Nơi rẻo cao, có những lớp học thật khác

NDO - Đến với các bản làng trên địa bàn tỉnh miền núi Sơn La, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp những lớp học với thầy giáo là bộ đội biên phòng, học sinh đã có đầy đủ cháu nội-ngoại, cô giáo gội đầu, ủ chấy, cắt móng tay cho học trò sau giờ lên lớp… Nơi rẻo cao xa xôi, nhiệt huyết với nghề, với học trò của các giáo viên bám bản chẳng khác nào những ngọn lửa hồng ấm áp giữa núi đồi âm u trùng điệp.
0:00 / 0:00
0:00
Cô giáo Vì Thị Hằng tranh thủ chải tóc cho học sinh vào giờ giải lao tại sân Trường Tiểu học Lóng Luông (xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La).
Cô giáo Vì Thị Hằng tranh thủ chải tóc cho học sinh vào giờ giải lao tại sân Trường Tiểu học Lóng Luông (xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La).

Sinh ra và lớn lên tại xã vùng cao Mường Tè (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), con đường “học lấy cái chữ” của cô bé Vì Thị Hằng chưa bao giờ trải thảm hoa. Tốt nghiệp trung học cơ sở, cô bé người Thái cùng bạn bè đồng trang lứa tiếp tục theo học tại Trường Trung học phổ thông Mộc Lỵ (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), cách nơi ở 70km. Để đến lớp, nhóm bạn phải đi bộ 3-4 giờ đến đường nhựa, sau đó tiếp tục ngồi xe ôm di chuyển tới trường.

“Mẹ hiền” trên mảnh đất dữ

Ham học là thế, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, Vì Thị Hằng buộc phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Hơn 1 năm vất vả với công việc hái mận thuê ở Mộc Châu, chưa lúc nào cô học trò có dáng người nhỏ nhắn thôi nghĩ về ước mơ được trở thành giáo viên.Vì thế, sau những buổi làm công mệt rã rời, cô lại mở sách tự ôn tập đến đêm.

"Một trong những điều may mắn nhất tôi có được khi ngồi ghế giảng đường là công việc ở quán cơm với mức lương 550 nghìn đồng/tháng", cô giáo Vì Thị Hằng kể lại.

Tháng 8/2006, những cố gắng của cô gái đầy nghị lực đã được đền đáp với thông báo trúng tuyển chuyên ngành sư phạm âm nhạc của Trường Cao đẳng sư phạm Sơn La. “Đi cùng niềm vui đó là nỗi lo về chi phí ăn học. Tôi đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều trước khi hạ quyết tâm khăn gói đi nhập trường. May mắn thay, tôi được nhận vào làm phục vụ quán cơm sinh viên gần trường với mức lương 550 nghìn đồng/tháng và được nuôi ăn ngày 2 bữa”, cô Vì Thị Hằng xúc động kể.

Tiền công kiếm được, cô nữ sinh cao đẳng dồn hết vào trang trải cuộc sống và mua đồ dùng, dụng cụ học tập. 3 năm học cứ như vậy thấm thoắt trôi qua, cô tốt nghiệp tháng 6/2009 và được phân công công tác vào đầu năm 2010 ngay trên mảnh đất quê hương. Sau đúng một thập kỷ làm việc tại Trường Trung học cơ cở Mường Tè (nay là Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Tè), đến năm 2020, cô giáo Vì Thị Hằng chuyển về làm việc tại Trường Tiểu học Lóng Luông (huyện Vân Hồ).

Nơi rẻo cao, có những lớp học thật khác ảnh 1

Cô Vì Thị Hằng hướng dẫn học sinh tập thể dục, sinh hoạt ngoại khóa qua các điệu dân vũ.

Trong vai trò giáo viên Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Phó Bí thư chi đoàn, cô Hằng luôn mạnh dạn đưa ra những cách làm mới để từng bước đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, tiêu biểu như sáng kiến tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trò chơi dân gian, giải pháp tạo hứng thú trong môn âm nhạc cho học sinh dân tộc thiểu số… và gần đây nhất là chương trình “Vì đàn em thân yêu” năm học 2023-2024.

“Xen lẫn chương trình, không ít giọt nước mắt đã rơi. Bởi ở mảnh đất này, thật sự có quá nhiều em nhỏ hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ sinh ra và lớn lên trong đói nghèo, các em còn thiếu thốn tình thương, sự quan tâm của gia đình. Thậm chí, không ít trường hợp có bố mẹ vướng vào vòng lao lý hoặc nghiện ma túy rồi mất sớm, bỏ lại các em bơ vơ. Các em rất cần chúng tôi, không chỉ trên con đường kiến thức mà còn như những người cha, người mẹ thứ hai”, cô giáo sinh năm 1986 xúc động nói.

Nơi rẻo cao, có những lớp học thật khác ảnh 2

Cô giáo người Thái lặng lẽ đắp chăn cho các học sinh bán trú vào giờ nghỉ trưa.

Với tâm nguyện ươm mầm ước mơ trên vùng đất vốn nổi tiếng phức tạp về an ninh trật tự liên quan đến các vụ vận chuyển, tàng trữ trái pháp chất ma túy, cô Vì Thị Hằng đã phát động triển khai một chương trình tình nguyện đặc biệt: cắt tóc, gội đầu, ủ chấy, hướng dẫn cắt móng tay, móng chân, tự vệ sinh cá nhân… cho học sinh dân tộc thiểu số vào cuối buổi học sáng thứ 6 hằng tuần.

Được biết, chỉ trong năm học vừa qua, chương trình đã chăm sóc cho tổng cộng hơn 600 học sinh, đồng thời huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ khoảng 200 đội viên nhi đồng hoàn cảnh khó khăn (mỗi trường hợp từ 100-300 nghìn đồng sách giáo khoa, quần áo, đồ dùng học tập…).

Nơi rẻo cao, có những lớp học thật khác ảnh 3

Cô Vì Thị Hằng thường xuyên cắt móng tay, bảo ban học trò cách tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân mỗi ngày.

Những sáng kiến, giải pháp, mô hình chứa chan tình cảm cô trò của nhà giáo trẻ người dân tộc Thái không chỉ gói gọn trong khuôn viên sân Trường Tiểu học Lóng Luông, mà còn được chính quyền, các nhà trường ở địa phương ghi nhận, lựa chọn phổ biến rộng rãi. Điển hình như chương trình tình nguyện “Vì đàn em thân yêu” nêu trên đã được áp dụng, mang lại hiệu quả thiết thực tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Xuân (huyện Vân Hồ), Trường Trung học cơ sở bán trú Tân Hợp (huyện Mộc Châu)…

“Nhiều năm bám lớp, bám bản, tôi tự nhủ sẽ càng phải vững vàng, bền bỉ, nhiệt huyết hơn nữa. Đây không chỉ là câu chuyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Mà hơn thế nữa, chúng tôi hiểu rằng: ở nơi cheo leo vách núi này, thầy cô giáo còn là niềm tin, điểm tựa cho học trò nghèo giữa muôn trùng khó khăn. Nếu bây giờ được lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ bước đi trên con đường gieo mầm ước mơ cho thiếu nhi vùng cao”, cô Vì Thị Hằng bộc bạch.

Nơi rẻo cao, có những lớp học thật khác ảnh 4

Nữ sinh Trường Tiểu học Lóng Luông vô tư đùa nghịch trong giờ ra chơi.

Những học sinh đã là “ông nội, bà ngoại”

Đã hơn 9 giờ tối, nhưng lớp học đặc biệt của “thầy giáo quân hàm xanh” Lò Văn Thoại ở xã Mường Và (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) vẫn sáng đèn. Trong không gian tịch mịch của núi rừng Tây Bắc, tiếng ê a đánh vần từ trong căn phòng học chưa đầy 20m2 ấy vọng xa đến hàng trăm mét rồi mới tan vào âm thanh của những loài vật săn đêm.

