Ninh Bình: Nỗ lực ứng cứu kịp thời nhiều diện tích lúa bị ngập trắng sau mưa lớn kéo dài

Lượng mưa lớn, kéo dài trong những ngày qua đã khiến nhiều diện tích lúa vừa được gieo cấy trên toàn tỉnh Ninh Bình bị ngập sâu trong nước. Tính đến hết ngày 17/7 toàn tỉnh đã gieo cấy được 23.344,1ha lúa vụ Mùa, đạt 75,2% diện tích kế hoạch. Trong đó diện tích bị ngập úng khoảng 10.293ha.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều diện tích lúa bị ngập sâu đã được giải cứu kịp thời. (Ảnh: Văn Lúa)
Nhiều diện tích lúa bị ngập sâu đã được giải cứu kịp thời. (Ảnh: Văn Lúa)

Tại Yên Khánh, huyện có diện tích lúa lớn và là vựa lúa của Ninh Bình hiện đã gieo cấy được 7.577,5ha. Mưa lớn kéo dài đã khiến 6.415ha ngập úng, trong đó ngập trắng khoảng 5.124ha bằng 79%. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Yên Khánh Trần Ngọc Diệp cho biết, huyện đang tập trung huy động các nguồn lực chống úng cho diện tích lúa và cây trồng màu, chỉ đạo các trạm bơm hoạt động 100% công suất 24/24h. Phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Ninh Bình và Công ty Điện lực Ninh Bình sẵn sàng triển khai các phương án chống úng bảo vệ lúa mùa, cây trồng màu. Chủ động các biện pháp khắc phục hậu quả, kịp thời khôi phục sản xuất, chỉ đạo các xã, thị trấn xác định các diện tích lúa bị mất trắng, sử dụng các giống lúa ngắn ngày (LT2, Bắc thơm số 7, Đài thơm 8,…) để gieo mạ nền cấy bổ sung cho diện tích đã mất.

Ninh Bình: Nỗ lực ứng cứu kịp thời nhiều diện tích lúa bị ngập trắng sau mưa lớn kéo dài ảnh 1

Trạm bơm Phát Diệm, huyện Kim Sơn hoạt động hết công suất, bảo đảm ứng cứu diện tích lúa bị ngập kịp thời. (Ảnh: Văn Lúa)

Đặc biệt, tại huyện vùng trũng Kim Sơn, nhiều trạm bơm dã chiến được vận hành kịp thời, bên cạnh đó diện tích người dân cấy tay và cấy máy chiếm tỷ lệ lớn so với gieo thẳng, do đó lúa cứng cây, thân cao nên khả năng chịu đựng ngập úng tốt hơn nhiều so với gieo xạ. Hiện tại, Kim Sơn đã gieo cấy được 2.081ha lúa, trong đó diện tích lúa cấy là 1.788ha, diện tích lúa gieo xạ là 293ha.

Theo dự báo tình hình mưa sẽ còn diễn biến phức tạp, nước từ thượng nguồn đổ về, do đó mực nước ở các sông Hoàng Long, sông Đáy đang dâng cao do đó, tỉnh đã chỉ đạo công ty thủy lợi, phối hợp với các địa phương huy động máy móc, thiết bị khơi thông dòng chảy; tổ chức vận hành các công trình thủy lợi tiêu nước, chống lụt, úng cho diện tích cây trồng đang bị ngập úng. Hiện ngành nông nghiệp đang tích cực rà soát diện tích lúa Mùa, nhất là diện tích lúa gieo sạ, lúa mới cấy để đánh giá khả năng chịu úng, khả năng phục hồi và triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục sau mưa lớn, tiếp tục chỉ đạo thực hiện sản xuất vụ mùa trong khung thời vụ cho phép.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình Đinh Văn Khiêm cho biết, quan trọng nhất để chống ngập úng, cứu lúa là biện pháp thủy lợi kịp thời, đồng thời chuẩn bị phương án giống lúa bổ sung đối với diện tích bị hư hại sau khi nước rút. Đồng thời, kịp thời khoanh vùng úng trũng cục bộ, huy động các máy bơm dã chiến, khẩn trương tiêu úng cho lúa, đặc biệt là diện tích lúa gieo xạ.

Ninh Bình: Nỗ lực ứng cứu kịp thời nhiều diện tích lúa bị ngập trắng sau mưa lớn kéo dài ảnh 3

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình kiểm tra sức khỏe lúa bị ngập nước. (Ảnh: Văn Lúa)

Bên cạnh đó, tỉnh đã có những giải pháp khắc phục, khôi phục sản xuất rất cụ thể như: tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với diện tích lúa và cây màu không bị ảnh hưởng do mưa lớn; đối với diện tích khắc phục được sau mưa lớn: diệt ốc bươu vàng, dặm tỉa bổ sung, chăm sóc phục hồi. Đối với những diện tích ngập úng không có khả năng phục hồi, hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các giống ngắn ngày để gieo cấy lại, bảo đảm kết thúc gieo cấy trong tháng 7; với diện tích chưa cấy, đặc biệt khu vực huyện Kim Sơn, khi rút nước, tập trung làm đất, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, phấn đấu gieo cấy xong trong tháng 7.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo ngành nông nghiệp cũng như các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, xây dựng các phương án xử lý kịp thời: Trường hợp thời tiết tiếp tục mưa, Đối với những diện tích không khắc phục được, có các biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kết hợp nuôi trồng thủy sản.