Thiết thực chăm lo cuộc sống người dân

Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh luôn chú trọng xây dựng khối đoàn kết toàn dân, đồng thuận, thống nhất cao trong toàn xã hội.
Các thành viên dòng họ Đào Đình ở Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) kể lại chuyện nhường đất, di dời nhà thờ họ và mộ tổ.
Các thành viên dòng họ Đào Đình ở Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) kể lại chuyện nhường đất, di dời nhà thờ họ và mộ tổ.

Nhờ thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác dân vận trong phát triển kinh tế-xã hội, giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư phục vụ các công trình, dự án trọng điểm..., các vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn đã được phát hiện và giải quyết kịp thời, hiệu quả.

Những mô hình hiệu quả

Sau gần 20 năm "khoác" lên mình "chiếc áo" đô thị, hơn 60% số dân ở 6/8 tổ dân phố của phường Đại Nài (thành phố Hà Tĩnh) vẫn đang gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Đại Nài Lê Văn Bình, bên cạnh sự thay đổi đáng mừng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng ven đô, trên địa bàn vẫn còn một số hộ dân ngại thay đổi, tiếp cận phương thức sản xuất mới, nên giá trị sản xuất nông nghiệp mang lại ở một số vùng chưa cao, nhất là tại một số vùng sản xuất, tình trạng diện tích đất bỏ hoang hoặc sản xuất một vụ lúa còn nhiều. Nhận thấy được những hạn chế đó, lãnh đạo địa phương đã chuyển tải chủ trương của thành phố về việc tập trung tích tụ ruộng đất xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển đô thị sinh thái đến người dân một cách rõ người, rõ việc.

Bí thư Đảng ủy phường Đại Nài Trần Trọng Dũng cho biết thêm: Cùng với việc công khai chủ trương tích tụ ruộng đất, các chính sách hỗ trợ sản xuất của thành phố, phường Đại Nài đã làm việc với Chi ủy, Ban công tác các tổ dân phố để tìm kiếm các nhân tố tích cực, có tư duy và nỗ lực vươn lên để khuyến khích người dân xây dựng các mô hình, tổ hợp tác đóng vai trò dẫn dắt cho sản xuất nông nghiệp đô thị địa phương.

Được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng và đồng hành, ông Nguyễn Văn Hiển ở Tổ dân phố 2 đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất, khai hoang, phục hóa vùng đất sâu trũng có quy mô 5,7 ha ở vùng Đồng Tùng để xây dựng mô hình sản xuất lúa kết hợp với nuôi rươi, nuôi rạm và tôm.

Ông Nguyễn Văn Hiển chia sẻ: "Lúc lãnh đạo địa phương đến tìm hiểu, vận động tôi thử nghiệm phương thức sản xuất mới, chúng tôi cũng rất chần chừ, song khi tìm hiểu chủ trương khuyến khích phát triển sản xuất của thành phố, được đồng chí Bí thư Thành ủy đích thân đến động viên, hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất, rồi được cấp ủy chính quyền địa phương, các phòng, ban chức năng của thành phố hỗ trợ máy móc, nhân công, khoa học kỹ thuật... để xây dựng mô hình sản xuất mới, bản thân tôi đã tự tin và vận động các thành viên trong gia đình đồng tâm bắt tay vào việc".

Theo tính toán của ông Hiển, sau hai năm đi vào sản xuất, mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi rươi, rạm, tôm của ông cho giá trị cao gấp hai lần so với các hộ trồng lúa độc canh. Ngoài việc mở ra hướng sản xuất mới, các sản phẩm nuôi trồng của gia đình bán được giá cao, được thị trường ưa chuộng bởi không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ hóa học. Từ thành công của mô hình sản xuất hữu cơ ở vùng Đồng Tùng, rất nhiều hộ gia đình ở phường Đại Nài đã mạnh dạn đầu tư máy móc, tích tụ ruộng đất, xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị hiệu quả, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng vùng sinh thái dọc hai bên bờ sông Phủ.

Không riêng gì phường Đại Nài, với việc vận động, hướng dẫn và hỗ trợ người dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đô thị bằng việc du nhập các phương thức sản xuất mới gắn nông nghiệp với thương mại và dịch vụ sinh thái, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao như: nuôi trai lấy ngọc, nuôi ong lấy mật, nuôi hàu sữa, rươi, cá rô đầu vuông, trồng sen, sản xuất rau, củ quả… ở Thạch Hạ, Thạch Hưng, Đồng Môn, Thạch Linh (thành phố Hà Tĩnh) bước đầu đã khẳng định được thương hiệu và tạo ra hình hài mới cho nền sản xuất nông nghiệp đô thị.

Theo chia sẻ của đồng chí Dương Tất Thắng, Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh, để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, trước hết, cấp ủy chính quyền địa phương phải trăn trở với thực tiễn và đời sống của người dân. Quá trình thực hiện công tác vận động quần chúng không nên cứng nhắc bằng các văn bản mà phải nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin. Khi cán bộ đặt mình vào vị trí của người dân sẽ biết bà con đang cần gì, thiếu gì và đang thao thức với việc gì thì mọi vướng mắc, khó khăn nhất định sẽ dần được tháo gỡ.

