Nam Định bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Nằm ở trung tâm vùng nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, là nơi phát tích của vương triều Trần, nơi sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng, danh nhân văn hóa của Việt Nam và có dày đặc hệ thống di tích, di sản, Nam Định tự hào là mảnh đất địa linh nhân kiệt. Bởi vậy, song song mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh cũng luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
0:00 / 0:00
0:00
Trình diễn múa rồng tại Lễ hội Đền Trần diễn ra tháng 8 âm lịch hằng năm ở Nam Định.
Trình diễn múa rồng tại Lễ hội Đền Trần diễn ra tháng 8 âm lịch hằng năm ở Nam Định.

Kho tàng di sản văn hóa phong phú

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định Nguyễn Tiến Dũng cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.359 di tích, trong đó có hai di tích quốc gia đặc biệt (gồm Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần và chùa Phổ Minh, thành phố Nam Định và Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo Hành Thiện, huyện Xuân Trường); 87 di tích cấp quốc gia, 328 di tích cấp tỉnh, năm nhóm bảo vật quốc gia và 931 di tích trong danh mục kiểm kê đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Ngoài ra, Nam Định còn có hơn 400 nhà thờ Thiên Chúa giáo đa dạng về quy mô, độc đáo về kiểu dáng, kiến trúc; gần 100 làng nghề với các ngành nghề truyền thống lâu đời, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng như đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên (huyện Ý Yên); ươm tơ Cổ Chất, dệt Cự Trữ (huyện Trực Ninh); cây cảnh Vị Khê (huyện Nam Trực)…

Toàn tỉnh có một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”; 12 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và nhiều loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian đặc sắc như hát chèo, hát chầu văn, hát ca trù, nghệ thuật múa rối nước, rối cạn, cà kheo, nhạc kèn, múa rồng, múa sư tử, múa lân...

Nam Định còn có tới 245 lễ hội truyền thống, trong đó có nhiều lễ hội có quy mô lớn như Lễ Khai ấn Đền Trần (thành phố Nam Định); Lễ hội chùa Đại Bi, Hội chợ Viềng (huyện Nam Trực); Lễ hội Phủ Dầy, Hội chợ Viềng xuân (huyện Vụ Bản); Lễ hội chùa Keo Hành Thiện (huyện Xuân Trường); Lễ hội chùa Lương, Lễ hội đền Bảo Ninh (huyện Hải Hậu), Lễ hội chùa Cổ Lễ (huyện Trực Ninh)... Các lễ hội này hằng năm thu hút hàng chục nghìn lượt du khách trong và ngoài nước.

Nói tới di sản văn hóa Nam Định, không thể không nhắc đến những món ẩm thực đặc trưng như phở bò, bún đũa, bánh cuốn Làng Kênh, nem nắm Giao Thủy… Bên cạnh đó, một số sản phẩm tiêu biểu như gạo tám xoan Hải Hậu, nước mắm Sa Châu đã được sách kỷ lục Việt Nam đưa vào Tốp 100 món ăn đặc sản tiêu biểu của cả nước. Nhiều thương hiệu như kẹo lạc Sìu Châu, bánh nhãn Hải Hậu, gạo tám Xuân Đài, cá nướng úp chậu Trực Ninh, cá chạch kho Nghĩa Hưng… đã có chứng nhận đạt chuẩn OCOP, được thực khách ưa chuộng.

Gìn giữ “hồn cốt” truyền thống của Nam Định

Nam Định là trung tâm lớn về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Với khoảng 400 điểm thờ thánh Mẫu trên toàn tỉnh. Trong đó, nổi bật nhất là Quần thể di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, nơi có tới hơn 20 công trình đền, đình, chùa, phủ, lăng để phụng thờ, tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh (vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu, một trong “Tứ bất tử” trong tâm thức người Việt Nam). Quần thể này tạo nên một điện thần Đạo Mẫu hoàn chỉnh về vị thế và quy mô kiến trúc nghệ thuật. Tháng 4/2017, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vụ Bản vinh dự được chọn làm nơi đón bằng của UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đồng chí Vũ Quang Trung, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vụ Bản cho biết, việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo Quần thể di tích Phủ Dầy cũng như công tác tổ chức Lễ hội Phủ Dầy hằng năm luôn được huyện đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, các hoạt động phần hội, các nghi lễ thực hành tín ngưỡng luôn được Vụ Bản bảo tồn và phát huy bằng các chương trình, kế hoạch chi tiết, cụ thể.

Trên địa bàn toàn tỉnh, Nam Định cũng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tỉnh hiện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng Khu trung tâm Lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần, với tổng mức đầu tư hơn 730 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cũng đã phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) đối với Khu Di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy và các vùng phụ cận có liên quan với nhiệm vụ xác định môi trường bảo tồn và phát triển nối tiếp các giá trị lịch sử văn hóa, cũng như cảnh quan sinh thái đặc sắc của khu vực này.

Từ năm 2016 đến nay, ngành văn hóa tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành trùng tu 16 di tích cấp quốc gia; đồng thời hướng dẫn quy trình, thủ tục tu bổ hơn 50 di tích trên địa bàn tỉnh từ nguồn xã hội hóa lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm sáng tạo trong huy động các nguồn lực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.

Đối với di sản phi vật thể, Nam Định cũng đã xây dựng các kế hoạch, đề án về kiểm kê di tích, bảo tồn một số loại hình văn hóa đặc trưng của Nam Định như nghệ thuật ca trù, hát chèo, hát chầu văn, múa rối nước… Hiện nay, tỉnh đang phối hợp các địa phương có thực hành nghệ thuật chèo trong vùng đồng bằng sông Hồng xây dựng hồ sơ trình UNESCO, đưa “Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hoạt động này mở ra cơ hội giúp nghệ thuật chèo Nam Định thu hút khách quốc tế đến thưởng thức, nghiên cứu, tìm hiểu trong tương lai, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực ■