Đồng Văn bứt phá xây dựng nông thôn mới

Xuất phát điểm là xã thuộc Chương trình 135, có hơn 1/3 dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng được sự hỗ trợ của cấp trên cùng sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của người dân nên sau ba năm quyết liệt phấn đấu, đến nay xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã đạt toàn bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới một cách ngoạn mục. “Chìa khóa” của sự bứt phá chính là đột phá về giao thông của xã miền núi này.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng chuối trên đồi tại Đồng Văn cho thu nhập từ 200-250 triệu đồng/ha.
Mô hình trồng chuối trên đồi tại Đồng Văn cho thu nhập từ 200-250 triệu đồng/ha.

Đột phá giao thông

Để nói về sự bứt phá xây dựng nông thôn mới ở xã Đồng Văn, phải ngược lại thời gian trước đó. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Văn Nguyễn Văn Hải: Do là xã 135 còn nhiều khó khăn nên trong Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, không bàn đến chuyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong nhiệm kỳ này. Bởi đầu năm 2021, Đồng Văn mới đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới; thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hơn 32%... Cái khó nhất mà Đồng Văn phải đối mặt, đó là hạ tầng giao thông còn yếu kém; thu nhập người dân thấp và tỷ lệ hộ nghèo cao... Xã có diện tích rộng nhất huyện, có điều kiện để phát triển cây mía, sắn, keo phục vụ các nhà máy chế biến nhưng đã bị hạn chế do trên địa bàn có nhiều tuyến đường “mưa lầy, nắng bụi”.

Để hóa giải các khó khăn, trước tiên Đồng Văn tập trung vào đột phá về giao thông. Tranh thủ nguồn hỗ trợ xi-măng của tỉnh cùng với sự hỗ trợ, lồng ghép các chương trình, dự án từ Trung ương đến địa phương, cùng sự quyết tâm, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân, trong giai đoạn 2021-2023, Đồng Văn đã làm được 60 km đường nhựa và bê-tông… Dẫn chúng tôi đi trên những con đường bê-tông vừa mới hoàn thành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Văn Nguyễn Văn Hải khoe: Nếu ai đã từng ở đây cũng không dám nghĩ đến cuối năm 2023, Đồng Văn sẽ cơ bản hoàn thành nhựa hóa và bê-tông hóa các tuyến đường giao thông. Bởi khi bắt tay vào làm, gặp vô vàn khó khăn. Đời sống nhân dân còn nhiều vất vả; người dân quen với việc được Nhà nước hỗ trợ; nhiều người còn mơ hồ về chủ thể xây dựng nông thôn mới; việc vận động bà con đóng góp là rất khó...

Với quan điểm “Để cho dân hiểu, dân tin thì phải làm cho dân thấy”, xã đã chọn thí điểm làm một số tuyến đường đi qua cụm dân cư. Cụm dân cư số 2, có 40 hộ dân ở xóm Vĩnh Đồng được chọn làm thí điểm đầu tiên. Khi vận động người dân góp tiền, góp sức, hiến đất… bà con còn e ngại. Địa phương cùng các đoàn thể đã phải tổ chức nhiều buổi họp, làm việc với các hộ dân. Thông qua những người có uy tín, lãnh đạo địa phương đã gặp gỡ, trao đổi trực tiếp từng hộ để vận động. Khi tư tưởng được đả thông, người dân ở Cụm số 2 đã đồng lòng hoàn thành con đường liên ngõ dài 1,2 km. Nhiều hộ không chỉ góp công mà số tiền đóng góp cũng rất lớn, có hộ đóng góp hơn 20 triệu đồng. Sau khi con đường ở Cụm số 2 được hoàn thành đưa vào sử dụng thuận lợi, địa phương đã mời người dân ở các cụm dân cư khác đến tham quan. Một thông điệp được nêu ra, cụm dân cư họ làm được, sao cụm ta không làm được?! Đặc biệt, bà con đã nhận thấy được lợi ích khi có đường giao thông đi lại thuận lợi. Từ đó, phong trào làm đường đã dần lan tỏa nhanh chóng khắp xã, khi nhà nhà, người người đều đồng lòng làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới. Cũng như những hộ dân khác ở bản Kẻ Chiền, mía là nguồn thu nhập chính, chị Nguyễn Thị Hoa cho biết: Nếu giao thông đi lại thuận tiện sẽ giúp việc vận chuyển mía của gia đình dễ dàng hơn, các con chị cũng sẽ không phải đến trường trên những con đường lầy lội. Ngay khi xã phát động phong trào làm đường giao thông, gia đình chị và các hộ dân khác đã tình nguyện đóng góp để bê-tông hóa con đường trước nhà…

Các hộ dân Đồng Văn đã hiến hơn 62.000 m2 đất, hơn 8.000 cây ăn quả, cùng một số công trình phụ trợ khác… với tổng số tiền hơn 15,5 tỷ đồng để làm đường giao thông và xây dựng nông thôn mới.

