“Vun gốc” nơi vùng sâu, vùng xa

Từ quan điểm nhất quán của Đảng ta: Cán bộ là gốc của công việc, cán bộ của hệ thống chính trị cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo có thể ví như là những gốc rễ cắm sâu thực tiễn, là điểm tựa của phong trào ở địa phương. Và câu chuyện “vun gốc”, tạo nguồn, sử dụng đãi ngộ cán bộ nơi vùng sâu, vùng xa, nơi địa đầu Tổ quốc, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có bao vui buồn, trăn trở…
0:00 / 0:00
0:00
Thầy Lê Thanh Chiến, giáo viên Trường tiểu học xã Song Tử Tây (Trường Sa, Khánh Hòa) tận tâm với nhiệm vụ “trồng người” nơi đảo xa.
Thầy Lê Thanh Chiến, giáo viên Trường tiểu học xã Song Tử Tây (Trường Sa, Khánh Hòa) tận tâm với nhiệm vụ “trồng người” nơi đảo xa.

Kỳ 1: Vượt khó để làm cán bộ

Công việc của cán bộ nơi đảo xa hay vùng cao biên giới có khác gì với ở đồng bằng, thành thị? Ở những nơi đó, để trở thành những người cán bộ tốt, cần thật nhiều hoài bão, tình yêu công việc và cả tấm lòng thật sự vì nhân dân.

Làm cán bộ bằng tấm lòng vì dân

Trong chuyến công tác tại huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa mới đây, chúng tôi thăm hai xã đảo là Song Tử Tây và Sinh Tồn nơi có cư dân sinh sống. Ấn tượng nhất là con số 100% cán bộ công chức xã và thầy giáo các trường mầm non, tiểu học đều xung phong từ đất liền ra đảo phục vụ nhân dân. Trong đó, đồng chí Cao Văn Giáp là Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây đã có nhiệm kỳ công tác thứ 2.

Nhiệm kỳ đầu tiên là 2008-2013, anh được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn. Ấn tượng đọng lại là những ngày tháng hết sức thiếu thốn, vất vả nhưng anh có cơ hội thực hiện lý tưởng của người thanh niên phụng sự Tổ quốc. Nhiệm kỳ này, Cao Văn Giáp đã qua tuổi 40, công việc và gia đình trong đất liền ổn định, thu nhập thuộc hàng khá giả với hai cửa hàng bán thuốc tân dược do người vợ điều hành. Khi biết anh xung phong tiếp tục ra đảo công tác, nhiều người trong gia đình đã ngăn cản bởi hai con còn nhỏ, cha mẹ đã già yếu. Vả lại, anh là người đã có cống hiến, đóng góp với Trường Sa. Qua mấy đêm suy nghĩ, Cao Văn Giáp đã thuyết phục gia đình, rằng mình vẫn còn sức khỏe, kinh nghiệm và hoài bão được cống hiến, xây dựng Trường Sa nhiều hơn nữa. Người thân trong gia đình sau khi đã “thấu tình, đạt lý” cũng đành gạt nước mắt, ủng hộ Giáp. Ân hận lớn nhất của Cao Văn Giáp trong thời gian ở đảo Song Tử Tây là anh đã không thể gặp mặt người cha yêu quý trước khi ông qua đời.

