Nỗ lực cụ thể hóa chủ trương của Đảng vào thực tiễn đời sống

Hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, bảo đảm phát triển bền vững, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh luôn nỗ lực chuyển tải, trang bị kiến thức, kỹ năng để người dân vận dụng vào thực tiễn đời sống hàng ngày. Nhờ đó, các chủ trương, chính sách của trung ương và tỉnh đã được người dân lĩnh hội, thực thi hiệu quả và mang đến nhiều lợi ích thiết thực.
Huyện Kỳ Anh lựa chọn phương thức vận động quần chúng thông qua thực tiễn đời sống của người dân nhằm tạo tính lan tỏa sâu rộng.
Huyện Kỳ Anh lựa chọn phương thức vận động quần chúng thông qua thực tiễn đời sống của người dân nhằm tạo tính lan tỏa sâu rộng.

Đồng chí Hồ Huy Thành, Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trăn trở: Là một trong những huyện thuần nông, đời sống của người dân ở địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và đánh bắt thủy sản. Tuy vậy, dọc 24km bờ biển trên địa phận của địa phương, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt do tình trạng đánh bắt trái phép, không báo cáo, không theo quy định. Vì vậy, hiệu quả của nghề khai thác thủy sản không đáp ứng được kỳ vọng.

Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh, sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Chỉ thị 32, địa phương đã tổ chức quán triệt, tìm tòi cách thức chuyển tải vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất.

Việc tìm kiếm phương pháp, cách thức tiếp cận để triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng, nhà nước được là một trong những nội dung mấu chốt của nhiệm vụ đặt ra.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Hồ Huy Thành

Theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo huyện Kỳ Anh, khi bắt tay vào thực hiện chủ trương, địa phương gặp không ít khó khăn.

Thí dụ như, về không gian triển khai, đây là khu vực biển ven bờ và vùng đất ven biển đang có rất nhiều loại hình, đối tượng hoạt động và chịu điều chỉnh rất nhiều quy định của luật pháp, nhiều cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ trên một khu vực. Do đó, việc tìm kiếm phương pháp, cách thức tiếp cận để triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng, nhà nước được là một trong những nội dung mấu chốt của nhiệm vụ đặt ra.

Với trăn trở đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Anh đã vận dụng phương pháp quản lý tổng hợp vùng bờ để triển khai xây dựng kế hoạch hành động. “Chúng tôi xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua công tác “Dân vận khéo”, kết hợp với dân vận chính quyền để truyền tải nội dung, cách thức triển khai chủ trương Trung ương và tỉnh về công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị xây dựng kế hoạch hành động của mình trình Ban Thường vụ Huyện ủy định hướng, thống nhất nội dung, giải pháp, từ đó thống nhất cách thức triển khai một cách tổng thể một cách đồng bộ, quyết liệt”, đồng chí Hồ Huy Thành cho biết thêm.

Nỗ lực cụ thể hóa chủ trương của Đảng vào thực tiễn đời sống ảnh 1

Sơ đồ chỉ dẫn phạm vi vùng quản lý, khai thác đánh bắt hải sản ở huyện Kỳ Anh tại được trang bị tại các bờ biển các xã trên địa bàn.

Nội dung của mô hình “Dân vận khéo” là phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt quy định phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; phòng, chống tai nạn và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển được thành lập ở Kỳ Anh được kỳ vọng tạo ra “đường ray” để cấp ủy, chính quyền địa phương cụ thể hóa chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước vào đời sống của nhân dân.

