Sang, bị tai nạn và mất năm 2016 trong quá trình đánh bắt cá trên biển; mẹ là chị Bùi Thị Ánh Tuyết. Đón nhận món quà từ các cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân, ngay tại Âu thuyền cảng cá Thọ Quang, cháu Ngọc xúc động nói lời cảm ơn và lặng lẽ khóc. Chị Bùi Thị Ánh Tuyết chia sẻ: “Gia đình tôi rất biết ơn các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 172 đã nhận đỡ đầu cháu Ngọc. Tôi làm công nhân, cuộc sống hai mẹ con rất khó khăn. Có được sự hỗ trợ từ các cán bộ, chiến sĩ, gia đình ấm lòng và yên tâm để cùng cố gắng cho cháu học hành, trở thành người có ích cho xã hội”.

Ông Lê Đức Mẫn (trú Tổ 26 phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) là bố của em Lê Đức Chinh, học sinh lớp 7/4 Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Sơn Trà, xúc động khi con trai ông được Lữ đoàn 172 nhận đỡ đầu. “Cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ đã tiếp sức cho gia đình tôi lúc nguy nan này và hỗ trợ cháu đến hết cấp 3. Đây là sự động viên rất lớn đối với cháu và gia đình”, ông Mẫn nói và chia sẻ thêm, cả ông và vợ đều đang mắc bệnh nan y. Ông Mẫn là ngư dân, lao động chính trong gia đình nhưng hiện nay mắc bệnh ung thư thùy dưới phổi trái di căn não, vợ ông là bà Đỗ Thị Lan, hiện mắc bệnh ung thư vú, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đối với ngư dân miền trung, trên mỗi hành trình vươn khơi, bám biển, những món quà hỗ trợ bằng vật chất hay tinh thần, đều mang lại những động lực. Và trên hết, là tiếp thêm niềm tin để họ yên tâm bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ■