Tạo lực đẩy cho cả vùng
Gần 20 năm trước, khi còn công tác tại Viện Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Trần Du Lịch (Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia), đã từng đề xuất một thể chế nhằm phát huy vai trò dẫn dắt của Thành phố Hồ Chí Minh đối với sự phát triển kinh tế toàn vùng Đông Nam Bộ. Ông nhận định, Thành phố Hồ Chí Minh với vị trí địa lý, với lịch sử hình thành và phát triển có thể đóng vai trò thủ lĩnh để dẫn dắt, điều phối các nguồn lực và hỗ trợ các địa phương trong vùng phát triển.
Đơn cử như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế thu hút vốn FDI thì Thành phố Hồ Chí Minh là nơi các chuyên gia chọn để ăn, ở, sinh hoạt, giải trí… rồi đến những vùng lân cận đó làm việc. Ngược lại, nhờ sự phát triển của các địa phương lân cận đã giúp giảm áp lực tăng dân số cho Thành phố Hồ Chí Minh. Hay trong phát triển kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế phát triển các ngành nghề như trung tâm tài chính, dịch vụ cảng… thì các tỉnh lân cận cũng sẽ phát triển mạnh các khu công nghiệp.
Dù đã gần 20 năm trôi qua, nhưng kiến nghị trên đây vẫn giữ nguyên tính thời sự cho đến hôm nay. Bởi theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ còn nhiều dư địa phát triển nhưng chưa phát huy được hết lợi thế và tiềm năng sẵn có.
Thống kê cho thấy, năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam Bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra; đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước; tỷ lệ đô thị hóa đạt 67%; diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 79,5%, đứng thứ hai trong các vùng của cả nước.
Tuy vẫn luôn dẫn đầu GRDP so với các vùng khác trên cả nước nhưng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian gần đây, tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước. Tỷ lệ đóng góp của vùng vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp; việc quy hoạch và triển khai các quy hoạch còn chậm. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam nhận định, ngoài nguyên nhân thiếu quy hoạch hiện đại, đồng bộ còn do liên kết, phối hợp giữa các địa phương, cơ quan chưa chặt chẽ, hiệu quả. Cơ chế chỉ huy vùng đã có nhưng chưa rõ "nhạc trưởng" cho nên mạnh ai nấy làm, vừa lãng phí nguồn lực, vừa dẫm chân lẫn nhau.
Chung quan điểm, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Thể chế hiện hành chưa khuyến khích các địa phương trong vùng kinh tế Đông Nam Bộ chủ động, sáng tạo và tăng cường liên kết vùng. Quy hoạch vùng và từng địa phương đang tạo nên lực kéo, thay vì lực đẩy cho phát triển bởi quy hoạch trùng lắp chức năng, dẫn đến cạnh tranh, thiếu liên kết.
Còn theo đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương: Cơ chế chỉ huy vùng Đông Nam Bộ thời gian qua được cho là “câu lạc bộ rất vui vẻ”, nhưng không hiệu quả. Các tỉnh, thành phố trong vùng vẫn chủ yếu mạnh ai nấy làm và chỉ tập trung cho địa phương mình phát triển. Điều này dẫn đến tình trạng vùng không có tiếng nói chung trong quy hoạch, hỗ trợ nhau để cùng phát triển.
Phát triển xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có
Đồng chí Phan Văn Mãi đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cần hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và bộ máy giúp việc. Cụ thể, khu vực cần có ban chỉ đạo vùng ở địa phương gồm bí thư các tỉnh, thành phố trong vùng và do một Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách.
Đồng thời, cần xác định rõ những nội dung mà Chính phủ không quyết định theo kiến nghị từng tỉnh mà phải giải quyết theo sự thống nhất chung của vùng như: Dự án giao thông trọng điểm; mở rộng sân bay, cảng biển; điều chỉnh chức năng các khu kinh tế, khu công nghiệp; xử lý rác; hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch...
Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định, với bối cảnh hiện tại, khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 24/2022, tạo cơ chế, định hướng trong phát triển vùng Đông Nam Bộ thì Thành phố Hồ Chí Minh càng không thể phát triển tự thân mà phải đặt trong mối liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng, thể hiện rõ vai trò hạt nhân và cực tăng trưởng quan trọng của vùng.
Muốn trở thành nhạc trưởng, là hạt nhân, Thành phố Hồ Chí Minh cần phải trở thành trung tâm tài chính quốc tế; nơi đi đầu về công nghệ cao, đô thị sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp; Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục phát triển Khu công nghệ cao mới với định hướng trở thành nơi "sản xuất ra công nghệ cao" để ứng dụng cho toàn vùng và cả nước.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bảo, Khoa kinh tế, Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần có cơ chế để thành phố là nhạc trưởng cho cả vùng Đông Nam Bộ. Theo ông Bảo, có người đứng đầu vùng, không có nghĩa là tăng một cấp quản lý hay giảm vị thế của người đứng đầu các tỉnh, thành phố, mà làm tăng sức mạnh, tăng cạnh tranh của cả vùng và giảm cát cứ khi đối diện với bài toán tổng thể.
Đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, để phát triển là đầu tàu kinh tế, đóng vai trò dẫn dắt kinh tế vùng, trong thời gian tới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung phát triển những ngành, lĩnh vực dựa trên nền tảng đô thị thông minh, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, trở thành trung tâm logistics, mua sắm, nhất là phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế của vùng, cả nước và khu vực.
Thành phố đã đề xuất Chính phủ lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng; bộ máy giúp việc cần có ban chỉ đạo và hội đồng vùng, có tổ giúp việc, tổ tư vấn. Đồng thời, cần một cơ chế đồng bộ vượt trội để có thể phát huy được liên kết vùng.
Thành phố cũng đề xuất, kiến nghị ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của các vùng kinh tế trọng điểm; tập trung vốn cho công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống logistics trong các vùng kinh tế trọng điểm, có sự kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.
Với sự năng động, sáng tạo, sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang làm tốt vai trò dẫn dắt. Điều này được minh chứng bằng những hiệu quả bước đầu tại dự án vành đai 3 mà thành phố đang đóng vai trò “nhạc trưởng”.