Vốn ưu đãi giúp nhiều hộ thoát nghèo

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) từng bước ổn định đời sống. Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đã giúp người nghèo nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Phan Hữu Thoán, ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua bò chăn nuôi.
Ông Phan Hữu Thoán, ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua bò chăn nuôi.

Gia đình ông Phan Hữu Thoán, ở thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy trước đây là hộ nghèo, đời sống sau này dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn. Cái khó nhất của gia đình là thiếu vốn và chưa tìm được cách thức làm ăn phù hợp ở giữa vùng quê chiêm trũng.

Được sự tư vấn của cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy, ông Phan Hữu Thoán vay 30 triệu đồng của chương trình cho vay giải quyết việc làm để mua ba con bò giống về nuôi. Gần ba năm qua, đàn bò phát triển lên chín con, mỗi năm bán 3-4 con, cho thu nhập ổn định 90 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi thêm dê và các loại gia cầm để nâng cao nguồn thu cho gia đình. Hiện mô hình kinh tế của gia đình ông Thoán không những bảo toàn được nguồn vốn vay ưu đãi mà luôn có lãi để tái đầu tư.

Ông Phan Hữu Thoán chia sẻ, việc chăn nuôi bò phù hợp với đồng đất Đại Phong nên mang lại hiệu quả cho gia đình, từ đó giúp ông có thêm vốn để nuôi dê, bồ câu.

Theo đánh giá của lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Phong Thủy, nguồn vốn vay ưu đãi có tính chất "vốn mồi" của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho những gia đình đang loay hoay như ông Thoán vươn lên thoát nghèo bền vững. Điều không kém phần quan trọng nữa là giúp họ tự tin để mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, tạo ra những điểm sáng về phát triển kinh tế ở nông thôn, giúp cho nhiều người học hỏi.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thức, ở tổ dân phố Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy vay 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư nuôi trâu. Khi mô hình chăn nuôi tỏ ra hiệu quả, gia đình ông tiếp tục được tạo điều kiện nâng hạn mức vay để nuôi cá, trồng sen phát triển kinh tế. Từ đó cuộc sống của gia đình ông từng bước ổn định và thoát nghèo bền vững.

Lệ Thủy là huyện thường xuyên bị lũ lụt, trong đó có những đợt lũ lớn gây nhiều thiệt hại đối với người dân. Vì thế, để chủ động sống chung với lũ lụt, bà con phải xây dựng nhà kiên cố có thể vượt lũ an toàn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để có thể xây dựng được nhà cửa kiên cố cho nên phải tìm đến nhờ sự hỗ trợ của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Năm 2023, anh Phan Quốc Hùng, ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy được tuyên truyền, giới thiệu về chương trình vốn vay nhà ở xã hội nên đã mạnh dạn đăng ký vay vốn. Hiện, gia đình anh được vay 500 triệu đồng trong thời hạn 250 tháng với lãi suất ưu đãi và cùng với số tiền tích góp được để xây dựng một ngôi nhà khang trang. Những ngày cuối năm 2023, ngôi nhà của anh Hùng đang trong giai đoạn hoàn thành hứa hẹn mang tới sự ấm cúng và bình yên cho gia đình.

Anh Phan Quốc Hùng chia sẻ: "Chương trình cho vay làm nhà ở xã hội là chương trình có ý nghĩa nhân văn, qua đó tạo điều kiện cho người dân, nhất là những gia đình trẻ được vay vốn, xây dựng nhà ở khang trang. Chúng tôi rất vui khi được tiếp cận được nguồn vốn vay này".

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Liên Thủy Phạm Văn Linh cho biết, triển khai các chương trình tín dụng thông qua nguồn vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đến nay xã Liên Thủy thực hiện cho vay với dư nợ 41.501 triệu đồng, từ đó giúp hộ nghèo có thể xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt; xây dựng công trình nước sạch; xuất khẩu lao động; phát triển các mô hình kinh tế, chăn nuôi. Nguồn vốn ưu đãi này đã trợ giúp người dân trong xã phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Chính quyền địa phương mong muốn nguồn vốn chính sách tiếp tục đồng hành để hỗ trợ thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn, vươn lên thoát nghèo, góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của xã Liên Thủy nói riêng, huyện Lệ Thủy nói chung.

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy Đặng Đại Ngôn cho biết, đến cuối tháng 11/2023, tổng dư nợ đạt hơn 720 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 121 tỷ đồng. Doanh số cho vay đạt hơn 253 tỷ đồng với 4.216 lượt hộ vay vốn, trong đó, một số chương trình có doanh số cho vay lớn, như: cho vay hộ nghèo 30.427 triệu đồng, với 434 lượt hộ vay; cho vay hộ cận nghèo 24.162 triệu đồng, 346 lượt hộ vay; cho vay hỗ trợ tạo việc làm 57.389 triệu đồng, với 819 lượt hộ vay; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 41.835 triệu đồng, với 2.092 hộ vay; cho vay làm nhà ở là 53.125 triệu đồng, với 110 ngôi nhà được xây dựng mới... Các chương trình tín dụng ưu đãi hộ nghèo, nhà ở xã hội, nước sạch và vệ sinh môi trường, xuất khẩu lao động, vay sản xuất, kinh doanh… được cấp ủy, chính quyền và người dân đánh giá cao về tính hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động vay vốn vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, như: tình trạng nợ quá hạn tăng sau phiên giao dịch vẫn thường xảy ra; chất lượng tín dụng một số xã vẫn chưa ổn định; thực trạng hộ vay rời khỏi nơi cư trú không rõ địa chỉ, tiềm ẩn chất lượng tín dụng xấu vẫn diễn ra.

Để nguồn vốn ưu đãi được phát huy hiệu quả cao, thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Lệ Thủy tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền các chính sách mới về tín dụng ưu đãi; chủ động tham mưu các địa phương phân giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng về đến tận thôn, bản, tổ dân phố làm cơ sở cho các tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét cho vay đúng đối tượng, bảo đảm tính công khai, dân chủ; duy trì việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiền gửi theo từng tuần, cụ thể đến từng xã; thường xuyên công khai thông tin về chính sách tín dụng của Chính phủ, công khai danh sách hộ vay vốn, bảo đảm tính minh bạch, tạo điều kiện cho người dân kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng tại cơ sở.