Nơi rẻo cao, có những lớp học thật khác ảnh 6

Lớp học xóa mù chữ của thầy giáo quân hàm xanh Lò Văn Thoại tại các bản làng trên địa bàn huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La).

Lạ lùng thay, giọng đánh vần ấy không mang nét lanh lảnh, hồn nhiên của trẻ thơ, mà được ngân nga như một khúc nhạc cổ xưa của đồng bào dân tộc thiểu số, phát ra từ những “học sinh” đã ở tuổi trung niên. Đứng trên bục giảng, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Lò Văn Thoại dõng dạc đọc mẫu: “Mùa thu đã về trên bản nhỏ…”. Phía dưới lớp, khoảng 30 bà con người H’Mông, Thái, Khơ Mú, Lào… chăm chú dõi theo từng con chữ viết bằng phấn trắng trên bảng bằng đôi mắt mở to. Tiếng sột soạt nắn nót chép bài trên giấy lại càng rõ hơn.

Nơi rẻo cao, có những lớp học thật khác ảnh 7

Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Lò Văn Thoại soạn giáo án khi trở về Đồn biên phòng Nậm Lạnh sau các tiết học. Lúc này, đồng hồ đã chỉ hơn 11 giờ đêm.

Vậy là cũng đã hơn 20 năm kể từ ngày Đại úy Lò Văn Thoại quyết tâm theo đuổi ước mơ “gánh chữ” lên non, xóa mù chữ cho người dân vùng cao. Thế nhưng, mỗi lần đặt chân đến một bản làng mới trên hành trình đầy gian nan ấy lại cho anh một cảm xúc, nguồn động lực mới. Bởi trong trái tim người lính biên phòng đầy nhiệt huyết ấy, luôn có một ngăn đỏ thắm dành riêng cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn và nhất là những địa bàn giáp biên giới.

Đầu năm 2022, thực hiện quyết định điều động của cấp trên, Đại úy Lò Văn Thoại về nhận công tác tại Đồn biên phòng Nậm Lạnh, Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La. Ngay lập tức, anh cùng đồng đội lên đường tìm hiểu tình hình đời sống người dân các bản làng lân cận.

“Từ trung tâm xã Mường Và vào tới bản Pá Khoang là khoảng 20km, cho nên chúng tôi dự kiến đến nơi sau khoảng 40-50 phút. Tuy nhiên, thực tế đoàn công tác phải mất tới hơn 2 giờ lội suối, vượt đèo mới gặp được bà con. Về sau này, tôi mới biết nếu trời mưa thì việc vào bản thậm chí còn là bất khả thi”, quân nhân sinh năm 1981 nhớ lại.

Nơi rẻo cao, có những lớp học thật khác ảnh 8

“Thầy thoại” cùng các học trò của mình đang ôn tập bài cũ.

Chuyến công tác đầu tiên sau khi nhận nhiệm vụ mới ấy khiến Đại úy Lò Văn Thoại vô cùng trăn trở, day dứt. Anh nhận ra rằng, không chỉ khó khăn trong đi lại, mà người dân Pá Khoang còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như tình trạng tảo hôn, mù chữ và tái mù chữ, đời sống eo hẹp, cơm lo từng bữa… “Làm thế nào để bà con biết đọc chữ, đọc sách báo, hoặc tối thiểu cũng phải biết viết tên của mình? Đời sống khốn khó như vậy, đến bao giờ đồng bào mới hiểu làm kinh tế hộ gia đình là gì, hay xa hơn là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất?” - Đại úy Thoại tự vấn.

Sau những đêm trằn trọc với hàng loạt câu hỏi, người cán bộ quân hàm xanh nhanh chóng lên kế hoạch chi tiết, bắt tay vào phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Sốp Cộp mở lớp xóa mù chữ tại bản Pá Khoang. Tuy nhiên, do phần lớn học viên là lao động chính trong gia đình, ban ngày phải đi làm nương rẫy, cho nên lớp chỉ có thể mở vào buổi tối.