Để tập hợp được sức mạnh khối đại đoàn kết trong nhân dân, cán bộ, đảng viên xã Đồng Văn gương mẫu “đi trước” tạo nên sự thành công trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ dân do điều kiện kinh tế khó khăn, tại thời điểm làm đường chưa có tiền để đóng góp thì các xóm trưởng, cán bộ xã đã đứng ra để cho dân ứng tiền đóng trước, khi nào có tiền thì hoàn trả lại mà không tính lãi. Tiêu biểu như Bí thư chi bộ xóm Thung Mòn Nguyễn Thị Thanh đã đứng ra cho một số hộ có gia cảnh khó khăn vay hơn 100 triệu đồng để làm đường. Bà Thanh chia sẻ: Ban đầu, tôi cũng lo lắng vì ứng ra số tiền lớn như thế không biết có thu về được không? Nhưng trong quá trình làm việc, thấy được sự ủng hộ của bà con nên mình tin tưởng. Hiện tại, tôi đã nhận lại cơ bản số tiền ứng ra để làm đường. Điều quan trọng nhất, Tết năm nay, thay cho những con đường lầy lội, bà con có đường bê-tông mới, rộng rãi để đi lại, ai cũng phấn khởi!

Nâng cao thu nhập

Khi đường đã thông, thì giao thương, kinh tế, đời sống của người dân bắt đầu khởi sắc, nhất là việc nâng cao thu nhập. Theo con số báo cáo, chưa kể cây trồng và vật nuôi khác, chỉ tính riêng ba cây chủ lực: keo, mía và sắn, người dân đã trồng hơn 1.800 ha với khối lượng vận chuyển rất lớn. Đơn cử như cây keo, trước đây, do đường đi lại khó khăn, nhiều nơi xe lớn không vào được phải dùng công nông “tăng-bo” ra điểm tập kết, chi phí vận chuyển đội lên rất cao khiến giá keo ở đây, bán thấp hơn so với xã khác từ 10 đến 20 triệu đồng/ha, thậm chí lên đến 30 triệu đồng/ha. Chính vì thế, khi giao thông thuận lợi, thu nhập 1 ha keo lên đến 70 đến 80 triệu đồng so với trước đây 40-50 triệu đồng.

Giao thông, giao thương thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân phát triển các mô hình kinh tế cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng 6 ha chuối trên đồi cho thu nhập từ 200 đến 250 triệu đồng/ha, người dân đang chuẩn bị mở rộng lên 20 ha; Mô hình nuôi lợn thịt của hộ ông Bùi Bá Hợi ở xóm Thung Mòn, mỗi năm xuất chuồng hơn 1.000 con, thu nhập gần 500 triệu đồng; Mô hình vườn ao chuồng của hộ ông Đặng Quang Cung, xóm Thung Mòn cho thu nhập hơn 145 triệu đồng/năm. Mô hình mật mía an toàn Đồng Văn có 13 hộ liên kết, thu về hơn 150 triệu đồng/năm... Việc buôn bán, kinh doanh của người dân cũng thuận lợi hơn. Ngoài ra, Đồng Văn có hơn 450 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), EU cùng hơn 1.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong nước… Nhờ đó, thu nhập hằng năm của người dân ngày một tăng cao. Kết quả, cuối năm 2023, thu nhập đã đạt hơn 49,4 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với bình quân chung của huyện; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 6,26%... Đồng Văn dần thay đổi diện mạo về bức tranh kinh tế, văn hóa, xã hội và cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Các trường học ở Đồng Văn đều đã được đầu tư tầng hóa cả ba cấp. “Cuối năm 2023, qua hội đồng thẩm định của huyện cho thấy, 19/19 tiêu chí đều đạt và đủ điều kiện trình Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định và công nhận xã Đồng Văn đạt chuẩn nông thôn mới”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Kỳ Phan Văn Giáp cho biết.

Từ việc xã Đồng Văn hoàn thành xây dựng nông thôn mới sẽ là nguồn cảm hứng để những địa phương khác trên địa bàn huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Huyện miền núi Tân Kỳ phấn đấu đến năm 2025, sẽ có từ một đến hai xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bốn xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao ■