Việc trình diễn nghi thức rước rể của người Ê Đê do người Ê Đê ở buôn Tơ̆ng Jŭ, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện, nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung, thúc đẩy phát triển du lịch và góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, người đã dành nhiều công sức nghiên cứu về văn hóa ứng dụng của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thì văn hóa truyền thống của người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ. Bởi người Ê Đê quan niệm khi sinh con ra, công sinh thành nuôi dưỡng, mang nặng, đẻ đau là công của người mẹ. Con cái sinh ra phải mang họ của người mẹ, trong hôn nhân người con gái phải đi hỏi cưới chồng.
Muốn vượt qua những cản trở, đại diện gia đình chú rể phải trao cho họ một chiếc vòng đồng mới được bước lên cầu thang nhà dài. |
Khi đến tuổi lập gia đình, người con gái Ê Đê “ưng cái bụng” chàng trai nào sẽ về báo cho cha mẹ, nhờ người mai mối hỏi cưới chồng. Theo phong tục của người Ê Đê, thông thường sau mùa rẫy, ngày rộng tháng dài, lúa gạo đầy kho, nhà đã chuẩn bị trâu, bò, gà, heo… các cô gái Ê Đê có thể đi hỏi chồng.
Lễ hỏi chồng của người phụ nữ Ê Đê gồm các nghi thức: Lễ hỏi (lễ đưa vòng), lễ thỏa thuận thủ tục gửi dâu, lễ rước rể, đón rể vào nhà. Nhà trai được đặc quyền thách cưới và nhà gái lo mọi chi phí cưới hỏi mới được làm lễ rước rể về nhà.
Đoàn rước rể về đến cầu thang nhà gái. |
Lễ rước rể diễn ra khi đã hết thời gian thỏa thuận ở dâu bên nhà trai từ 1 đến 3 năm, nhà gái đã giao đủ khoản thách cưới như được ấn định lúc hôn ước và hai bên gia đình chấp nhận cho đôi vợ chồng về nhà cha mẹ vợ ở.
Trong quá trình di chuyển đoàn rước rể sẽ gặp một số khó khăn như bị người thân của gia đình nhà gái trêu ghẹo, chặn đường, gây khó dễ. Để vượt qua, đoàn rước rể phải có cách đối đáp hợp lý và tặng quà là vòng đồng để thể hiện sự quyết tâm, kiên định của chú rể trên chặng đường hôn nhân.
Nhà dài người Ê Đê có 2 cầu thang, đàn ông lên nhà bằng cầu thang bên trái. |
Khi đoàn di chuyển đến nhà gái, hai ông cậu sẽ đại diện hai bên gia đình đứng ra nói chuyện, nhắc lại các khoản thách cưới trong hôn ước, xin phép gia đình nhà trai để đón rể về và thay mặt hai gia đình răn dạy, khuyên bảo đôi vợ chồng trẻ về cách đôi nhân xử thế, cách ứng xử với gia đình hai bên…
Nghi lễ kết thúc khi hai bên gia đình, họ hàng đồng thuận việc đôi vợ chồng trẻ sẽ về nhà cha mẹ vợ, nhận được lời chúc mừng của anh em họ hàng.
Hai gia đình nhà gái và nhà trai bàn bạc, thống nhất việc hôn nhân cho 2 bạn trẻ. |
Sau khi các nghi thức kết thúc, đôi vợ chồng sẽ cùng nhau ăn bữa cơm đầu tiên tại nhà vợ. Đại diện nhà gái thay mặt cho hai gia đình và đôi vợ chồng trẻ bày tỏ lòng cảm ơn, báo cho mọi người biết việc cưới xin đã xong xuôi tốt đẹp. Mọi người cùng ăn cơm chúc mừng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ.
Sau khi hai gia đình bàn bạc thống nhất, đại diện nhà gái thay mặt cho hai gia đình và đôi vợ chồng trẻ bày tỏ lòng cảm ơn, báo cho mọi người biết việc cưới xin đã xong xuôi tốt đẹp. |
Sau khi các nghi thức kết thúc, đôi vợ chồng trẻ ăn chung một miếng cơm để nguyện cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. |
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Buôn Ma Thuột Phạm Tiến Hưng cho biết, qua hoạt động trình diễn, Ban Tổ chức mong muốn thế hệ trẻ tìm hiểu, tiếp cận phong tục, tập quán truyền thống, giữ gìn, bảo tồn các nghi thức cưới hỏi, minh chứng cho nét đẹp trong văn hóa hôn nhân độc đáo của đồng bào Ê Đê ở Tây Nguyên. Qua đó, thúc đẩy phát triển du lịch và góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.