Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã vùng cao Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, Phú Yên là một trong những đơn vị triển khai khá tốt chương trình dạy tiếng Việt cho học sinh bậc tiêu học. Thầy giáo Dương Lê Toàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số được xem là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp như: Xây dựng cảnh quan môi trường thân thiện; tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp; xây dựng các câu lạc bộ để các em tham gia; xây dựng thư viện thân thiện để giúp tăng cường tiếng Việt cho các em; phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên trong việc truyền đạt tiếng Việt đến học sinh.
Theo đó, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Hội tổ chức dạy tiếng Việt cho các em từ lớp 1 đến lớp 5. Cụ thể đối với các em từ lớp 1đến lớp 4 nhà trường tổ chức dạy tăng cường Tiếng Việt 2 tiết /tuần trong các buổi học Tiết rèn Tiếng Việt và thực hiện dạy học phân hóa theo đối tượng học sinh. Đối với học sinh lớp 5, nhà trường tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt 2 tiết/tuần kết hợp trong các buổi dạy học phụ đạo và cũng thực hiện dạy học phân hóa theo đối tượng học sinh.
Các em học sinh Trường Tiểu học- Trung học cơ sở Ea Bia huyện Sông Hinh đọc sách tại thư viện trường. |
Cô giáo Rơ O Hờ Tim giáo viên lớp 2D chia sẻ: “ Ngoài thực hiện theo chương trình hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (theo sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy), các thầy cô nhà trường trong quá trình giảng dạy rất chú trọng rèn cho các em 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết… Đồng thời căn cứ mục tiêu, chuẩn kiến thức, kĩ năng, những nội dung kiến thức học sinh chưa đạt đúng theo từng đối tượng để tăng cường Tiếng Việt cho các em.
Tại Trường Tiểu học Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, Chương trình dạy tiếng Việt được lồng ghép vào các tiết học khác. Như trong giờ tin học, ngoài chương trình dạy tin, giáo viên luôn lồng ghép tiếng Việt làm sao để các em học sinh dễ tiếp thu chương trình và nâng cao hiểu quả nhất đối với các em học sinh dân tộc thiểu số.
Cô giáo đang dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 2D điểm trường Tân Lương, thuộc Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Sơn Hội huyện Sơn Hòa, Phú Yên. |
Thầy Trần Nhật Thiện, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân nói: “Có vài em hạn chế về năng lực, kỹ năng tiếng Việt. Nhà trường tổ chức dạy 2 buổi trên ngày, giáo viên chủ nhiệm, bộ môn quan tâm nhiều, thường xuyên kèm cặp các em giúp các em tiến bộ hơn.”
Còn tại trường Tiểu học, Trung học cơ sở Ea Bia, huyện Sông Hinh, chương trình dạy tiếng Việt năm nay không những được thực hiện ở khối lớp 1, mà còn được tiếp tục được duy trì ở các khối lớp 2,3,4 và 5 thông qua nhiều mô hình như: tăng cường làm đồ dùng dạy học và sử dụng đồ dùng tự làm, các đồ dùng có sẵn tại địa phương, đồ dùng được cấp phát hợp lý, tạo hứng thú cho học sinh; bố trí sách có nội dung tiếng việt phong phú, cuốn hút các em học sinh dân tộc thiểu số tham gia luyện đọc.
Học sinh dân tộc thiểu số vùng cao Sơn Hội, huyện Sơn Hòa được tăng cường dạy tiếng Việt. |
Thầy Lê Tấn Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học – Trung học cơ sở Ea Bia, huyện Sông Hinh cho biết: “Học sinh lớp 2,3,4,5 nhà trường luôn chú trọng. Đây là năm đầu tiên nhà trường giao cho giáo viên vận động phụ huynh vận động các em ra lớp, các em đọc thông viết thạo, các em đi học tiếng Việt tốt cả các em và phụ huynh đều rất phấn khởi”.
Ngoài ra tại nhiều trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp và xem đây là điều kiện thuận lợi để các em có được những khoảng thời gian hoạt động vui chơi tập thể giúp các em mạnh dạn, tự tin và có cơ hội để bồi dưỡng tiếng Việt một cách hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Trao đổi với chúng tôi, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên Nguyễn Thị Ngọc Ái cho biết: “Chúng tôi tập trung quan tâm từ khối lớp 1 đến lớp 5 từ môi trường dạy học, trong lớp đến ngoài lớp để các em tiếp thu kiến thức tốt hơn. Thời gian qua chương trình này mang lại kết quả đáng mừng, các em nói tiếng Việt tốt hơn, tỷ lệ hoàn thành bộ môn tiếng Việt cao hơn”.
Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, bảo đảm kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học sinh lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các dân tộc thiểu số, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển xã hội của xã, huyện, tỉnh và đất nước.