Đồng chí Dương Xuân Sáu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kỳ Xuân (Kỳ Anh) cho biết, trước đây, mặc dù xã luôn chú trọng việc tuyên truyền, vận động người dân không đánh bắt hải sản bằng kích điện, tuy nhiên hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Thế nhưng, kể từ khi huyện thành lập được mô hình dân vận khéo, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với sự phối hợp của nhiều lực lượng nên đã tạo được sự chuyển biến rất mạnh mẽ trong nhận thức, hành động từ cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đến bà con ngư dân.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động người dân chống khai thác thủy sản bất hợp pháp với nhiều phương pháp, hình thức “Dân vận” khác nhau, người dân đã được trang bị kiến thức, quy định của pháp luật hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển, tuân thủ việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, không dùng chất nổ, xung kích điện, không đánh bắt bằng các phương tiện có tính chất hủy diệt, chú trọng bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản; thực hiện sơn, kẻ vẽ tàu thuyền, biển số tàu thuyền, treo cờ Tổ quốc khi ra khơi, giữ gìn vệ sinh môi trường biển và bờ biển...

Ông Cao Xuân Điền, ở thôn Nguyễn Huệ, xã Kỳ Xuân (Kỳ Anh) cho biết, những tác hại do đánh bắt thủy sản trái phép gây ra luôn hiển hiện trước mắt, tuy nhiên tùy theo nhận thức, lợi ích của mỗi gia đình, mức độ phản ứng, lên án hành động này cũng khác nhau và mang tính riêng lẻ.

Nay được cấp ủy chính, quyền địa phương truyền tải thông điệp rõ ràng, xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, đồng bộ, nhất là tổ chức phân vai, phân việc cụ thể cho từng thuyền viên, lực lượng... nên người dân rất hứng khởi tham gia.

Qua hơn hai tháng tham gia mô hình “Dân vận khéo” chống khai thác trái phép thủy sản trên địa bàn, nhận biết về tác hại của việc đánh bắt trái phép của hầu hết người dân đã được nâng lên rõ rệt, nhiều ngư dân đã tự nguyện đến trụ sở công an xã giao nộp dụng cụ đánh bắt trái phép.

Môi trường, môi sinh cũng như nguồn lợi thủy sản cũng có dấu hiệu được tái tạo, góp phần cũng cố niềm tin và quyết tâm cho nhân dân trong quá trình chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Nỗ lực cụ thể hóa chủ trương của Đảng vào thực tiễn đời sống ảnh 2

Người dân xã Kỳ Xuân (Kỳ Anh) tự nguyện giao nộp dụng cụ đánh bắt trái phép cho cơ quan chức năng.

Trung tá Nguyễn Đức Thiện, Chính trị viên Đồn Biên phòng Kỳ Khang cho biết, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và bà con địa phương trong quá trình chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, đơn vị đã tăng cường lực lượng, phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, từng bước tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân hoạt động trên địa bàn huyện và ngư dân vào vùng biển khai thác thủy sản vi phạm các quy định trong khai thác thủy sản, bảo đảm hoạt động khai thác thủy sản tuân thủ đúng theo pháp luật Việt Nam và các quy định của luật pháp quốc tế.

Cùng với đó, đơn vị thường xuyên đồng hành, hỗ trợ nâng cao năng lực chủ động ứng phó thiên tai, tai nạn và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển cho các lực lượng chức năng và ngư dân

Được biết, không chỉ tại xã Kỳ Xuân, mô hình “Dân vận khéo” chống khai thác thủy sản bất hợp pháp cũng được ngư dân các xã vùng biển Kỳ Phú, Kỳ Khang... triển khai quyết liệt và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

“Sau gần 4 tháng ra mắt và đi vào hoạt động, mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Qua nắm bắt thông tin từ bà con ngư dân, thời gian gần đây, ngư trường tại các xã vùng biển đã xuất hiện trở lại nhiều loài hải sản như: tôm, ghẹ, cá, mực di cư sát gần bờ; sản lượng khai thác trong quý 3 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian tới, huyện Kỳ Anh sẽ thiết lập cơ chế chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các địa phương có liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU. Kiên quyết ngăn chặn các tàu cá xuất bến không đủ thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định; phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp điều tra, xác minh tàu cá ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình; xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm”, đồng chí Hồ Huy Thành, Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh cho biết thêm.