Nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh

NDO- Quảng Ninh hiện có 21 dân tộc thiểu số với hơn 162 nghìn người sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn. Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đúng, đủ, kịp thời các chính sách để nâng cao đời sống cho người dân vùng dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ xã hướng dẫn cài đặt ứng dụng công nghệ trên máy điện thoại thông minh cho bà con dân tộc vùng cao xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu.
Cán bộ xã hướng dẫn cài đặt ứng dụng công nghệ trên máy điện thoại thông minh cho bà con dân tộc vùng cao xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu.

Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về phát triển bền vững kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” đã được hiện thực hóa, từng bước hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước xoá bỏ khoảng cách chênh lệch giữa miền núi và đồng bằng.

Rút ngắn khoảng cách vùng miền

Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến sự phát triển của tỉnh. Trong đó, Nghị quyết Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, có ý nghĩa quan trọng, giúp mở rộng diện bao phủ đối với những người khó khăn, yếu thế, cải thiện điều kiện sống cho một bộ phận dân cư trên địa bàn.

Qua đó giúp đối tượng thụ hưởng chính sách tiếp cận gần hơn với mức sống tối thiểu của người dân, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và điều kiện kinh tế - xã hội địa phương; người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đây là chính sách an sinh xã hội hướng đến nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống của người dân giữa các vùng, miền trong tỉnh.

Đặc biệt tỉnh xác định chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu, vì vậy, Quảng Ninh đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số ngay từ những ngày đầu triển khai, trong đó tập trung xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số một cách toàn diện, hiệu quả. Đặc biệt là nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện ở khu vực nông thôn, miền núi hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân thông minh.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, của huyện về chuyển đổi số toàn diện, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm hướng dẫn, khuyến khích người dân chủ động làm quen với các dịch vụ tiện ích trên không gian mạng. Đội ngũ cán bộ các thôn là nòng cốt hướng dẫn người dân cài đặt các phần mềm chuyển đổi số, nâng cao nhận thức về an toàn an ninh mạng.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Đồng Tâm Nông Thanh Sơn cho biết: Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy tốt vai trò của mình, nhất là trong hướng dẫn người dân cài phần mềm VssID, thanh toán tiền điện, tiền nước qua điện thoại, cập nhật tin tức an ninh trật tự trên trang thông tin điện tử địa phương... Đặc biệt là nhiều hộ kinh doanh trong xã đã bắt đầu biết quảng bá các sản phẩm của mình trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để bán được nhiều hàng hơn, nâng cao thu nhập.

Là địa phương miền núi, biên giới, với hơn 96% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc nâng cao chất lượng đời sống cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu của huyện Bình Liêu. Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng bản sắc văn hóa truyền thống, huyện đã chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Huyện đã phê duyệt đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội.

Theo đó, huyện phấn đấu đến năm 2025 thu hút hơn 500 nghìn lượt khách, doanh thu hơn 450 tỷ đồng. Đồng thời hoàn thiện các điểm du lịch cộng đồng, du lịch bản, du lịch sinh thái và điểm tham quan trên địa bàn và hướng đến xây dựng các tuyến du lịch liên kết vùng. Trong đó đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số toàn diện trong du lịch và quảng bá các sản phẩm truyền thống của địa phương.

Bí thư huyện uỷ Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh khẳng định, để chuyển đổi số đạt hiệu quả thiết thực hơn, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về chuyển đổi số thông qua các hội nghị, hệ thống truyền thanh, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Đồng thời, ưu tiên triển khai các nội dung chuyển đổi số có tác động trực tiếp đến đời sống người dân, như cung cấp dịch vụ kết nối internet băng rộng cố định cho các khu dân cư trên địa bàn; hoàn thành chỉ tiêu hơn 80% các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế; dịch vụ điện, nước, thu phí và lệ phí thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thành thực hiện cài đặt ứng dụng công dân số VNeID cho 100% người dân.

Với 100% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, xã vùng cao Đại Dực, huyện Tiên Yên mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm nỗ lực chuyển đổi số vì sự phát triển bền vững, cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các hoạt động chuyển đổi số đến với người dân.

Nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh ảnh 1

Từ nguồn vỗn hỗ trợ của tỉnh đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Đại Dực Hoàng Việt Tùng khẳng định: “Xác định công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng trong việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền các lợi ích của việc chuyển đổi số đến với người dân thông qua nhiều hình thức như họp thôn, thông qua hệ thống loa truyền thanh. Tổ chức tập huấn cho các tổ công nghệ số cộng đồng thôn và chỉ đạo đoàn thanh niên xã hỗ trợ người dân cài đặt và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh. Đồng thời tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy phát triển hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền”.

Ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế

Hiện nay, nhiều người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh Quảng Ninh đã nắm bắt cơ hội về chuyển đổi số, vận dụng để tối ưu các khâu sản xuất. Đơn cử như tại khu phức hợp sản xuất giống công nghệ cao ở xã Tân Lập, huyện Ðầm Hà do Tập đoàn Việt - Úc làm chủ đầu tư, công nghệ số đã giúp đồng bộ toàn thể hệ thống quản lý quá trình sinh trưởng con tôm, đảm bảo chất lượng tốt nhất. Đó là hệ thống máy tính theo dõi tổng hợp, ghi nhận số liệu từ đồng thời các khu sản xuất tảo, hệ thống lọc nước và cho tôm ăn tự động, phòng xét nghiệm... đạt chuẩn quốc tế. Từng mẻ tôm giống xuất bán đều được mã hóa phục vụ nhu cầu của khách hàng nếu cần truy xuất nguồn gốc, chủng loại, kiểm tra thông tin chất lượng.

Được Tổ chuyển đổi số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt và sử dụng các dịch vụ số, anh Lỷ Văn Quạn, thôn Phài Giác đã cài đặt, đăng ký tài khoản ngân hàng, cập nhật sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart để tiêu thụ. Anh Quạn chia sẻ: Từ khi được hỗ trợ, tìm hiểu các quy trình bán hàng trên sàn thương mại điện tử, sản phẩm ớt của gia đình tôi đã được nhiều người biết đến đầu ra luôn ổn định, mang lại thu nhập cao. Bản thân tôi nhận thấy việc đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm cực kỳ cần thiết. Không chỉ giúp người dân được cập nhật, tìm hiểu các thông tin về kỹ thuật trồng trọt mà chuyển đổi số còn giúp quảng bá sản phẩm của mình đi khắp mọi miền đất nước.

Nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh ảnh 2

Người dân ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ phát triển vườn ươm từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách.

Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khe Lục, xã Đại Dực Nình Văn Quang chia sẻ: Không còn phải gọi điện thoại cho từng người, hoặc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” mà chỉ cần đăng tải thông tin trên các trang mạng xã hội như: Facebook và Zalo. Các thông tin đưa lên được nhiều người theo dõi và chia sẻ, từ đó thông tin được truyền tải đến người dân một cách nhanh chóng và kịp thời. Đặc biệt việc ứng dụng công nghệ đã giúp người dân quảng bá, bán các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp đến nhiều vùng miền trên cả nước.

Tại thị xã Đông Triều, Quảng Yên, nhiều đơn vị, hợp tác xã và hộ dân cũng ứng dụng công nghệ số, thiết bị cảm ứng nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng phục vụ tự động hóa việc chăm sóc cây trồng, giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển ổn định. Việc chuẩn hóa như vậy nhằm từng bước chấm dứt mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Nông sản của Quảng Ninh có cơ hội tạo được ưu thế trên thị trường, chinh phục được những hệ thống phân phối uy tín và người tiêu dùng. Từ đó, mức thu nhập của người nông dân được cải thiện, nâng cao đáng kể.

Được biết, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã phân bổ 240 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, giải quyết việc làm tại 65 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay toàn tỉnh đã có 3.475 lượt người dân tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn với số tiền 258,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm và nâng cao đời sống cho bà con vùng dân tộc thiểu số.

Nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh ảnh 3
Các thiếu nữ dân tộc Dao ở huyện Bình Liêu trong trang phục truyền thống.

Có thể khẳng định, việc đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng và toàn diện đã góp phần quan trọng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn, miền núi ở Quảng Ninh, từng bước rút ngắn khoảng cách vùng miền, hướng tới xây dựng thành công chính quyền điện tử, chính quyền số trong thời gian tới./.