Những người gùi chữ lên núi

Suốt nhiều năm tháng rong ruổi tới những buôn làng xa xôi giữa rừng sâu, núi thẳm trên mảnh đất Tây Nguyên, một trong những ấn tượng đối với chúng tôi là những ngôi trường nhỏ bé bên vách núi hoang vu hay giữa thung lũng heo hút.
0:00 / 0:00
0:00

Giữa nơi thâm sơn, cùng cốc vẫn rộn rã tiếng trẻ học bài và sáng lên hình ảnh những người thầy, người cô ngày đêm miệt mài thực hiện chức nghiệp. Họ, những nhà giáo dưới xuôi tình nguyện lên núi cao dạy học. Cái khó, cái khổ chẳng ngăn được nhiệt huyết của họ. Họ như những “con thuyền chở đạo”, thắp lửa ước mơ cho thế hệ tương lai vùng sâu, vùng xa. Mọi người thường thân quý gọi họ là những người gùi chữ lên núi.

Bằng tất cả tấm lòng và sự hy sinh thầm lặng, lớn lao, những người thầy, người cô ấy như những ngọn nến lung linh, thắp sáng khát vọng thiêng liêng của đồng bào các dân tộc thiểu số giữa đại ngàn hùng vĩ. Họ chỉ có một mong muốn duy nhất là đem cái chữ về “cứu đói văn hóa” cho những đứa trẻ vùng sâu, vùng xa, những mong mai này chúng biết thế nào là văn minh, chúng biết viết tên cha, tên mẹ. Thầy cô dạy chúng học cái chữ, phép tính, những tri thức khoa học để rồi chúng biết cách trồng cây cà-phê, cây chè có năng suất cao; cho cây lúa, cây ngô hạt mẩy; biết nuôi con gà, con lợn mau lớn; biết kỹ năng tổ chức cuộc sống...

Ký ức về những ngôi trường giữa núi rừng heo hút trong những ngày chưa xa mà tôi từng chứng kiến là khu tập thể giáo viên với những mái lán vách ván, nền đất, ngủ trên mấy tấm ván xếp lại, bếp nấu đặt đầu giường. Nước sinh hoạt thầy cô dùng đục ngầu vì mưa núi. Bữa ăn của giáo viên vùng sâu ngày ấy thật là đạm bạc với gạo hẩm, rau tàu bay và những con cá khô. Có những nơi một thời không điện, không báo chí, không ti-vi hay radio. Đêm về, rừng núi lạnh lẽo, muông thú đi hoang. Đời sống đã khổ, nhưng khổ hơn lại là chống chọi với sự cô đơn và nỗi nhớ người thân. Động lực giúp những thầy giáo, cô giáo vùng sâu vượt qua khó khăn chính là trách nhiệm và tình yêu nghề nghiệp, là tấm lòng đối với những đứa trẻ người dân tộc thiểu số. Ở những nơi đó, có những cha mẹ học sinh nghèo trên đường từ rẫy về ghé qua thăm thầy cô và chia sẻ vài quả bắp, trái bí; có những đứa học trò xứ núi đến ngày lễ nhà giáo rủ nhau lên rừng hái mấy chùm hoa dại về ngượng nghịu kính tặng thầy cô...

Ngày nay, vùng sâu Tây Nguyên đã có nhiều khởi sắc. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc cũng khấm khá, dễ chịu hơn nhiều. Với những thầy cô giáo, đời sống của họ không còn khó khăn như trước, nhưng tình yêu nghề nghiệp và tình yêu đối với học trò vẫn đậm đà, sâu sắc như một thời vượt núi cao, suối sâu, vượt qua bao gian khó gùi chữ lên núi, mang ánh sáng tri thức vào từng buôn làng... ■