Thầy giáo Lê Thanh Chiến ở Trường tiểu học Song Tử Tây, sinh năm 1985, chưa lập gia đình. Anh xung phong ra công tác tại quần đảo Trường Sa nhiệm kỳ 2024-2028 và khi trở về sẽ là 43 tuổi. Điều lo lắng nhất của cha mẹ Lê Thanh Chiến chính là việc lập gia đình, lấy vợ, sinh con của anh. Song, Lê Thanh Chiến lại nghĩ đến những câu văn đã được đọc: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận…”. Nghe lời tâm sự này chúng tôi ai cũng bùi ngùi, bởi thanh niên thời nay không còn nhiều người thích đọc “Thép đã tôi thế đấy”. Buổi tối ở đảo xa, nơi có vị trí rất thiêng liêng trong trái tim của Tổ quốc, nước mắt chúng tôi đã rơi. Mấy đêm ở tại đảo Song Tử Tây, chúng tôi rất muốn được chia sẻ thật nhiều với những người ở lại giữ đảo, xây dựng đảo để thấm thêm những lý tưởng, hy sinh và vất vả của họ. Đó hẳn là vì nghĩa lớn. Cũng có người biện minh rằng, việc cán bộ, công chức, thầy giáo xung phong ra công tác ở đảo một phần vì chính sách ưu đãi, thu hút về tiền lương, thu nhập. Thực tế, những người xung phong ra đảo đều độ tuổi sung sức, mới được tuyển dụng trở thành công chức, viên chức. Đồng lương ấy có nhân hai, nhân ba thì cũng chỉ được mươi, mười lăm triệu đồng. Trong trường hợp này, lấy giá trị vật chất để lý giải thì thật là kệch cỡm.

Những cán bộ xã và thầy giáo tôi quen biết trên hai xã đảo ở Trường Sa, ai nấy đều có vẻ trầm buồn. Một người dân kể rằng, họ đã thấy các anh khóc, ở cầu cảng, khi tạm biệt những người ra thăm đảo. Tôi đem chuyện này hỏi, các anh tâm sự rằng, đã có lúc không kiềm chế được cảm xúc chỉ muốn nhảy ngay xuống tàu về đất liền. Nhưng khi nhìn lại gương mặt ngây thơ của những đứa trẻ cần học chữ, hay chạm vào ánh mắt tin tưởng của người dân, nhiệt huyết trong các anh lại tràn đầy. Đợt rồi, tôi quay lại Trường Sa sau 20 năm. Sau câu chuyện với những người giữ đảo, tôi tự tìm ra một “quy luật” tạm gọi là hiệu ứng người quen. Đó là khi đã hết chuyện để kể, vì chỉ có từng đấy người, với câu chuyện dài từ tháng này qua năm khác, hoàn cảnh sẽ khiến con người nảy sinh tâm lý không muốn nói nhiều. Sống ở đảo, nếu không vượt qua được trạng thái tâm lý đó, hẳn là tâm hồn sẽ bị bào mòn như ghềnh đá ngày đêm bị sóng biển dội vào. Tâm hồn cứ chai sạn dần, đến khi thấy “người lạ” là trở nên e ngại hay lo sợ. Đó cũng chính là áp lực đối với mỗi cán bộ, thầy giáo khi xung phong, tình nguyện ra đảo. Phải tìm thấy niềm vui, từng niềm vui nho nhỏ, mới mong giữ cảm xúc cho cuộc sống bình thường mỗi ngày trên đảo.

“Vun gốc” nơi vùng sâu, vùng xa ảnh 1

Cán bộ xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang thường xuyên xuống cơ sở nắm tình hình, vận động người dân.

Cán bộ là “làm dâu trăm họ”

Câu chuyện ở Trường Sa được tôi kể với cán bộ, nhân viên ở UBND xã biên giới Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang trong chuyến công tác gần đây. Đó là một đêm rất vui. Sau bữa cơm tối mấy anh, chị em trong Đảng ủy, UBND xã quây quần bên hiên nhà công vụ uống nước trà xanh, nói chuyện. Nghe đến đoạn các anh cán bộ ở đảo đã khóc, ở cầu cảng, khi tạm biệt những người ra thăm đảo, có người đã rơm rớm nước mắt. Thật ra cũng nhiều người chung cảnh ngộ, nhưng ở trên đất liền, nhớ nhà quá vẫn có thể về thăm. Chị Hoàng Thị Hiếu là nhân viên tư pháp xã, nhà ở xã Mậu Duệ cách Bạch Đích 50 cây số, được đồng nghiệp gọi vui là “nóc nhà số 1”. Lý do là chị mỗi ngày đều đặn về nhà chăm chồng, chăm con, đoạn đường đi về dài tròn 100 cây số. Thật sự là nể phục! Hỏi chuyện chị sắp xếp công việc thế nào, chị kể: Sáng dậy từ 4 giờ chuẩn bị cơm nước cho chồng con rồi 5 giờ đi làm, do đường quen nên chạy chỉ hai tiếng là tới xã, đúng giờ làm việc. Buổi chiều hết giờ làm việc, lại đi xe máy nhanh chóng trong hai tiếng để về nhà, vẫn kịp giờ cơm tối.

