Dự có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai; Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum; Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các cơ thuộc Bộ, ngành Trung ương, Cục Di sản Văn hóa, Cục Văn hóa; Viện Khảo cổ học…
Chương trình khai mạc gồm phần lễ và chương trình nghệ thuật, do Phó giáo sư, Tiến sĩ Tạ Quang Đông,Thứ trưởng Văn hóa-Thể thao và Du lịch làm tổng đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật.
Tiết mục khai từ “Âm vang đại ngàn” có sự tham gia trình diễn cồng chiêng của trên 1.300 nghệ nhân 5 tỉnh Tây Nguyên, gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Đây cũng là kỷ lục về số lượng nghệ nhân trong một chương trình nghệ thuật từ trước tới nay.
Chương trình nghệ thuật gồm 2 chương với nhiều tiết mục đặc sắc. Chương 1 “Linh thiêng đại ngàn” tái hiện không gian đậm chất sử thi về công cuộc giữ đất, giữ nước, giữ buôn làng, giữ lửa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên giữa đại ngàn hùng vĩ.
Chương 2 “Sức sống đại ngàn” khẳng định sức sống bền bỉ, mãnh liệt và sự lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng không chỉ vang vọng tại các buôn làng, mà vượt qua khỏi biên giới quốc gia, là gia tài quý báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam và được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày nay, nghệ thuật cồng chiêng đã tham gia vào phát triển du lịch, trở thành sứ giả văn hóa kết nối du khách trong và ngoài nước đến với vùng đất đỏ bazan huyền thoại.
Xuyên suốt chương 1 và 2 là các tiết mục hát, múa: “Khúc hát đại ngàn” (sáng tác Đinh Lăng), “Đám mây thành kẹo bông” (dân ca Bahnar); múa “Rừng khát” (biên đạo Vân Như, âm nhạc Khắc Phú); “Pleiku chưa xa đã nhớ” (sáng tác Ngọc Tường); “Gia Lai theo Đảng, Bác Hồ" (sáng tác Thảo Nam Giang); múa “Sức sống đại ngàn” (biên đạo Uyên Chi), “Gia Lai quê tôi” (sáng tác Y Yang Tuyn), “Rừng ơi yàng ơi” (sáng tác Thảo Nam Giang).
Ngoài ra, chương trình còn có ca khúc “Vũ điệu cồng chiêng” (sáng tác Dương Khắc Linh, Trang Pháp) trên nền nhạc ca khúc “Sống như ta 20”, phần trình diễn đặc sắc của đội cồng chiêng nhí dân tộc Jrai của thành phố Pleiku. Sự kết hợp 2 ca khúc “Ngọn lửa cao nguyên” (sáng tác Trần Tiến) và “Đôi mắt Pleiku” (sáng tác Nguyễn Cường) với phần trình diễn của ca sĩ nổi tiếng cùng đại dàn nhạc cồng chiêng là tiết mục khép lại chương trình nghệ thuật.
Với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, chương trình nghệ thuật vẽ nên một bức tranh về đại ngàn hùng vĩ, nơi những thanh âm của núi rừng hòa quyện cùng tiếng cồng chiêng vang lên như một bản hòa ca bất tận, tạo nên không gian kết nối, giao hòa giữa thiên nhiên-con người-thần linh, giữa quá khứ-hiện tại-tương lai, nơi thế giới nội tâm sâu sắc của người dân Tây Nguyên được thể hiện qua những giây phút thăng hoa cùng nghệ thuật; nơi văn hóa cồng tiếng chiêng được tôn vinh và khẳng định giá trị trường tồn trong nhịp sống đương đại.
Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai năm 2023 được tổ chức từ ngày 11/11 đến 19/11 tại Quảng trường Đại đoàn kết và một số địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai như huyện Chư Păh, huyện Ia Grai... với nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc sắc, mang đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Nằm trong chuỗi hoạt động của tuần lễ là phần trình diễn không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Gia Lai và được tổ chức liên tục trong 2 ngày 11 và 12/11 tại quảng trường Đại đoàn kết, với sự tham gia của các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông và các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai.
Biểu diễn cồng chiêng đường phố thu hút du khách. |
Trong khuôn khổ tuần lễ, các địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng, bao gồm: Tuần lễ Hoa Dã Quỳ - núi lửa Chư Đang Ya năm 2023 (trọng điểm trong 3 ngày, từ ngày 10 - 12/11) tại làng Ia Gri, khu vực núi lửa xã Chư Đăng Ya và một số địa điểm khác trên địa bàn xã Chư Đăng Ya và xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh.
Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023; trình diễn trang phục truyền thống, thi dân vũ diễn ra (từ ngày 17 đến 18/11) tại Làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai,
Giải chạy bộ “Gia Lai City trail 2023 - Giấc mơ đại ngàn” diễn ra từ ngày 17 đến 19/11 tại khu di tích thắng cảnh Biển Hồ, khu vực núi lửa xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh và đường Anh Hùng Núp, thành phố Pleiku với các nội dung: 42km, 21km, 10km và 5km cho cả nam và nữ.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức, thông qua hình thức, ngôn ngữ nghệ thuật để giới thiệu, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên và chủ nhân của không gian văn hóa là chủ đề xuyên suốt của chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc. Qua đó, khẳng định sau 18 năm được UNESCO vinh danh, Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản cồng chiêng.
“Tuần Văn hóa-Du lịch còn là cơ hội để tỉnh Gia Lai giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa-lịch sử, du lịch, sản phẩm nông sản đặc sắc tiêu biểu của tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung; trong đó, Festival Văn hóa cồng chiêng còn là dịp trao đổi kinh nghiệm bảo tồn, giao lưu văn hóa giữa các tỉnh, các dân tộc Tây Nguyên tạo thêm sự gắn kết, cùng nhau xây dựng chuỗi sản phẩm liên kết và phát triển kinh tế-văn hóa, du lịch các tỉnh Tây Nguyên”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cho biết thêm.