Chính sách nhân văn của thành phố Đà Nẵng

Hỗ trợ các hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã triển khai rất nhiều chương trình thiết thực. Và “có nhà ở” là một trong những mục tiêu rất nhân văn của Đà Nẵng, chắp thêm niềm tin, hy vọng sống và an cư lập nghiệp, nhất là đối với những hộ gia đình đặc biệt khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trao quyết định thuê nhà chung cư cho các hộ dân.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trao quyết định thuê nhà chung cư cho các hộ dân.

Để giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, năm 2023, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng phương án và triển khai xét duyệt bố trí thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước đối với hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo báo cáo mới nhất, số liệu khảo sát của quận, huyện, có 137 hộ bảo đảm tiêu chí nêu trên, Sở Xây dựng đã xây dựng phương án phân bổ và tiêu chí xét duyệt; lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương; báo cáo hội đồng xét duyệt bố trí thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước thông qua và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Đến nay, thành phố đã xét duyệt bố trí 44 căn hộ (đáp ứng khoảng 30% nhu cầu). Đối tượng thuê là hộ nghèo có tên trong danh sách hộ nghèo được công nhận tại địa phương theo quy định, có đăng ký hộ khẩu và thường trú liên tục tại thành phố đủ 7 năm trở lên tính đến thời điểm nộp hồ sơ, chưa có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở trên địa bàn thành phố...

Cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức gặp mặt và trao quyết định bố trí thuê chung cư đối với các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Theo đó, thành phố trao quyết định bố trí thuê chung cư gồm 44 căn hộ cho những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây là những hộ dân có người bị khuyết tật nặng, đặc biệt nặng; hộ có người bị bệnh hiểm nghèo, hộ có người đơn thân nuôi con. Sau khi nhận quyết định, các hộ dân được hướng dẫn ký hợp đồng thuê.

Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, một trong những mục tiêu mà thành phố lựa chọn và kiên trì, kiên định trong công tác chỉ đạo, điều hành trong nhiều năm qua chính là thực hiện có hiệu quả chương trình “Thành phố 4 an” gắn với chương trình thành phố “5 không”, “3 có” nhằm bảo đảm an sinh xã hội. “Các chương trình an sinh xã hội của thành phố không chỉ hướng đến việc phấn đấu xây dựng thành phố an bình, thịnh vượng, là điểm đến an toàn, tin cậy đối với du khách, bạn bè quốc tế mà đầu tiên và trước hết, chúng ta hướng đến mục tiêu xây dựng một thành phố đáng sống, người dân hạnh phúc”, ông Lê Trung Chinh, nhấn mạnh.

Tính đến hết năm 2023, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư hoàn thành hơn 16.700 căn hộ, trong đó vốn ngân sách nhà nước đầu tư hơn 12.000 căn hộ (chiếm tỷ lệ khoảng 80% quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước của cả nước). Đối với chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước, thành phố đang quản lý gần 10.000 căn hộ, đã bố trí thuê hơn 98%. Từ năm 2019, thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương ưu tiên bố trí thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước đối với người có công với cách mạng và các hộ dân bị giải tỏa tại các khu chung cư, tập thể xuống cấp thuộc sở hữu Nhà nước; các đối tượng còn lại được xem xét, giải quyết thuê, mua nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách.

Thời gian tới, thành phố tập trung hoàn thành dự án Chung cư nhà ở xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên với hơn 200 căn hộ, hoàn thiện bốn dự án nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách với hơn 2.500 căn hộ và kêu gọi đầu tư mới ba dự án nhà ở xã hội với hơn 3.500 căn hộ. Hoàn thiện Đề án bán nhà chung cư thuộc sở hữu Nhà nước với khoảng 1.800 căn hộ trình cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt tạo nguồn lực tái đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố; đồng thời tập trung thu hồi đối với các trường hợp không còn bảo đảm điều kiện thuê hoặc vi phạm quy chế quản lý sử dụng chung cư thuộc sở hữu Nhà nước.

Đón nhận quyết định được thuê căn hộ chung cư, rất nhiều gia đình đã bật khóc vì giờ đây đã có chỗ ở ổn định tránh nắng, tránh mưa. Mọi khó khăn, ngặt nghèo của cuộc sống gia đình họ sẽ tạm được yên một phần vì không còn cảnh ở nhờ tạm bợ, thuê mướn quanh năm. Có những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như ông Trần Văn Nghĩa (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), cả đại gia đình trong ngôi nhà diện tích 100m2 với 22 thành viên. Gia đình riêng của ông Nghĩa gồm có 5 thành viên sinh hoạt trong căn phòng 10m2, vợ bị bệnh ung thư, 3 con nhỏ trong độ tuổi đi học... nay được thuê nhà chung cư là niềm vui quá lớn.

Ngồi trên xe lăn, chị Lê Thị Diệu Anh (sinh năm 1989, trú phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) xúc động cho biết, gia đình chị đã chờ 12 năm để có một nơi ở ổn định, lại đúng vào thời điểm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Khi nghe phường thông báo gia đình chị thuộc diện được thành phố xét duyệt bố trí thuê nhà ở xã hội, cả nhà ôm nhau khóc vì quá mừng, mơ ước về một điều kiện sống tốt hơn cho các con đã trở thành hiện thực. “Khi biết tin, vợ chồng tôi cả đêm không ngủ được, vui quá. Cảm ơn thành phố đã luôn quan tâm đến những người dân khó khăn như chúng tôi”, chị Anh xúc động nói.

Chị Anh bị khuyết tật từ nhỏ, công việc của chị là nhận may gia công tại nhà, thu nhập bấp bênh, mỗi tháng chỉ được từ 2 đến 3 triệu đồng. Chồng chị là lao động tự do. Vợ chồng chị Anh đã nhiều năm thuê trọ với căn phòng rộng hơn 10m2 ở cùng hai con nhỏ, điều kiện thiếu thốn. Cả hai gia đình nội ngoại đông anh em, hoàn cảnh cũng không khá giả cho nên cũng không giúp được gì nhiều.

Còn với bà Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1972, trú phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) có chồng qua đời đã 8 năm, một mình bà nuôi hai con ăn học, trong đó có một cháu học lớp 5 bị khuyết tật ở chân. Lâu nay, bà Thuận và hai con ở cùng với 13 người khác của gia đình nhà chồng trong ngôi nhà rộng hơn 65m2, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn. “Năm nay mẹ con tôi hạnh phúc khi có nơi ở mới rộng rãi, ổn định hơn để đón Tết. Mong rằng tới đây thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về chỗ ở cho những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như chúng tôi”, bà Thuận chia sẻ.

Có nhà ở là một trong những chính sách nhân văn của thành phố Đà Nẵng, theo đó tạo điều kiện cho người dân, nhất là các đối tượng thuộc hộ đặc biệt nghèo, có cuộc sống đủ đầy hơn, hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển và “không để ai bị ở lại phía sau” ■