Theo thói quen tư duy thông thường, tôi hỏi Hiếu một câu mà sau này mới biết mình vô tâm: “Tại sao không ở lại để thứ 6 về, thứ 2 đi sớm như mọi người?”. Mắt Hiếu đỏ hoe, chị kể: “Em mới sinh em bé. Hai vợ chồng không biết phải điều chuyển xa như thế, chứ không đã “kế hoạch”. Lúc mới sang đây em bị căng sữa nên bắt buộc phải về, đến khi con cai sữa thì mẹ đã thành nếp rồi, không về nhớ lắm”.

Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đích Phạm Xuân Phương ngậm ngùi: “Xã Bạch Đích giáp biên giới, trước đây đời sống người dân nghèo, lạc hậu, thiếu cán bộ nên phải tăng cường từ các địa phương khác và cả từ lực lượng bộ đội biên phòng. Trường hợp nhà ở xa như đồng chí Hiếu cũng có 4 người, nhưng duy nhất Hiếu là nữ. Việc này nói đúng ra cũng không trách cấp trên được bởi anh em lúc đầu cũng có ý tốt đưa đồng chí vào xã biên giới để có thêm phụ cấp. Biết hoàn cảnh như vậy nên mọi người đều thông cảm, giúp đỡ đồng chí Hiếu. Điều đáng khâm phục là đồng chí Hiếu vừa tự khắc phục khó khăn gia đình vừa luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng nghiệp và nhân dân quý trọng. Qua đó cũng giúp đồng chí Hiếu gắn bó với công việc”.

Đúng là phải có sự gắn bó với công việc nhiều cán bộ cơ sở ở vùng biên như chị Hiếu mới không bỏ nghề. Có hàng trăm lý do nhưng chủ yếu vẫn là đồng lương thấp. Xã Bạch Đích dù là sát biên giới thuộc vùng sâu, vùng xa, nhưng sinh hoạt phí đắt đỏ, với đồng lương dù thêm phụ cấp, nhiều cán bộ, viên chức vẫn chưa thể yên tâm công tác. Chi tiêu trong sinh hoạt phải dè sẻn, chưa ai dám nghĩ đến chuyện mua đất, cất nhà để “hợp lý hóa gia đình”. Thêm vào đó công việc ở một xã vùng sâu, vùng xa giáp biên giới có nhiều khó khăn và phức tạp.

Mấy năm gần đây, huyện Yên Minh có chủ trương số hóa thủ tục hành chính, nhưng thực tế người ở địa phương chưa tiếp cận được với những tiện ích. Đơn cử như chuyện đóng tiền lệ phí qua tài khoản kho bạc, phần lớn người dân đều không thể thực hiện. Vậy là phải nhờ cán bộ, thu người này 2 nghìn đồng, người kia 5 nghìn đồng rồi chuyển khoản giúp. Người dân càng tin tưởng, cần hỗ trợ, cán bộ càng bận rộn, việc chồng thêm việc. Có hàng trăm thứ việc kể ra nghe lặt vặt như vậy, nên cần lắm tấm lòng yêu nghề và vì nhân dân phục vụ, hơn là kỹ năng hay trình độ.

Ví công chức ở xã biên giới, hải đảo như là “nghề làm dâu trăm họ” thật chẳng quá chút nào!

Chỉ nói chuyện ngôn ngữ giao tiếp với nhân dân, tại địa phương đã có 12 nhóm dân tộc. Không phải người dân nào cũng nói được tiếng phổ thông nên cán bộ giao tiếp với nhân dân luôn có rào cản là ngôn ngữ. Đường đi ở nhiều xóm, cụm không thuận tiện, nhiều khi cán bộ đến thăm dân đã khó, mà phải tìm người phiên dịch cũng mất nhiều thời gian và khó hơn nhiều.

(Còn nữa)