Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đội ngũ những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bình Liêu luôn là những “hạt nhân” luôn gương mẫu, đi đầu tuyên truyền, vận động bà con hiến đất, làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xóm… giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Phát huy vai trò hạt nhân trong mọi phong trào
Trưởng phòng Dân tộc huyện Bình Liêu Hoàng Thị Vinh cho biết, Bình Liêu là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất tỉnh Quảng Ninh với 3 dân tộc chủ yếu là Tày, Dao và Sán Chay (Sán Chỉ), đồng bào dân tộc Kinh chỉ chiếm 5,14%, ngoài ra còn một số dân tộc khác như Sán Dìu, Nùng, Thái, Mường, Hoa....
Mỗi dân tộc thiểu số đều có tập tục, sắc thái văn hóa riêng, nhưng có sự giao thoa và chịu ảnh hưởng của văn hóa dân tộc khác, tựu trung đều có một tinh thần yêu nước, cần cù trong lao động sản xuất, anh dũng trong chiến đấu, đoàn kết giúp đỡ nhau xây dựng một cộng đồng thống nhất.
Vô Ngại là xã cửa ngõ của huyện Bình Liêu, từ xa chúng tôi đã nhìn thấy ẩn hiện trong màu xanh của núi rừng biên cương là những tuyến đường giao thông kết nối thôn, bản với trung tâm huyện, mở ra hướng phát triển mới cho những người dân vùng cao ở huyện Bình Liêu.
Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đã tích cực vận động các hộ dân trong xã tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất để thực hiện các công trình hạ tầng trên địa bàn xã.
Trong 5 năm qua, toàn xã có hơn 300 hộ dân đã hiến hơn 30.000m2 đất với tổng giá trị ước khoảng hơn 100 triệu đồng. Những kết quả này có được là nhờ vào sự tuyên truyền và vận động, gương mẫu đi đầu của đội ngũ những người có uy tín trong xã.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bình Liêu tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. |
Ông Hoàng Ngọc Hoa, người uy tín ở thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, là một trong những người uy tín của bản. Ông Hoa thường xuyên chủ động tuyên truyền cho người dân nêu cao cảnh giác, phát hiện, tố giác những trường hợp vi phạm các quy định nhập cảnh để đơn vị chức năng kịp thời xử lý; đồng thời tuyên truyền vận động người dân ăn ở hợp vệ sinh, tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Hoành Mô.
Từ sự chủ động, tích cực của ông Hoa, người dân thôn Đồng Cậm, trong đó đại đa số là người dân tộc Tày, Sán Chỉ nhận thức rất rõ hành vi, mức độ, tác hại của việc nhập cảnh trái phép, kiên quyết không để lọt những trường hợp lợi dụng địa hình để nhập cảnh trái phép vào thôn, hoặc qua thôn để đến các địa bàn khác. Đối với xây dựng nông thôn mới, thôn luôn đi đầu và gương mẫu trong công tác vệ sinh môi trường, trong phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Hoàng Ngọc Hoa cho biết, vốn là dân bản địa, sinh sống trên địa bàn từ nhiều năm qua, tôi hiểu rất rõ địa hình, địa thế cũng như từng hộ dân trong thôn. Cho nên, để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, tôi thường xuyên đến từng nhà để tuyên truyền về công tác vệ sinh môi trường, tuyên truyền người dân tham gia hiến đất làm đường và làm nhà văn hóa thôn.
Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức thường xuyên góp phần gắn kết tình đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu. |
Trong phát triển kinh tế ở địa phương, nhiều người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện còn mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi… Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, là tấm gương sáng để người dân trong vùng noi theo.
Thực tế cho thấy, những đóng góp về công sức, trí tuệ của người có uy tín trên địa bàn huyện không chỉ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số mà còn củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Họ thật sự là chỗ dựa tin cậy, là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, phong trào, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trong 2 năm 2019 và 2020, huyện Bình Liêu đã triển khai đầu tư 185 dự án, công trình, hạ tầng thiết yếu; triển khai 45 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng kinh phí 17.439,974 triệu đồng cho 1.161 hộ.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã đem lại hiệu quả rõ nét, từng bước thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại tồn tại lâu nay, người dân vươn lên làm giàu chính đáng.
Huyện Bình Liêu trao tặng Nhà đại đoàn kết cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn. |
Anh Trần Văn Thoòng, thôn Khe Lánh, xã Vô Ngại cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, nhờ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, cùng với sự vận động, tuyên truyền của các ban, ngành, gia đình tôi đã quyết tâm thoát nghèo, tập trung chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, gia đình đã đầu tư chăm sóc vườn cam, kết hợp nuôi gà theo mô hình gia trại. Đến nay, cho thu nhập ổn định”.
