Diện tích tự nhiên của Trà Vinh là 239.077 ha, trong đó có hơn 77% là đất sản xuất nông nghiệp; hơn 80% dân số của tỉnh sống ở khu vực nông thôn. Nhằm chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nhiều năm qua, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng thủy lợi, bảo đảm nguồn nước tưới tiêu cho hàng trăm nghìn héc-ta đất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Dự án thủy lợi Nam Măng Thít với tổng vốn hơn 1.200 tỷ đồng được triển khai tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, Trà Vinh hưởng lợi với 80% các hạng mục công trình dự án. Đến nay, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống công trình từ đầu mối đến nội đồng và phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ để khai thác hiệu quả các nguồn nước tự nhiên phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Ứng phó với tình trạng nước mặn bao vây vùng trọng điểm lúa của hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai dự án xây dựng công trình nạo vét kênh Mai Phốp, Ngã Hậu tại hai tỉnh này với tổng vốn hơn 436 tỷ đồng.
Theo đó, các hạng mục công trình dự án cấp nước cho 30.000 ha lúa, tiêu úng, rửa phèn hơn 160.000 ha đất tự nhiên của tỉnh Trà Vinh. Hệ thống cống đập thủy lợi hoàn chỉnh, vào mùa khô, khi độ mặn thực đo ở mức 1 phần nghìn sẽ đóng cống để ngăn mặn. Độ mặn giảm dưới 1 phần nghìn, các cống đập thủy lợi được mở để tích trữ nước ngọt trên hệ thống sông, rạch, kênh nội đồng phục vụ sản xuất lúa.
Hiệu quả từ các công trình cống thủy lợi Láng Thé, Cái Hóp, Bông Bót,.. là hình thành được vùng trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh gồm các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, một phần huyện Châu Thành; góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Trà Vinh phát triển các loại cây trồng chủ lực như lúa với diện tích gieo trồng hằng năm khoảng 220.000 ha và sản lượng khoảng 1,1 triệu đến 1,2 triệu tấn/năm; cây dừa với diện tích hơn 23.000 ha, đứng hàng thứ 2 cả nước. Đối với các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, một phần huyện Châu Thành khắc nghiệt về nguồn nước tưới, người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đa dạng cây trồng, vật nuôi.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, sản phẩm từ trái dừa sáp của tỉnh là loại đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Trà Vinh có 750 ha dừa sáp, tập trung chủ yếu ở huyện Cầu Kè; trong đó 70 ha được các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Vùng nguyên liệu dừa sáp có khả năng cung ứng hơn 2,3 triệu trái sáp/năm và tỉnh đang có kế hoạch mở rộng diện tích lên 5.000 ha theo hướng chọn giống cho tỷ lệ trái sáp cao.
Hiện tỉnh đã triển khai đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho dừa sáp và thực hiện các chính sách hỗ trợ thiết bị, công nghệ chế biến sâu cho các sản phẩm chế biến từ trái dừa, giúp nhà vườn tăng thu nhập và tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm từ trái dừa. Giai đoạn 2024-2025 sẽ tiếp tục triển khai tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đậu phộng; đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý cho tôm khô Vinh Kim, cua biển và dưa hấu.
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng tạo ra giá trị gia tăng cao trên cùng đơn vị diện tích, cánh đồng Đon ở Ấp 11, xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải được Nhà nước đầu tư hạ tầng thủy lợi, điện phục vụ nuôi tôm thâm canh.
Trước đây, cánh đồng Đon có diện tích khoảng 1.000 ha, 50% diện tích trồng lúa, năng suất bấp bênh, còn lại chủ yếu là nuôi tôm theo hình thức quảng canh. Định hướng là 800 ha nuôi tôm thâm canh, hệ thống kênh cấp, thoát nước, cầu nông thôn, lưới điện trung thế, hạ thế hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân.
Hộ nuôi tôm thâm canh có lợi nhuận từ con tôm cao hơn gấp 20 đến 30 lần so với trồng lúa. Diện tích khoảng 200 ha có đê bao ngăn mặn, quy hoạch vùng chuyên canh màu, xen canh lúa-màu với cơ cấu mùa vụ gồm 1 vụ dưa hấu, 1 vụ bí đỏ/năm,
2 vụ dưa hấu, 1 vụ đậu phộng...; bình quân 1 ha nông dân thu nhập hơn 120 triệu đồng/năm. Thời gian qua, để chủ động ứng phó nắng nóng kéo dài, nhiệt độ thay đổi đột ngột, Ủy ban nhân dân xã Long Hữu vận động tổ chức lại sản xuất, tăng cường phối hợp cùng ngành chuyên môn tổ chức chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản cho người dân.
Từ đó, người dân áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm an toàn, xử lý độ PH ổn định trước khi thả giống, chọn tôm giống được kiểm dịch và có chất lượng tốt, có ao lắng đúng quy cách, tuân thủ lịch thời vụ và sử dụng chế phẩm sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, Lê Văn Đông cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh cần đổi mới việc tổ chức lại sản xuất, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học-công nghệ, thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản. Phát triển hạ tầng nông thôn đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại. Đồng thời, các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, như:
Nuôi tôm càng xanh xen canh lúa, lợi nhuận hơn 70 triệu đồng/ha, tăng 4-5 lần so với độc canh cây lúa, giảm chi phí thức ăn, thuốc hóa chất; nuôi tôm thẻ chân trắng luân canh lúa theo hướng hữu cơ, lợi nhuận hơn 467 triệu đồng/ha; nuôi tôm - rừng kết hợp với vọp, lợi nhuận 60 triệu đồng/ha; trồng đậu phộng sử dụng phân hữu cơ vi sinh tưới nước tiết kiệm, năng suất mô hình đạt 7,5 tấn/ha, lợi nhuận 53 triệu đồng/ha...