Tại thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, nước lũ tràn về chia cắt 651 hộ dân của xã. Đến chiều 9/9, mực nước lũ vẫn rất cao, các con đường trong thôn Kênh Gà bị ngập sâu, có chỗ ngập tới hơn 1,5m, làm cho hoạt động kinh doanh buôn bán và cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, học sinh phải tạm nghỉ học.
Ông Nguyễn Huy Nghĩa, Phó Chủ tịch xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn cho biết, thôn Kênh Gà của xã Gia Thịnh là vùng sống chung với lũ, vì khu vực ngoài đê thường xuất hiện 2-3 lần lũ lớn/năm. Trước mùa mưa bão năm nay, xã Gia Thịnh tích cực tuyên truyền cho bà con chuẩn bị lương thực, thực phẩm; kết hợp thành lập đội xung kích, chuẩn bị tốt tàu thuyền sẵn sàng sơ tán tài sản và nhân dân ra khỏi vùng lũ nguy hiểm. Đối với 300ha lúa của huyện Gia Viễn bị ngập được đơn vị chức năng huyện Gia Viễn huy động vận hành 74 máy bơm tại 17 trạm tiêu úng.
Tại xã Gia Thủy, huyện Nho Quan (Ninh Bình) có hơn 200 hộ dân ở thôn Ngọc Nhị, thôn Liên Phương của xã bị ngập lụt phải đi lại bằng thuyền.
Ông Hà Viết Đức, ở thôn Ngọc Nhị, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan cho biết, đồ dùng, hàng hóa, phương tiện của nhiều người dân phải mang lên xã gửi. Một số hộ nước tràn vào nhà gây đổ tường. Điện mất nên sinh hoạt rất bất tiện.
Theo thống kê, huyện Nho Quan có 107ha lúa, hoa màu, 68ha lúa bị ngập; 535 hộ bị ảnh hưởng do mức nước dâng ở mức dưới 1m, tập trung ở các xã Xích Thổ, Gia Sơn, Gia Tường, Gia Thủy, Gia Lâm, Đức Long... Để ứng phó với mưa lũ, huyện Nho Quan đã vận hành 5 trạm bơm tiêu úng; tổ chức tuần tra, trực gác 24/24 giờ tại những khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất.
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình khẳng định, không chỉ có huyện Gia Viễn, Nho Quan bị thiệt hại, mà mưa lớn làm hơn 5.000ha lúa ở tỉnh Ninh Bình bị ngập. Công ty đã huy động 232 máy bơm thuộc 56 trạm bơm hoạt động hết công suất để tiêu úng cho các diện tích lúa vụ mùa năm 2022 bị ngập úng.
Dự báo đến 10/9, các sông thuộc khu vực tỉnh Ninh Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ lớn. Đỉnh lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, huyện Nho Quan (Ninh Bình) có khả năng ở mức báo động III; mực nước sông Đáy tại Ninh Bình ở mức báo động I.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống thiên tai; triển khai quyết liệt phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu, các công trình thi công dở; chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng xử lý các tình huống xấu ngay khi mưa bão gây ra.