Nỗ lực phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

NDO- Bình Phước là nơi hội tụ và sinh sống của 41 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Xtiêng, M’nông, Khmer... là những cư dân có lịch sử cư trú lâu đời. Trong quá trình phát triển, cư dân sinh sống trên vùng đất Bình Phước đã kiến tạo nên những di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, đặc sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Già làng hai thôn: Sơn Tùng và Sơn Hòa (xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng) thực hiện nghi thức kết bạn cộng đồng của người M’nông.
Già làng hai thôn: Sơn Tùng và Sơn Hòa (xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng) thực hiện nghi thức kết bạn cộng đồng của người M’nông.

Do tác động của nhiều yếu tố khác nhau nên một số lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đang dần mai một và đứng trước nguy cơ lãng quên. Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các lễ hội truyền thống của đồng bào sống lâu đời trên địa bàn, tỉnh Bình Phước đang nỗ lực phục dựng và lan truyền các lễ hội truyền thống, có giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nỗ lực phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1

Các nghệ nhân người Mnông gìn giữ và bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Ông Nguyễn Khắc Vĩnh, Phó giám đốc Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước cho biết, ngoài các di tích lịch sử, Bình Phước có các lễ hội truyền thống như, lễ hội Cầu bông, lễ Cầu mưa; lễ hội Mừng lúa mới… của người Xtiêng, M’nông. Bên cạnh đó, các nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian cũng khá đặc sắc, như: chế biến rượu cần, đan lát, dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bình Phước còn gặp một số n khó khăn, trong đó nguồn kinh phí đầu tư cho văn hóa còn rất thấp.

Nhằm làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, ngành văn hóa Bình Phước đang tăng cường tuyên truyền cho nhân dân hiểu được giá trị to lớn của các di sản văn hóa phi vật thể để mọi người cùng tham gia trao truyền, bảo tồn, lưu giữ và phát huy được giá trị của di sản.

Nỗ lực phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2

Nghề đan lát của người Mnông.

Thời gian quan, Bình Phước tích cực phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, như: Lễ hội Kết bạn của người Xtiêng và người M’nông, Lễ hội Mừng lúa mới của người Xtiêng, Lễ hội Phá bàu của người Khmer… qua đó tạo được hiệu ứng tích cực trong việc chung tay giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong cộng đồng dân cư.

Mới đây, tại thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng đã diễn ra Lễ hội Kết bạn cộng đồng của người M’nông giữa thôn Sơn Hòa và thôn Sơn Tùng. Đây là một trong những hoạt động nhằm phục dựng các lễ hội truyền thống, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của người M’nông trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 45 di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh; 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận đó là đờn ca tài tử Nam Bộ, 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 25 di sản phi vật thể cấp tỉnh. Các bảo tàng trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ, quản lý 15.360 hiện vật, đặc biệt có bảo vật quốc gia là bộ đàn đá Lộc Hòa (xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh).

Để chuẩn bị cho phần lễ, già làng cùng trai tráng chuẩn bị các lễ vật cúng thần linh rất chu đáo. Tại khu vực bàn lễ, các lễ vật truyền thống như heo, gà, cơm lam, rượu cần được bày xung quanh cây nêu.

Phía chủ nhà và khách cử ra 2 người đại diện là già làng cùng tiến hành các nghi lễ cúng tế thần linh cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đây cũng là dịp để cầu mong cho cộng đồng thôn, sóc mạnh khỏe; hóa giải mọi mâu thuẫn, đoàn kết cùng nhau chống lại thiên tai, địch họa đe dọa sự tồn vong của cộng đồng.

Già làng Điểu Men, thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng cho biết: “Trước đây lễ hội kết bạn được tổ chức luân phiên mỗi năm một lần vào dịp dân làng thu hoạch xong mùa màng. Đây là dịp để người dân quay quần bên nhau để chia vui thành quả sau một năm lao động. Chúng tôi mong muốn nhà nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ dân làng tổ chức thường xuyên lễ hội để bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào M’nông. Đồng thời có chính sách phát huy các giá trị văn hóa lễ hội trở thành điểm đến du lịch. Qua đó tạo điều kiện cho đồng bào nơi đây phát huy được giá trị văn hóa và phát triển du lịch cộng đồng”.

Bà An Đê ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng là một trong những nghệ nhân dệt thổ cẩm của người M’nông. Dịp này, bà đem nhiều sản phẩm thổ cẩm truyền thống đến không gian lễ hội để giới thiệu với du khách thập phương. Bà An Đê cùng các nghệ nhân tại xã Thọ Sơn cùng trình diễn dệt thổ cẩm và đan lát.

“Chúng tôi là thế hệ đi trước và rất tâm huyết gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc M’nông. Đây là dịp để chúng tôi giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống, nhất là các sản phẩm thổ cẩm và nghề đan lát đến bà con xa gần. Chúng tôi mong muốn lễ hội được duy trì và phát triển trong thời gian tới và nhà nước có chính sách đưa lễ hộ đến với mọi người thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng”, bà An Đê cho phấn khởi nói.

Nỗ lực phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 3

Đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Thọ Sơn thi dã gạo trong Lễ hội Kết bạn cộng đồng tại xã Thọ Sơn.

Lễ hội kết bạn cộng đồng người M’nông được tổ chức vào thời gian nông nhàn để thuận lợi cho cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống trên cùng một địa bàn thể hiện mối quan hệ gắn bó, tình đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như trong lao động, sản xuất.

Theo Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Bù Đăng Vũ Đức Hoàng, việc tổ chức phục dựng Lễ hội Kết bạn cộng đồng tại thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn là hoạt động hết sức ý nghĩa, qua đó tạo điều kiện cho bà con giao lưu gần gũi, đoàn kết nhau hơn. Qua phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bù Đăng, chúng tôi cũng hướng đến tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng để du khách thập phương trải nghiệm”.

Việc phục dựng các lễ hội truyền thống vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số vừa hướng tới phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, các cấp, các ngành cần hỗ trợ tăng cường tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch các vùng dân tộc thiểu số, nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Song song với đó, cần hỗ trợ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, vận động bà con giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc để du lịch trở thành nguồn sinh kế bền vững.