Nguyễn Ái Quốc, người chiến sĩ tiên phong trên con đường đổi mới tư duy và hội nhập quốc tế

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp.
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp.

Quá trình đổi mới tư duy và hội nhập quốc tế bước đầu đã diễn ra từ thế kỷ 20 với những chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Ðặng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ. Ngày 23-2-1905, họ sang Nhật Bản gặp Lương Khải Siêu ở Hoành Tân và tiếp xúc với Thủ tướng Nhật Bản I.Suyosi (Khuyển Dưỡng Nghị), rồi qua giới thiệu của Khuyển Dưỡng Nghị, họ được gặp Tôn Trung Sơn.

Hồi đầu thế kỷ 20, Nhật Bản là một thế giới mới lạ, đầy quyến rũ đối với các sĩ phu yêu nước Việt Nam. Năm 1906, Phan Chu Trinh cũng sang Nhật Bản với hy vọng được chứng kiến tận mắt những đổi mới cơ bản của Nhật Bản trên con đường Âu hóa. Các sĩ phu yêu nước kéo nhau đi về phương Ðông theo chủ trương của Duy Tân hội (1904 - 1911), của phong trào Ðông Du (1905 - 1908) để học bài học duy tân của Nhật Bản.

Nhìn chung, phong trào Ðông Du, Ðông Kinh Nghĩa Thục (1907) và Việt Nam Quang Phục hội (1912 - 1913) đều đề cao Tân thư của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, đề cao Lư Thoa (Ruso), Mạnh Ðức Tư Cưu (Monteskio) và chủ trương cách mạng dân chủ tư sản theo đường lối của Tôn Dật Tiên hoặc cách mạng tư sản Pháp.

Thời kỳ ở Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành có tham gia dạy ở trường Dục Thanh (1907), một trung tâm giáo dục theo mô hình Ðông Kinh Nghĩa Thục, chắc chắn đã nhận thức được quá trình chuyển hóa của các sĩ phu yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Kế tục tinh thần yêu nước của các chí sĩ Cần Vương như Phan Ðình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, các chí sĩ của phong trào Ðông Du và Việt Nam Quang Phục hội như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... nhưng rút kinh nghiệm thất bại của các thế hệ cách mạng tiền bối, Nguyễn Ái Quốc, ngày 5-6-1911 đã lên đường sang phương Tây tìm con đường cứu nước.

Nguyễn Ái Quốc đặt chân lên cảng Le Amiral ngày 15-7-1911, làm việc trên tàu Ðô đốc Latouche Tréville (Amiral Latouche Tréville) đến gần hết năm 1912. Năm 1923, trong tiểu phẩm Viện Hàn lâm thuộc địa đăng trên tờ Le Paria (Người cùng khổ), Người tố cáo một danh sách thượng nghị sĩ Pháp đã tham gia khai thác và bóc lột các nước thuộc địa ở Ðông Dương và châu Phi...

Trên tinh thần hội nhập quốc tế, năm 1922, người thợ ảnh ở ngõ Công-poanh đã cùng với những người dân các nước thuộc địa cư trú ở Pháp như Ma-đa-gát-xca, Ða-hô-mây, Xê-nê-gan, An-giê-ri, Ghi-nê, Ha-i-ti, Mác-ti-ni... lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa với khoảng 100 hội viên, cơ quan ngôn luận là tờ Le Paria (Người cùng khổ).

Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, Người đến châu Mỹ, làm thuê ở thành phố Brốc-lin, rồi đến thăm khu Hác-lem của người da đen. Cuối năm 1917, Người mới từ Anh trở lại Pháp, khi cuộc chiến tranh thế giới đang tàn phá nước này.

Một năm sau (1919), Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập Ðảng Xã hội Pháp, đảng duy nhất lúc ấy ở Pháp bênh vực nhân dân các nước thuộc địa. Năm 1920 đánh dấu một bước đổi mới nhảy vọt trong tư duy của Nguyễn Ái Quốc từ lập trường yêu nước sang lập trường cộng sản. Giữa năm 1920, Người reo lên sung sướng khi được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin đăng trên báo Nhân đạo. Sự kiện đáng ghi nhớ nhất là đúng vào lễ Nô-en ngày 25-12-1920, Nguyễn Ái Quốc dự Ðại hội lần thứ 18 Ðảng Xã hội Pháp ở Tua cùng với nhà văn Pôn Vay-ăng Cu-tuya-ri-ê và A-na-tôn Phrăng-xơ.

Giữa đêm 29-12-1920,  Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu gia nhập Quốc tế Cộng sản, lúc ấy là 2 giờ 30 phút sáng 30-12-1920, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên và là người tham gia sáng lập Ðảng Cộng sản Pháp. Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật từ Pa-ri đến Mát-xcơ-va. Trong một năm rưỡi ở Liên Xô, Người đã tham dự nhiều Hội nghị Quốc tế quan trọng như Ðại hội quốc tế nông dân, Ðại hội quốc tế Công hội đỏ, Ðại hội quốc tế thanh niên. Ðặc biệt từ ngày 17-6 đến ngày 18-7-1924, Người đã tham dự Ðại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản tại điện Crem-li.

Rồi đến 1927, Nguyễn Ái Quốc cùng với nhà văn Hăng-ri Bác-buýt-xơ và các đại biểu Á, Phi, Mỹ la-tinh tham dự Ðại hội đồng của Liên đoàn chống đế quốc ở Brúc-xen (Bỉ). Những năm 20 của thế kỷ trước, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã thật sự trở thành một chiến sĩ xuất sắc trong phong trào cộng sản quốc tế. Người đã đi khắp các lục địa châu Âu, châu Mỹ, châu Phi... Hội nhập quốc tế ở châu Âu, rồi lại trở về hội nhập quốc tế ở châu Á.

