Những “túi khôn” giữa rừng già

Trong xã hội cổ truyền Tây Nguyên, làng là đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất, không có đơn vị xã hội cao hơn làng. Con người Tây Nguyên gắn kết với cộng đồng làng đến mức như là một bộ phận nhỏ chìm trong cộng đồng làng, hòa tan trong làng, không thể tách rời làng. Sức sống bền vững của làng ở Tây Nguyên quả thật rất lạ kỳ, trải qua tất cả các biến động lịch sử vẫn không thay đổi.
0:00 / 0:00
0:00

Trong các cuộc chiến tranh, có đôi lúc làng bị đánh dữ dội, bị xé nát, bị di chuyển đi xa, nhưng rồi cộng đồng làng lại được khôi phục, hồi sinh. Họ đã trở về như thế, về trong sự cố kết cộng đồng bền vững.

Làng Tây Nguyên được điều hành bằng hội đồng già làng. Già làng là những người hiền minh nhất của làng, những người am hiểu rừng núi, đất đai, phong tục tập quán, giàu kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm sống, giỏi giang trong đối ngoại, là người có đức độ cao được dân làng bầu lên. Hội đồng già làng quản lý làng theo một hệ thống luật pháp đặc biệt: luật tục. Đó là những điều luật được cả cộng đồng công nhận, tự nguyện tuân theo.

Nhưng ở Tây Nguyên, người được cho là hiền minh không chỉ là những vị già làng. Hơn ba mươi năm làm báo ở Tây Nguyên, bước chân tôi đã từng rảo qua biết bao buôn làng. Đi đến đâu, dù ở buôn gần hay ở làng xa, dù ở tộc Cơ Ho, Châu Mạ, S’tiêng, Chu Ru hay Ê Đê, Ba Na, Rắk Lây… tôi cũng được gặp họ, những nhà thông thái giữa sắc xanh rừng già.

Cùng với các già làng, họ như những “túi khôn” của buôn làng. Họ giỏi giang mọi việc, và đặc biệt, có những cách hành xử làm người đối diện ngạc nhiên đến sửng sốt. Mỗi người trong họ với sự thông tuệ, với cách hành xử mang đậm tố chất văn hóa rừng đã cho tôi giàu có thêm trong hành trang núi rừng của mình. Người thì giải nghĩa giúp một nét hoa văn. Người phân tích một câu chuyện cổ tích. Người đọc cho nghe vài câu luật tục. Người hát vài điệu dân ca. Người dạy cách cầm cây ná, cầm cây xà gạt khi vạch lối vào rừng.

Những nhà thông thái, những bậc hiền minh ấy ít dạy bằng lời nói, họ truyền kinh nghiệm và tri thức sống cho người khác bằng chính những hành vi ứng xử rất linh hoạt của mình…

Còn khi đến với những buôn làng có những nghề truyền thống độc đáo thì lại gặp những tố chất hiền minh trong tâm hồn của các nghệ nhân. Đó là những người thợ gốm, thợ đúc nhẫn bạc Chu Ru, là những người thợ rèn Châu Mạ, những người thợ dệt thổ cẩm Ê Đê, Cơ Ho, những người dệt chiếu Mơ Nông, Chil, Lạch, là những nghệ nhân chỉnh chiêng trên khắp miền Tây Nguyên. Tình yêu của họ, trí khôn của họ, nhân cách của họ được truyền từ bộ óc, trái tim đến đôi bàn tay. Những thao tác của họ, khi bạn nhìn vào, sẽ thấy hơi ấm từ ngọn lửa ngàn đời đang truyền cháy. Tôi từng được nhiều lần ngắm nhìn họ, cảm nhận về họ bằng ánh mắt của sự kính trọng, niềm sẻ chia và cảm phục…