Cụ thể, trong tháng 3, sản lượng khai thác, đánh bắt hải sản của xã Cảnh Dương là 335 tấn, tăng 303 tấn so tháng trước. Doanh thu đạt 50,25 tỷ đồng, tăng hơn 47 tỷ đồng so tháng trước.
Bình quân thu nhập lao động trên biển đạt 12,5 triệu đồng/lao động/tháng, riêng một số tàu trúng đậm, doanh thu cao, nên chủ tàu trả cho bạn thuyền 50 triệu đồng/người/tháng.
Đại diện lãnh đạo xã Cảnh Dương cho biết thêm, trong khi Quảng Bình chưa chính thức bước vào vụ cá nam nhưng với kết quả trên cho thấy đây là tín hiệu rất đáng mừng trong mùa biển năm nay.
Đầu năm nay trên vùng biển của tỉnh xuất hiện nhiều luồng cá, mực nên ngư dân đánh bắt trúng đậm hơn, có nhiều tàu ở Cảnh Dương trúng 100-300kg mực sau một chuyến biển. Cá, mực đánh bắt gần bờ tươi ngon và giá bán cao, nên làng biển Cảnh Dương rộn ràng từ sau Tết Nguyên đán 2024 đến nay.
Một góc bến cá Cảnh Dương trong buổi sáng. |
Trong số các tàu, thuyền của ngư dân Cảnh Dương trúng đậm hải sản, doanh thu cao có tàu cá của ngư dân Đậu Thanh Phương ở thôn Đông Cảng trong tháng 3 đã đánh bắt được 8 tấn mực và cá, đạt doanh thu 800 triệu đồng.
Sau khi trả công cho 6 lao động với số tiền hàng chục triệu đồng mỗi người, anh Phương thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Quảng Bình chuyển đổi các nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi, hệ sinh thái
Hay tàu làm nghề chụp mực của ngư dân Phạm Ngọc Tâm ở thôn Trung Vũ sau 2 ngày, đêm đánh bắt đã mang về hơn 300kg mực. Giá mực tươi trên thị trường Quảng Bình từ 150.000-300.000 đồng/kg nên sau chuyến biển này, tàu của anh Tâm thu được hơn 60 triệu đồng.
Theo Ủy ban nhân dân xã Cảnh Dương, thời điểm này gần 600 tàu, thuyền của ngư dân đều đã ra khơi. Bên cạnh việc thăm hỏi, chia vui với các chuyến biển thắng lợi, lãnh đạo xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện đúng các quy định về khai thác thủy sản trên vùng biển xa, không vi phạm IUU.