Ngày 9-7 năm 1925, ở Quảng Châu, cùng với một số nhà cách mạng các nước thuộc địa, Người lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức. Có thể nói từ khi sáng lập tờ báo Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc đã thật sự trở thành người bạn đường thân thiết nhất của những người cùng khổ trên khắp các lục địa, trở thành người chiến sĩ tiêu biểu nhất của phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Quá trình hội nhập quốc tế về chính trị đã dẫn đến một sự đổi mới tư duy rất quan trọng của Nguyễn Ái Quốc: "Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã làm tôi tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lê-nin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ". (1)

Quá trình hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa của Nguyễn Ái Quốc đã diễn ra theo quy luật sau: trong con người danh nhân văn hóa thế giới sau này đã diễn ra một sự tổng hợp (synthèse) những tinh hoa của văn hóa phương Tây, văn hóa phương Ðông với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Gặp A.Phrăng-xơ ở Ðại hội Tua, Nguyễn Ái Quốc 30 tuổi đã trở thành người bạn vong niên của nhà văn lão thành 76 tuổi. A.Phrăng-xơ là bậc tiền bối vĩ đại nhất của nền văn học vô sản, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa hình thành ở Pháp. Có thể nói, A.Phrăng-xơ cùng với L.Tôn-xtôi là  những  người  đỡ  đầu  văn  họctrực tiếp hoặc gián tiếp cho Nguyễn Ái Quốc. Rô-manh Rô-lăng và H.Bác-buýt-xơ là những người kế tục A.Phrăng-xơ, ông già vĩ đại ra đi vào năm 1924. Theo Giắc-cơ Ðuy-clốt kể lại, Nguyễn Ái Quốc quen thân H.Bác-buýt-xơ và đọc những tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa của ông như Lửa (Le feu - 1915) và Ánh sáng (Clarté - 1918). P.V.Cu-tuya-ri-ê là người ngồi cạnh Nguyễn Ái Quốc trong Ðại hội Tua. Với tư cách chủ bút báo Nhân đạo  của Ðảng Cộng sản Pháp, Cu-tuya-ri-ê là người trực tiếp giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc trong sự nghiệp báo chí và văn học. Có thể nói, Nguyễn Ái Quốc đã cùng Bác-buýt-xơ, Cu-tuya-ri-ê, Lơ-phe-vrơ, đặt nền móng cho văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học Pháp. Không chỉ làm bạn với những nhà văn cộng sản, Nguyễn Ái Quốc còn tìm cách tiếp thu những đỉnh cao của nền văn hóa Pháp và văn hóa châu Âu, châu Á.

Truyện ngắn và tiểu phẩm của Nguyễn Ái Quốc từ 1922 đến 1925 là một sự kết hợp dân tộc và thời đại vì người chiến sĩ yêu nước đã trở thành nhà hoạt động quốc tế của phong trào cộng sản, một sự tổng hợp của phương Tây và phương Ðông, cụ thể là văn hóa dân tộc với văn hóa Pháp, văn hóa châu Âu. Các truyện ngắn Con rùa, Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Va-ren và Phan Bội Châu, Ðồng tâm nhất trí... thể hiện sâu sắc tính dân tộc. Những phương thức tiếp cận, những thủ pháp nghệ thuật trong các truyện ngắn này có thể đi từ di sản quá khứ của dân tộc (các hình thức văn học dân gian, truyền kỳ, ước lệ) và nhân loại (hài kịch A-ri-xtô-phan, bi kịch Sếch-xpia), thậm chí từ các trường phái khác (văn học kinh dị của Ét-ga Pô). Nhưng tất cả đều đã được nhào nặn lại để thích hợp với hệ thống thẩm mỹ mới, với thế giới quan mác-xít.

Sự tổng hợp những tinh hoa của văn hóa phương Tây, với những tinh hoa của văn hóa phương Ðông trên cơ sở truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc trong tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc đã diễn ra như một quy luật trong quá trình hình thành tài năng của nhiều nhà văn hóa lớn trong và ngoài nước.

Ðặng Thai Mai là một trường hợp khá tiêu biểu. Ông đã kế thừa những truyền thống tốt đẹp của văn học Pháp, văn học Nga Xô-viết (Ánh sáng là từ phương Bắc tới), ông là chuyên gia về văn học Trung Quốc (Mối quan hệ lâu đời và mật thiết giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc, Lược sử văn học hiện đại Trung Quốc), đồng thời cũng là chuyên gia về Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, về văn thơ Nguyễn Trãi và Phan Bội Châu...

Trong thơ của Thế Lữ, Huy Thông, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê... có ảnh hưởng của thơ ca lãng mạn và tượng trưng Pháp thế kỷ 19, thơ Ðường của Trung Quốc, đồng thời các nhà thơ đó cũng là những người tiếp thu một cách sáng tạo tác phẩm của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Ðoàn Thị Ðiểm, Cao Bá Quát và thơ ca dân gian Việt Nam.

Quá trình hội nhập quốc tế trên cả hai lĩnh vực chính trị và văn hóa của Nguyễn Ái Quốc những năm 20 đầu thế kỷ trước đã để lại cho các thế hệ kế tiếp những bài học lớn, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế hôm nay. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, theo chúng tôi nghĩ, không chỉ là học tập các đức tính cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tận trung với nước, tận hiếu với dân mà còn là học tập tinh thần luôn luôn đổi mới và sáng tạo, tinh thần hội nhập quốc tế, kết hợp dân tộc và thời đại, học tập tinh hoa văn hóa của toàn nhân loại trên cơ sở truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Giáo sư, Viện sĩ  PHAN CỰ ÐỆ

-----------------

(1) Hồ Chí Minh - Toàn tập - tập X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1996, trang 127.