Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, tìm giải pháp khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp

NDO - Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, nỗ lực khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp không khai báo, để giữ gìn hình ảnh đất nước, vì lợi ích của nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) được tổ chức chiều 1/12, tại Trụ sở Chính phủ.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị này nhằm bàn việc tồn tại suốt 5 năm nay. Năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã họp trực tuyến về việc này, nhưng cho đến nay vẫn chưa giải quyết xong tình trạng này. Vậy thì vấn đề là do đâu? Do chúng ta làm chưa hết trách nhiệm? Trách nhiệm thuộc về ai? Công cụ quản lý nhà nước ở đâu? Tại sao vẫn diễn ra tình trạng này?

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải làm việc này vì lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân, giữ hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế. Thủ tướng đặt vấn đề nếu trách nhiệm của Chính phủ thì Chính phủ chịu trách nhiệm, của các bộ, ngành thì các bộ, ngành chịu trách nhiệm; của các địa phương thì các địa phương chịu trách nhiệm. Chúng ta phải kiểm điểm vì sao? Tại ai? Nhà nước phải quản lý tốt, nhân dân thì làm chủ, vậy thì Nhà nước quản lý đã tốt chưa, nhân dân đã vào cuộc tích cực chưa?

Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, tìm giải pháp khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp ảnh 1
Quang cảnh hội nghị.

Do vậy, chúng ta phải cố gắng tìm ra nguyên nhân, xử lý nguyên nhân đến nơi đến chốn, thấu đáo, thực sự hiệu quả; nêu rõ, tại sao các nước chung quanh lại làm được. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là đối tác tin cậy, bạn bè tốt, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế thì phải có trách nhiệm trong việc này. Nếu không làm được việc này thì đất nước sẽ gánh chịu thiệt hại, giá trị quốc gia cũng bị thiệt hại.

Thủ tướng tha thiết đề nghị các đại biểu dành thời gian, công sức, làm đến nơi đến chốn, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân hưởng thụ thành quả thật”; nêu rõ quan điểm ai làm tốt phải được khen thưởng, ai chưa làm tốt thì phải bị xử lý. Chúng ta cùng nhau tìm ra giải pháp để đồng lòng thực hiện; đã nói phải làm, phải thực hiện, phải có hiệu quả.

Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, tìm giải pháp khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp ảnh 2
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

* Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá: đã ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu tàu cá lên Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) để quản lý đội tàu. Công tác quản lý đội tàu từng bước đi vào nề nếp, giảm dần số lượng tàu cá để giảm cường lực khai thác và nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái.

Hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan. Tính đến nay, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đạt 95,27% (tăng 5,01% so năm 2021); đánh dấu tàu cá được 88.545/91.716 tàu (đạt 96,5%).

Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, tìm giải pháp khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp ảnh 3
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố và phân bổ hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã công bố hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản ở vùng ven bờ và vùng lộng. Tổng số tàu cá đã giảm 5,1% (từ 96.609 chiếc năm 2019 đến nay còn 91.716 chiếc), trong đó tàu cá từ 15 mét trở lên giảm 4,0% (từ 31.297 chiếc năm 2019 đến nay giảm còn 30.074 chiếc).

Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng cá đã từng bước thực hiện tốt theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT như: kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; ghi, nộp Báo cáo, Nhật ký khai thác thủy sản; giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác bốc dỡ qua cảng; Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá và Ban quản lý cảng cá đã được thành lập và hoạt động hiệu quả.

Về chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản: công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước được kiểm soát theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác hải sản bảo đảm thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng, công tác xác nhận tại 53 cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.

Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài đã được tăng cường, bảo đảm theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được quy định của Hiệp định PSMA; triển khai phần mềm thực hiện Hiệp định PSMA và chuẩn bị các điều kiện để kết nối với cổng thông tin một cửa Quốc gia; thanh kiểm tra tàu nước ngoài chở hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác chưa được lên bến trước đó.

Về thực thi pháp luật và xử lý vi phạm: các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Kiểm ngư, Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển) đã phối hợp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng khai thác bất hợp pháp, như: thường xuyên duy trì trên 30 tàu, sử dụng máy bay không người lái, máy bay DHC-6 kết hợp với tàu mặt nước trên thực địa để tuần tra, kiểm soát; lập danh sách, khoanh vùng địa bàn nơi có tàu cá có nguy cơ cao vi phạm để theo dõi, giám sát. Đến nay đã cơ bản ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

Các địa phương đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài như Phú Yên, Tiền Giang. Các tỉnh vẫn còn để tình trạng tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài như: Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau, Bến Tre, Quảng Ngãi, Bạc Liêu; đặc biệt là Kiên Giang…

Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, tìm giải pháp khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp ảnh 4

Hội nghị trực tuyến đến 28 tỉnh, thành phố.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành, địa phương phải có giải pháp cụ thể cho kế hoạch 180 ngày tới đây nhằm thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để xem xét gỡ “Thẻ vàng”; đồng thời có giải pháp lâu dài; nêu rõ, EC đánh giá chúng ta có tiến bộ trong việc này nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra; 6 tháng nữa, đến thời điểm EC kiểm tra lại mà không đáp ứng yêu cầu thì có thể bị áp dụng biện pháp nặng hơn.

