“Ánh sáng vùng biên” bừng chiếu bản làng

Mô hình “Ánh sáng vùng biên” do Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình triển khai trong những năm qua đã giúp cho các bản, làng xa xôi sáng bừng ánh điện. Công trình dân sinh có ý nghĩa nhân văn này góp phần quan trọng bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao đời sống tinh thần người dân trên hai tuyến biên giới, tăng cường sự gắn bó giữa bộ đội và đồng bào để cùng chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Có điện chiếu sáng, bản làng vùng biên giới huyện Minh Hóa (Quảng Bình) thêm vui.
Có điện chiếu sáng, bản làng vùng biên giới huyện Minh Hóa (Quảng Bình) thêm vui.

Bản Sắt là bản tái định cư của xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh với 34 hộ đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều. Bản nhỏ nằm cách đường Hồ Chí Minh nhánh tây gần 8 km, cách trung tâm xã hơn 10 km, đường vào khó khăn nên điện lưới quốc gia chưa thể đến được. Vì thế, bản mới khang trang nhưng khi đêm xuống cũng thâm u, giá rét không khác bản cũ là mấy.

Sau khi khảo sát, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Làng Mô, đóng quân tại xã Trường Sơn tặng bản tái định cư công trình điện chiếu sáng công cộng bằng điện mặt trời. Bộ đội biên phòng đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm cùng chung sức để làm các công trình dân sinh nhiều ý nghĩa này. Bây giờ, với hệ thống gồm 30 cột điện và bóng đèn chiếu sáng trục đường chính của bản và điểm trường tiểu học, mầm non, bản Sắt đã bừng sáng ánh điện.

Các chiến sĩ biên phòng kể rằng, thấy bộ đội biên phòng dựng cột, kéo dây, bà con kéo nhau ra xem nhưng cũng chưa tin lắm, bởi một số người nói, chưa có điện lưới sao mà đường sáng được. Thế nhưng, hôm khánh thành, trời nắng đẹp,bóng đèn năng lượng mặt trời nạp đủ điện, sáng trưng nên dân bản đổ ra đường đông như hội, cười nói huyên náo cả đêm.

Tiếp đó, mô hình “Ánh sáng vùng biên” tiếp tục mang ánh sáng đến các bản khác của xã Trường Sơn như Hôi Rấy, Nước Đắng, thôn Thượng Sơn. Già Hồ Xi, người có uy tín ở bản Nước Đắng chia sẻ: “Chưa có điện lưới nhưng nhờ bộ đội biên phòng “bắt” mặt trời làm ra điện để chiếu sáng bản làng nên bà con vui lắm”.

Còn Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã biên giới Hóa Sơn (huyện Minh Hóa) Đinh Hồng Tuyên cho biết, từ khi mô hình được đưa vào sử dụng, các trục đường của 4 thôn, bản trong xã được thắp sáng, ai cũng vui. Không chỉ vậy, công trình đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, các vụ việc như đánh người gây thương tích, trộm cắp... giảm hẳn so với trước đây. Sau một ngày lên nương rẫy, đêm đến, đồng bào lại ra đường để vui chơi, trò chuyện, ca hát, trẻ con thì tập xe đạp, vui chơi.

Quá trình triển khai mô hình, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Quảng Bình luôn suy nghĩ, nỗ lực sáng tạo để làm sao mô hình phát huy hiệu quả tốt nhất, mang lại lợi ích cao nhất cho bà con. Lúc đầu, theo thiết kế, các công trình sử dụng bóng đèn điện lưới, tuy nhiên, trên thực tế, một số bản ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn chưa có điện, do đó, thiết kế được điều chỉnh sang bóng đèn năng lượng mặt trời đối với những địa bàn đặc thù.

Để hoàn thành hệ thống cột đèn bảo đảm tính thẩm mỹ và bền vững, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh lựa chọn những chiến sĩ có khả năng về sản xuất cơ khí, biết sử dụng máy hàn, cắt và lập “xưởng cơ khí” ngay tại trụ sở cũ để thiết kế, gia công các công trình. Dù chỉ là những người thợ “tay ngang” nhưng với sự ham mê học hỏi, tinh thần trách nhiệm và tình cảm với đồng bào, các anh đã hoàn thiện thiết kế và gia công, lắp đặt hệ thống cột điện bảo đảm cả về chất lượng, thẩm mỹ. Trên tất cả cột điện chiếu sáng đều được gắn thêm giá để thuận lợi cho việc treo cờ Tổ quốc hoặc trang trí phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.

Sau khi được hoàn thành và xuất xưởng, hàng nghìn cây cột đèn được chở về các bản làng, tiếp tục được những người thợ “tay ngang” đo đếm, khảo sát, lắp đặt. Thời gian thi công công trình “Ánh sáng vùng biên”, bản làng vui như ngày hội bởi sự chung tay góp sức của đồng bào, nhiều gia đình còn mời bộ đội các sản vật rừng hay đơn giản chỉ là cốc nước lá thuốc trên rừng.

Không chỉ ở những bản làng xa xôi nơi biên giới phía tây Tổ quốc, mà ở một số thôn của vùng đồng bào có đạo, mô hình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các vị linh mục và bà con giáo dân. Những con đường thôn xóm sáng bừng ánh điện không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, mà đã giúp tình quân dân thêm gắn bó, để bà con giáo dân và bộ đội cùng chung tay bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Cuối năm 2023, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình còn tặng 2 công trình “Ánh sáng vùng biên” cho bản kết nghĩa của tỉnh bạn Khăm Muộn (Lào).

Theo Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, từ năm 2019 đến tháng 3/2024, đơn vị đã huy động được hơn 5,1 tỷ đồng và trích từ đóng góp của cán bộ, chiến sĩ hơn 350 triệu đồng để triển khai mô hình. Cùng với số kinh phí nêu trên, Bộ đội Biên phòng đã đóng góp hơn 3.500 ngày công để khảo sát, thiết kế, thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng 107 công trình chiếu sáng, với chiều dài hơn 108 km.

Dù giá trị đầu tư của mô hình “Ánh sáng vùng biên” so với các chương trình, dự án khác được đầu tư tại khu vực biên giới còn khiêm tốn nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống, sinh hoạt thường ngày của đồng bào nơi biên giới. Từ hiệu quả của mô hình ở Quảng Bình, vừa qua, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã lựa chọn để chỉ đạo nhân rộng mô hình này đối với Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trong toàn quốc để người dân vùng khó khăn có thêm những công trình ý nghĩa.