Cần nguồn lực để sắp xếp dân cư vùng nguy cơ thiên tai ở Mường Tè

Huyện Mường Tè (Lai Châu) có hàng nghìn hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai như: sạt lở, lũ ống, lũ quét… Việc sắp xếp, ổn định dân cư vùng nguy cơ thiên tai giúp người dân có cuộc sống ổn định lâu dài thường xuyên được địa phương quan tâm. Tuy nhiên với nguồn lực có hạn, trong khi số hộ dân sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở lớn, Mường Tè đang rất cần được bố trí đủ nguồn lực để sắp xếp di chuyển dân ra khỏi vùng nguy cơ.
Bản Chà Dì xã Bum Tở nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đang chờ hoàn thiện mặt bằng nơi ở mới để di chuyển.
Bản Chà Dì xã Bum Tở nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đang chờ hoàn thiện mặt bằng nơi ở mới để di chuyển.

Bản Khoang Thèn thuộc xã biên giới Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) có 104 hộ với 360 nhân khẩu, 100% là dân tộc La Hủ - một trong những dân tộc đặc biệt khó khăn của Lai Châu.

Đồng bào La Hủ ở đây sinh sống dọc theo sườn đồi, có độ dốc cao, trên bản đã xuất hiện các vết nứt, tạo thành cung trượt kéo dài, một số hộ có vết nứt tạo thành khe quanh nền nhà. Mỗi khi trời mưa người dân trong bản lại nơm nớp lo sợ, thậm chí một số hộ dân phải chuyển đến ở nhờ nhà người thân ở khu vực khác.

Anh Phùng Khừ Chừ, bản Khoang Thèn cho biết, “Nhà tôi chung quanh nứt hết rồi, thềm nhà giờ cũng bị nước khoét sâu vào sạt từng miếng bê-tông như hàm ếch. Các con đi học ở tại trường, nhà chỉ có hai vợ chồng, mỗi khi trời mưa là không ngủ được. Những lúc như thế vợ chồng lại dắt nhau sang trung tâm xã ở nhờ nhà của anh em bên đó. Giờ chỉ mong muốn nhà nước hỗ trợ để di chuyển đến nơi khác cho an toàn...”.

Cần nguồn lực để sắp xếp dân cư vùng nguy cơ thiên tai ở Mường Tè ảnh 2

Nhà của người dân bản Khoàng Thèn xã Pa Vệ Sủ sạt nứt sau mưa.

Theo ông Giàng Ha Cà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pa Vệ Sủ, bản Khoàng Thèn đã được các ngành chức năng kiểm tra, khảo sát và đánh giá là nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Cơ quan chuyên môn cũng đã khảo sát vị trí sẽ chuyển đến cách bản đang ở khoảng 2km, những chưa biết cụ thể sẽ thực hiện khi nào.

"Một vấn đề khác mà chính quyền địa phương quan tâm là vấn đề làm lại nhà của bà con sau khi có mặt bằng. Phần lớn các hộ dân của bản Khoang Thèn đều nghèo, nhà chủ yếu làm bằng gỗ nhiều năm, đã xuống cấp, nếu di chuyển sẽ không thể tận dụng lại được vật liệu. Trong khi kinh phí hỗ trợ người dân di chuyển và sữa chữa lại nhà không thể đáp ứng nhu cầu thực tế; còn nếu để người dân vay nguồn vốn chính sách ưu đãi để thực hiện thì người dân cũng không có khả năng để chi trả về sau", ông Giàng Ha Cà băn khoăn.

Cần nguồn lực để sắp xếp dân cư vùng nguy cơ thiên tai ở Mường Tè ảnh 3

Một nhà dân khác ở bản Khoàng Thèn bị nứt nền do sụt lún sau mưa.