Thời gian đầu, lớp cũng chỉ có lác đác vài học viên, phần lớn là người cao tuổi. Tuy nhiên, với kinh nghiệm công tác dày dặn cùng quyết tâm xóa mù chữ cho đồng bào thôi thúc đêm ngày, Đại úy Lò Văn Thoại đã đến gõ cửa từng hộ gia đình trong bản để tuyên truyền, vận động người dân tham gia lớp học đặc biệt của mình.

Nơi rẻo cao, có những lớp học thật khác ảnh 9

Với sự tận tâm, nhiệt huyết của Đại úy Lò Văn Thoại, bà con đã dần cởi bỏ mặc cảm để đến lớp thường xuyên, thậm chí động viên con, cháu “phải học lấy cái chữ”.

Dần dần, sĩ số lớp tăng lên 10, 15 rồi đến nay là 24 học viên từ 14-45 tuổi. “Học viên đã lâu không cầm bút, lại ở nhiều lứa tuổi khác nhau nên sức học, mức độ tập trung và khả năng hiểu bài cũng không giống nhau, khiến tôi thường xuyên phải cầm tay hỗ trợ viết từng chữ”, thầy giáo quân hàm xanh chia sẻ.

Nhờ những nỗ lực theo đúng phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” của người cán bộ biên phòng, sau khoảng nửa năm, toàn bộ “học sinh” trong lớp đã biết đọc, biết viết cơ bản. Quan trọng hơn cả, bà con địa phương ngày càng thích tới lớp hơn, đồng thời nhận thức được rằng: học chữ không chỉ để hiểu sách báo.

Nơi rẻo cao, có những lớp học thật khác ảnh 10

Học sinh trong lớp, nhiều người đã lên chức ông, bà. Trong ảnh, bà Lường Thị Yên ngồi hàng đầu, bên phải.

Nói về hiệu quả của lớp học xóa mù chữ ở địa phương, bà Lường Thị Yên (xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp) cho biết: “Năm nay tôi đã 48 tuổi, cháu ngoại lớn học lớp 5, cháu nội cũng mới vào lớp 1. Kể từ khi tham gia lớp học, tôi có thêm nhiều điều để chia sẻ với các cháu hơn. Nhiều lúc, bà cháu vui vẻ cùng nhau đố chữ, đố nghĩa của từ. Nhiều người trong lớp giờ có thể tự lưu tên mình và người thân trên điện thoại, nhận biết mặt chữ trên tivi. Vì thế, ai cũng đi học rất đều, rất hiếm khi thấy người nào bỏ dù chỉ một buổi học”.

Cứ như vậy, giờ đây người dân ở Sốp Cộp đã quen với việc gặp nhau trong khoảng thời gian từ 19 đến 21 giờ tối mỗi ngày để “học lấy cái chữ mà còn thoát nghèo”, quen luôn cả cách gọi “thầy Thoại” đầy trìu mến.

Nơi rẻo cao, có những lớp học thật khác ảnh 11

Sự tận tình của “thầy Thoại” với học sinh trong lớp xóa mù chữ.

“Được bà con coi như thầy giáo của bản làng, tôi càng có thêm quyết tâm bám bản, coi đây không chỉ là nhiệm vụ được cấp trên tin tưởng giao phó, mà còn như một mệnh lệnh từ trái tim. Sau mỗi buổi học, dù có mệt đến mấy, tôi vẫn dành thời gian tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá”, người lính biên phòng dân tộc Lào cho hay.

Cô Vì Thị Hằng và thầy Lò Văn Thoại là 2 trong số 60 giáo viên được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long lựa chọn tham gia chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024 vào các ngày 14 và 15/11 tới đây tại Thủ đô Hà Nội.