Người phụ nữ Khmer thành công với sản phẩm từ tài nguyên bản địa

NDO - Từ một phụ nữ Khmer nghèo vất vả mưu sinh, nhờ sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ, chị Trương Thị Bạch Thủy (sinh năm 1984) - Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã trở thành tấm gương nữ doanh nhân vượt khó thành đạt nổi tiếng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Trương Thị Bạch Thủy hướng dẫn lớp đan đat nâng cao cho các chị em phụ nữ thuộc hộ nghèo và cận nghèo ở xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng).
Chị Trương Thị Bạch Thủy hướng dẫn lớp đan đat nâng cao cho các chị em phụ nữ thuộc hộ nghèo và cận nghèo ở xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng).

Mới đây, chị Bạch Thủy đạt giải Nhất cuộc thi Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Chị Bạch Thủy chia sẻ: “Mỗi ngày, nếu không đi các tỉnh để thiết kế trang trí bằng may, tre cho các nhà hàng, khách sạn hay khu nghỉ dưỡng thì lại tất tả đi đến các hợp tác xã đan đát để kết nối sản xuất và tiên thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ mây tre cho kịp các hợp đồng”.

Phải nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được chị sau lễ khai giảng lớp đan đát nâng cao cho gần 20 chị em là thành viên Làng nghề thủ công mỹ nghệ xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng).

Sinh ra và lớn lên trong gia đình Khmer có nghề truyền thống đan đát ở ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long (Bạc Liêu), ngay từ nhỏ Bạch Thủy đã biết đan đát rất giỏi. Hằng ngày, sau giờ học, Bạch Thủy cặm cụi đan những sản phẩm từ mây tre để cuối tuần mang ra chợ bán. Do sản phẩm tốt, được ưa chuộng nên rất nhiều người mua.

Học hết lớp 11, Bạch Thủy xin gia đình đi học thêm nghề thủ công mỹ nghệ ở các nghệ nhân, rồi tham gia các lớp thiết kế, mỹ thuật do Hội Phụ nữ tổ chức. Với sự thông minh, cần cù, chịu khó nên chị được nhiều người biết đến với nghề kinh doanh các sản phẩm tre, mây mỹ nghệ.

Tuy nhiên, do sự biến động của thị trường, các sản phẩm đan đát làng nghề thủ công đã không trụ được với sự cạch tranh từ các mặt hàng gia dụng làm từ nhựa. Chị Bạch Thủy cùng gia đình đã phải rời làng nghề và đến Sóc Trăng kinh doanh quán cơm. Tuy cuộc sống ổn định, nhưng chị lúc nào cũng đau đáu nhớ về nghề đan đát truyền thống của gia đình..

Người phụ nữ Khmer thành công với sản phẩm từ tài nguyên bản địa ảnh 1

Chị Trương Thị Bạch Thủy (áo đen) trong lễ trao giải nhất Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa 2023”.

Và rồi cơ duyên đến khi phong trào khởi nghiệp và kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng đồ nhựa để bảo vệ môi trường ngày càng lan tỏa. Người tiêu dùng quay lại với các vật dụng làm từ tre, mây thì ngọn lửa nghề lại bùng cháy trong con người chị Thủy. Chị trở về quê nội là làng đan đát xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) để thành lập Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết.

Chị Bạch Thủy tìm hiểu thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng và liên tục sản xuất những sản phẩm đan đát là vật dụng gia đình cho đến các mặt hàng mỹ nghệ mây tre dùng để trang trí rất được khách hang trong và ngoài nước ưa chuộng. Để khắc phục nhựơc điểm của tre mây, các sản phẩm dùng để đựng thức ăn, chị nghiên cứu xử lý bằng các hóa phẩm hữu cơ tự nhiên, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chống mối mọt.

Hiện tại, Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết có hơn 600 mặt hàng các loại, từ sản phẩm sinh hoạt, tiêu dùng, trang trí, du lịch đến tặng phẩm… Khi khách đặt hàng mẫu mới, chị Bạch Thủy nghiên cứu thật kỹ, rồi tự tay làm ra sản phẩm mẫu, sau đó mang xuống các làng nghề hướng dẫn lại cho các chị em để cho sản phẩm ưng ý nhất và mỗi làng nghề chị sẽ chọn đặt hàng các sản phẩm khác nhau để nâng cao tay nghề cho chị em.

Với lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh, cơ sở của chị Thủy đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động từ bà con trong làng nghề cho đến lao động tại cơ sở, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Hợp tác xã còn là nơi nâng cao năng lực và kỹ năng hoạt động kinh tế của phụ nữ, giải quyết việc làm ổn định cho 32 xã viên và hơn 60 hội viên phụ nữ vùng lân cận. Mỗi hộ gia đình bình quân có thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng từ nghề đan đát nên mọi người rất gắn bó với Hợp tác xã.

Chị Bạch Thủy cho biết, hiện nay làng nghề truyền thống với 90% thợ là người dân tộc Khmer có tay nghề lâu năm trong lĩnh vực đan đát thủ công mỹ nghệ từ mây, tre, cùng với lợi thế có nhiều thợ giỏi trong làng nghề ở Sóc Trăng, Hợp tác xã còn phát triển và ứng dụng cây tre vào xây dựng các công trình kiến trúc nhằm phát huy giá trị và bản sắc văn hóa con người Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, phong trào phụ nữ và công tác phụ nữ ở Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; vị trí, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định.

Người phụ nữ Khmer thành công với sản phẩm từ tài nguyên bản địa ảnh 2
Chị Bạch Thủy hướng dẫn các chị em phụ nữ Khmer đan đát các sản phẩm chất lượng cao

Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện công tác phụ nữ được tăng cường. Hội liên hiệp phụ nữ các cấp có sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện có hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, nhất là đối với nhóm phụ nữ đặc thù. Qua đó, tỷ lệ lao động nữ tham gia nền kinh tế ngày càng tăng, chiếm gần 48% tổng số lao động toàn tỉnh. Tỷ lệ lao động nữ người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30%.

“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng triển khai xây dựng các mô hình phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi, nữ doanh nhân tiêu biểu. Trong đó, mô hình Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết là một điển hình cho sự thành công của phụ nữ đồng bào Khmer ở Sóc Trăng” – đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào nhận định.