May mắn hơn bản Khoàng Thèn, bản Chà Dì, xã Bum Tở, huyện Mường Tè vừa qua đã được phê duyệt, triển khai thực hiện Dự án sắp xếp ổn định dân cư trên diện tích mặt bằng hơn 4 héc-ta; với đầy đủ các công trình điện, nước sinh hoạt, đường bê-tông… Tổng mức đầu tư của Dự án là 19,5 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Dự án sẽ bố trí cho 78 hộ dân đang sinh sống rải rác ở triền đồi khe núi có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét chuyển đến nơi ở mới an toàn. Hiện tại, các đơn vị thi công đang tập trung máy móc để san gạt mặt bằng và xây dựng các hạng mục phụ trợ. Dự kiến trong tháng 11 tới, mặt bằng dự án sẽ hoàn thành, bà con có thể chuyển đến nơi ở mới.

Cần nguồn lực để sắp xếp dân cư vùng nguy cơ thiên tai ở Mường Tè ảnh 4

Nhà của một hộ dân bản Khoàng Thèn nằm chênh vênh với nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Ban quản lý công trình dự án phát triển kinh tế-xã hội huyện Mường Tè khẳng định, việc triển khai các dự án sắp xếp dân cư được tính toán trên cơ sở gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, từ đó, khai thác tốt nhất tiềm năng về tài nguyên, sức lao động, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, ổn định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập vật chất và tinh thần cho bà con.

Tuy nhiên, nhu cầu vốn đầu tư lớn, trong khi đó nguồn vốn phân bổ kéo dài, dàn trải qua nhiều năm. Kinh phí hỗ trợ di chuyển, làm nhà ở thấp, công tác hỗ trợ đôi lúc chưa kịp thời; hỗ trợ sản xuất cho các điểm bố trí dân cư phải sử dụng các nguồn lồng ghép do vậy thiếu chủ động, hiệu quả thấp; địa bàn của huyện rộng, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, nên việc triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn.

Cần nguồn lực để sắp xếp dân cư vùng nguy cơ thiên tai ở Mường Tè ảnh 5

Do đặc điểm của địa hình mặt bằng hạn chế nên nhiều hộ dân phải làm nhà ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Cũng theo ông Tâm, trong giai đoạn 2021-2025, toàn huyện có 9 dự án bố trí dân cư; trong đó có 6 dự án bố trí dân cư vùng thiên tai, quy mô bố trí cho 469 hộ, vốn phê duyệt 34.945 triệu đồng. Còn lại là dự án bố trí dân cư vùng biên giới và bố trí ổn định dân di cư tự do. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện đã hoàn thành được 7 dự án bố trí dân cư các dự án còn lại dự kiến cũng sẽ hoàn thành trong năm nay và năm sau.

Trong giai đoạn 2026-2030 nguồn đầu tư công trung hạn của huyện Mường Tè đề xuất có 2 dự án sắp xếp bố trí dân cư ra khỏi vùng thiên tai từ các chương trình mục tiêu Quốc gia, các chương trình đề án khác, dự kiến kinh phí khoảng 287 tỷ đồng. Với nguồn vốn và Dự án tính toán sẽ bố trí được thêm cho 571 hộ di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.

Cần nguồn lực để sắp xếp dân cư vùng nguy cơ thiên tai ở Mường Tè ảnh 6

Mặt bằng nơi ở mới của bản Chà Dì xã Bum Tở đang được hoàn thiện.

Tuy nhiên, con số trên so với nhu cầu thực tế của các hộ dân có nhu cầu di chuyển là rất lớn. Trong khi việc bổ sung nguồn vốn ít, kéo dài theo từng năm sẽ gây rất nhiều khó khăn trong đầu tư thực hiện các dự án.

Để bảo đảm việc sắp xếp ổn định dân cư vùng nguy cơ sạt lở, góp phần ổn định cuộc sống cho nhân dân; huyện Mường Tè rất cần được xem xét phân bổ đủ và kịp thời nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình thiết yếu, bảo đảm hỗ trợ di chuyển và sau di chuyển cũng như sinh kế cho bà con tại nơi ở mới…nhằm bảo đảm cho nhân dân khi di chuyển từ nơi ở cũ đến nơi ở mới được thuận lợi, nhanh chóng ổn định đời sống và yên tâm sản xuất.