"Chẳng hạn, để tạo sự an tâm cho người dân tiếp cận, ứng dụng mô hình sản xuất mới, quá trình vận động, khuyến khích người dân bao giờ thành phố cũng cam kết chia sẻ, thậm chí sẵn sàng gánh vác phần nhiều nếu có rủi ro. Hay như khi tiến hành công tác chỉnh trang đô thị, ngoài việc phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trong quá trình hiến đất, mở đường, cải tạo đầm lầy, ruộng nước hoang vu, thành phố đã chứng minh cho người dân sống ở khu vực đó thấy, chính người dân là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi nhờ sự khác biệt từ diện mạo, cảnh quan, môi trường mà các tuyến đường, khu phố sau chỉnh trang mang lại", đồng chí Dương Tất Thắng cho biết thêm.

"Khó vạn lần dân liệu cũng xong"

Theo giới thiệu của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Xuyên Hà Thị Việt Ánh, chúng tôi có mặt tại ngôi nhà mới của ông Đào Đình Hoan ở thôn Thượng Sơn, xã Cẩm Sơn, một trong những điển hình giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc bắc-nam tại đây. Qua câu chuyện với các đồng chí lãnh đạo địa phương chúng tôi được biết, ngoài việc tiên phong thực hiện tái định cư tại chỗ theo chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Nhà nước, bản thân ông Hoan là người nhận nhiệm vụ trách nhiệm thuyết phục các gia đình trong dòng họ tự nguyện di dời nhà thờ và mộ tổ để nhường đất thực hiện dự án.

Trả lời câu hỏi, trước tâm lý ngại đụng chạm đến công trình tâm linh, cụ thể nhất là mộ tổ và nhà thờ họ của một số người dân, vì sao dòng họ Đào Đình ở thôn Thượng Sơn có sự đồng thuận, thống nhất cao để thực hiện công tác di dời, ông Đào Đình Hoan cho biết: Bản thân tôi vừa là đảng viên, vừa là tộc trưởng của dòng họ, vì vậy tôi nhận thức được rằng những suy nghĩ, hành động của mình sẽ tác động sâu sắc đến được anh em, bà con, dòng họ. Do đó, khi biết được gia đình chúng tôi nằm trong diện phải di dời, thực hiện tái định cư, tôi đã tiên phong thực hiện kiểm đếm, tháo dỡ nhà cửa, công trình phụ để nhường mặt bằng sạch cho dự án. Trong các cuộc họp họ, tôi cùng các đảng viên trong dòng họ đã phân tích kỹ lưỡng mục tiêu đầu tư của dự án, cũng như chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà Nhà nước đang áp dụng để các thành viên trong dòng họ hiểu rõ và nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.

Theo chia sẻ của anh Đào Đình Lợi, một thành viên của dòng họ Đào Đình ở Cẩm Sơn, ban đầu cũng có một số ý kiến trái chiều nhưng khi chúng tôi khơi dậy lòng tự tôn của dòng họ bằng cách nhắc lại những đóng góp, hy sinh của các thế hệ con em trong dòng họ đối với đất nước thì ai cũng đồng tình.

"Qua nhiều lần gặp gỡ, đối thoại với cán bộ các cấp, các hộ dân trong dòng họ đã biết rõ mức giá do hội đồng bồi thường áp cho các hạng mục đã kịch khung và thực hiện đầy đủ chính sách đền bù theo quy định của Nhà nước, cả xóm, cả làng ai cũng đồng thuận, mình đứng ngoài cuộc sao được", ông Hoan cho biết thêm.

Đồng chí Hà Thị Việt Ánh chia sẻ: Thời gian qua, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên triển khai nhiều dự án trọng điểm, liên quan đến đời sống, sản xuất của hàng nghìn hộ dân. Nhiều vụ việc khó, chưa có tiền lệ liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng ở Cẩm Mỹ, Thiên Cầm, Cẩm Sơn, Cẩm Lạc... đã được cấp ủy chính quyền các cấp hóa giải nhờ phát huy hiệu quả quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện công khai, minh bạch các chính sách của Nhà nước, trong đó luôn đề cao lợi ích của nhân dân và sự phát triển của địa phương.

Trao đổi ý kiến với phóng viên, đồng chí Trương Thanh Huyền, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: Xuyên suốt quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển, ở bất cứ hoàn cảnh, lĩnh vực nào cũng cần đến sự đồng thuận, thống nhất của người dân. Vì vậy, các cấp ủy đảng ở Hà Tĩnh luôn quán triệt, thực hiện hiệu quả cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội làm nòng cốt, nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị liên quan trực tiếp đến quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân.

Khẳng định công tác dân vận khó đong đếm, định lượng được một cách cụ thể, theo đồng chí Trương Thanh Huyền, thông qua hàm lượng, "chất" dân vận, nhất là sự lan tỏa của phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong thực tiễn tại Hà Tĩnh thời gian qua cho thấy, nguồn sức mạnh nội sinh, tiềm năng, khát vọng, ý chí của con người Hà Tĩnh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp khơi dậy và phát huy mạnh mẽ.

"Do đó, thời gian tới, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, kết luận của Trung ương về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới", tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ cách làm...", đồng chí Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết thêm.