Thủ tướng tán thành các ý kiến đánh giá, trong việc này, chúng ta chưa có giải pháp lâu dài để tìm sinh kế cho người dân, bảo đảm lợi ích, cuộc sống tối thiểu.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải nhận thức, nỗ lực thực hiện việc này không phải để đối phó với EC mà là bảo đảm lợi ích cho người dân, đất nước; nâng cao hình ảnh của đất nước, thực hiện các cam kết quốc tế; chúng ta là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, do đó phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường biển, cùng với các nước khác bảo vệ hệ sinh thái biển; bảo vệ lợi ích chính đáng của đất nước. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thực hiện việc này, chính quyền vào cuộc, người dân cũng phải vào cuộc. Khi vận động người dân, chúng ta phải làm công tác dân vận, phải có đoàn thể, chính quyền, các tổ chức như tôn giáo cũng tham gia; phải làm sâu, rộng, có phương pháp, huy động sức mạnh tổng lực, khơi dậy tính tự hào, tự trọng, tinh thần đoàn kết của dân tộc.

Chúng ta cần xem tỉnh nào, huyện nào, xã nào làm chưa tốt việc này thì phải kiểm điểm nguyên nhân vì sao, đánh giá, tìm ra giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo. Về nhóm giải pháp về kỹ thuật, các địa phương phải rà soát, thực hiện quyết liệt. Về nhóm giải pháp công ăn việc làm, phải rà soát, phân loại để xem người dân ở địa phương làm nghề gì thì phù hợp; cần đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, hướng vào chương trình xây dựng nông thôn mới, sản phẩm OCOP; xã phải nắm chắc tình hình, vận động người dân chuyển đổi nghề phù hợp.

Về nhóm cơ cấu lại nợ vay, phải đề xuất các cấp thẩm quyền để xử lý, chia sẻ với nhân dân. Về nhóm xử lý biện pháp hành chính, còn rất nhiều như tịch thu, không cấp giấy phép; nhưng ưu tiên vừa phải giáo dục, tạo sinh kế, cố gắng hạn chế sử dụng biện pháp hình sự. Các cấp tỉnh, huyện, xã cố gắng vận dụng hết mọi biện pháp để giải quyết, tất nhiên, nếu cố tình vi phạm pháp luật thì phải xử lý.

Thủ tướng chỉ đạo, phải bảo đảm lợi ích, tạo sinh kế, lợi ích tối thiểu cho người dân; phải cùng nhau bàn bạc, lo cuộc sống của người dân như cuộc sống của mình. Nếu chỉ đơn thuần thực hiện biện pháp hành chính thì không giải quyết được; phải lăn lộn với cơ sở, tỉnh phải xuống huyện, huyện xuống xã, xã xuống với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành nếu phát hiện các vướng mắc của Nghị định thì đề nghị Chính phủ sửa; rà soát lại các thông tư xem còn vướng mắc thì sửa; các địa phương rà soát lại các quy định, nếu vướng cũng phải sửa; bảo đảm người dân tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật .

Các tỉnh, huyện thị, xã phường phải phối hợp chặt chẽ để xử lý. Bộ Ngoại giao phải đấu tranh các tổ chức quốc tế, các nước phải chia sẻ với Việt Nam, có những giải pháp cùng với Việt Nam giải quyết thoả đáng, hợp lý đối với 1 nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam. Doanh nghiệp cần hợp tác với người dân để mở rộng thị trường, tạo sinh kế; quan tâm, xử lý các vấn đề về khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu nợ một cách cụ thể. Đối với ngư dân, chúng ta vừa phải giáo dục ý thức, tạo cơ hội cho thực hiện các nghĩa vụ, tạo việc làm, sinh kế lâu dài.

Về giải pháp lâu dài, Thủ tướng yêu cầu quy hoạch, đánh giá lại các vùng biển để nuôi trồng hải sản; phổ biến cho người dân về vấn đề chủ quyền lãnh thổ; tạo sinh kế cho người dân, chuyển đổi nghề phù hợp, tinh thần chung là không bó tay trước khó khăn, càng khó khăn, phức tạp thì càng phải đoàn kết thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Thủ tướng nhấn mạnh các cấp, các ngành phải làm với tất cả trách nhiệm, tránh hình thức, quan liêu, “không đánh trống bỏ dùi”. Thủ tướng yêu cầu hằng tháng phải kiểm điểm xem việc này đã làm được đến đâu; chúng ta phải tự kiểm tra trước, tự đánh giá, tự lo cho mình trước, không để bị áp “thẻ đỏ” thì thiệt hại rất lớn.