Những cánh đồng “không dấu chân” trên quê hương Yên Khánh

Tỉnh Ninh Bình có 5 tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp, trong đó huyện Yên Khánh nằm ở tiểu vùng đồng bằng, có địa hình tương đối bằng phẳng, mạng lưới sông ngòi thuận lợi, đồng đất chủ yếu là phù sa màu mỡ. Cùng với kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện sản xuất nông nghiệp từ huyện đến các xã, thị trấn, các hợp tác xã nông nghiệp, nhất là trong sản xuất lúa, cho nên trong nhiều năm, Yên Khánh luôn là địa phương đi đầu trong sản xuất lúa của tỉnh Ninh Bình.
0:00 / 0:00
0:00
Xã viên Hợp tác xã Nam Cường, xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh thu hoạch lúa.
Xã viên Hợp tác xã Nam Cường, xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh thu hoạch lúa.

Đi thăm các xứ đồng trên địa bàn xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khánh Cường (huyện Yên Khánh) Nguyễn Văn Phương cho biết, xã có hơn 430 ha diện tích đất trồng lúa. Năm 2018, Khánh Cường là địa phương điển hình của huyện trong việc dồn điền đổi thửa, đây cũng là điều kiện thuận lợi để xã đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Việc xã đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, từ khâu làm đất, xuống giống, bón phân, tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa.

Dừng chân tại xứ đồng Đập, dưới cái nắng oi ả của những ngày hè, bà Phạm Thị Mùi, xóm 4, thôn Nam Cường, xã Khánh Cường vừa xếp những bao tải lúa lên xe vừa phấn khởi chia sẻ, người dân giờ đây sản xuất lúa rất nhàn vì có máy móc hỗ trợ. Từ khi cấy, chúng tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm sâu bệnh hại và hướng dẫn phòng trừ kịp thời, tạo điều kiện cho lúa phát triển tốt, đem lại năng suất cao. Lúa sau khi thu hoạch, các hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua tận nơi, năm nay được giá, trung bình từ 10-12 nghìn đồng/kg, có thời điểm bán được 14 nghìn đồng/kg.

Vụ đông xuân năm 2023-2024, huyện Yên Khánh gieo trồng 7.295 ha lúa, với các giống lúa: Nếp hương, đài thơm 8, NT2, bắc thơm, ST25,... So với các năm trước, đây là vụ sản xuất lúa được mùa, năng suất đạt khoảng 68 tạ/ha. Với sự đồng hành, liên kết giữa nhà nông, Nhà nước và doanh nghiệp, trên nhiều cánh đồng của huyện đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thay thế sức lao động của con người, tạo nên những cánh đồng lúa “không dấu chân” năng suất cao, hiệu quả lớn.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Nam Cường (xã Khánh Cường) Nguyễn Văn Giang cho biết, năm nay hợp tác xã có khoảng 220 ha lúa đông xuân, chủ yếu gieo cấy giống lúa: NT2, bắc thơm số 7, 838, nếp 97,... Tuy khó khăn ban đầu do thời tiết khắc nghiệt, rét tháng 2 kéo dài cho nên cây lúa phát triển chậm, nhưng đến đầu tháng 3 trở đi thời tiết thuận lợi; trước khi vào các vụ mùa, hợp tác xã tổ chức họp để tuyên truyền vận động xã viên thay đổi bộ giống lúa thường xuyên, phù hợp với điều kiện thời tiết để kháng bệnh tốt, đem lại năng suất cao. Đối với giống lúa thuần đạt hơn 200 kg/sào, giống lúa lai đạt 250 kg đến 280 kg/sào, đem lại giá trị cao hơn một phần tư so với năm 2023.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Khánh Lâm Văn Xuyên cho biết, là vùng đồng bằng với hệ thống sông ngòi phân bố tương đối đồng đều, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp các giống lúa mới, nông dân có kỹ thuật canh tác cao cho nên thời gian qua, các công ty giống có uy tín tập trung về huyện phối hợp thực hiện mô hình trồng khảo nghiệm các giống lúa mới một cách bài bản, cho hiệu quả cao. Thực tế cho thấy, nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng tốt, bổ sung vào cơ cấu giống và đưa vào canh tác trong những năm qua. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ... từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo, nhằm xây dựng thương hiệu lúa, gạo sạch Yên Khánh.

Xác định khâu giống là vật tư đầu vào quan trọng, quyết định lớn đến năng suất, chất lượng, do đó việc quản lý giống lúa trong những năm qua được các cấp, ngành ở tỉnh quan tâm, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành với ba cấp quản lý gồm cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cấp huyện còn thử nghiệm các giống mới theo quy định, để đánh giá khả năng thích ứng, hiệu quả kinh tế, từng bước hướng dẫn người dân áp dụng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Khiêm cho biết, trước mỗi vụ sản xuất, sở, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cùng các cấp, ngành đều tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả sản xuất của vụ trước, xây dựng kế hoạch, thời vụ cũng như cơ cấu giống cây trồng trong vụ tiếp theo làm cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch và khuyến cáo cho người nông dân canh tác phù hợp từng điều kiện cụ thể của mình, bảo đảm đạt hiệu quả cao. Đồng thời, sở yêu cầu các địa phương khuyến cáo người dân sử dụng các giống cây trồng đã được công bố lưu hành theo quy định.

Để nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Yên Khánh nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung tiếp tục tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản theo hướng hữu cơ và coi đây là giải pháp giúp nông dân khôi phục và duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, giải quyết bài toán thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.

Điểm sáng trong sản xuất lúa ở Yên Khánh đã góp phần quan trọng duy trì, nâng cao tăng trưởng ngành nông nghiệp theo tính bền vững, dần thay đổi tư duy làm nông nghiệp trong đội ngũ cán bộ, người dân, người tiêu dùng, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị, bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe con người; đáp ứng với yêu cầu phát triển du lịch của tỉnh theo hướng xây dựng tỉnh Ninh Bình là đô thị di sản thiên niên kỷ.