Đến cuối năm 2022, 11 thôn trên địa bàn huyện đủ điều kiện ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và hết năm 2023, theo chuẩn nghèo quốc gia, huyện Bình Liêu không còn hộ nghèo, chỉ còn 96 hộ cận nghèo. Theo chuẩn nghèo của tỉnh: Số hộ nghèo còn 69 hộ, bằng 0,89%, hộ cận nghèo còn 1.166 hộ, bằng 14,99%.
Bên cạnh đó, các chính sách tín dụng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng được huyện tích cực triển khai. Giai đoạn 2019-2022, huyện đã triển khai thực hiện chính sách tín dụng cho 5.644 hộ vay mới với tổng kinh phí 351.911 triệu đồng. Các chính sách tín dụng đã giúp cho nhiều hộ dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và bài trừ các hủ tục lạc hậu trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu luôn được quan tâm. |
Gia đình ông Vi Văn Thắng ở Thôn Ngàn Mèo Dưới, xã Lục Hồn trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã, kinh tế gia đình khó khăn. Nhờ sử dụng đúng mục đích, hiệu quả đồng vốn vay, cuộc sống gia đình ông được nâng lên từng ngày.
Ông Thắng chia sẻ: “Gia đình tôi được thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, với số tiền 50 triệu đồng, gia đình tôi đã mạnh dạn phát triển kinh tế rừng, kết hợp trồng ổi, nuôi gà, trừ các chi phí, thu nhập hằng năm được gần 200 triệu đồng. Nhờ chính sách vay vốn này mà gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác trên địa bàn đã thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống”.
Giao thông đi trước một bước
Thực hiện chủ trương “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, giai đoạn 2019-2024, huyện Bình Liêu đã huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, viễn thông, khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô- Đồng Văn, các tuyến điểm du lịch… với tổng vốn đầu tư 2.351.798,2 triệu đồng.
Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư hoàn thiện, 97 thôn, bản có đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa, từng bước giải quyết khó khăn về đi lại, sinh hoạt, sản xuất, giao lưu kinh tế, phát triển kinh tế-văn hóa xã hội cho đồng bào.
Năm 2020, huyện Bình Liêu hoàn thành các dự án, công trình hạ tầng thiết yếu thuộc Đề án 196, đưa vào sử dụng hệ thống đường giao thông kết nối 104 thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện.
Trong giai đoạn 2021-2025, huyện tiếp tục tập trung triển khai đầu tư các dự án khởi công mới, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm, động lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới và Nghị quyết số 06-NQ/TU nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Đời sống của đồng bào các dân tộc huyện Bình Liêu ngày càng được nâng cao, văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. |
Bà Chíu Nhì Múi, thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn chia sẻ: “Mấy năm gần đây, nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp đường đến tận thôn, bản, rừng sản xuất, bà con phấn khởi lắm. Con, cháu đi học yên tâm hơn, không còn lo lắng như trước nữa. Bà con vận chuyển vật liệu xây nhà cũng thuận tiện hơn, thương lái đến tận nơi để thu mua nông, lâm sản. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của bà con đã phát triển, ổn định hơn trước rất nhiều”.
Khi giao thông được kết nối, cùng với các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số đã chủ động chăm lo phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất và hiệu quả kinh tế cao như: hồi, quế, sở, thông mã vĩ, cá tầm, cá hồi… thực hiện các biện pháp chống hạn, phòng chống cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, giảm thiểu những thiệt hại do thời tiết và dịch bệnh gây ra.
Nhiều giống cây trồng vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt, nhiều mô hình sản xuất hàng hóa đã được đưa vào phổ biến, từng bước thay thế tập quán sản xuất lạc hậu, quảng canh, tạo sản phẩm nông nghiệp đặc trưng riêng có của huyện. Đã có nhiều sản phẩm OCOP truyền thống của địa phương đạt chất lượng cao, xếp hạng 3 sao trở lên.
Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Liêu Hoàng Xuân Tân cho biết: “Huyện đã huy động được 14.967,694 triệu đồng, 1.000 tấn xi-măng, 200.000 viên gạch, 24.000 viên ngói, sơn và các hình thức hỗ trợ công trình trực tiếp, ngày công lao động... từ đó, tạo ra phong trào rộng khắp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân phấn khởi hiến cây, hiến đất và các công trình trên đất để xây dựng nông thôn mới”.
Huyện Bình Liêu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. |
Anh Tằng Dảu Ngằn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Choòng, xã Hoành Mô phấn khởi chia sẻ: “Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi đã hiến hơn 1.000m2 đất lâm nghiệp. Tôi cũng tích cực vận động người dân trong thôn chung tay thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí, đóng góp chung vào thành công của xã, của huyện. Nhờ đó, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thôn được người dân hưởng ứng tích cực. Người dân đã tự động hiến gần 4.500m2 đất làm đường, vệ sinh môi trường được duy trì thường xuyên; người dân thay đổi suy nghĩ, tích cực xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; mạnh dạn vay vốn, đầu tư vào các mô hình kinh tế như trồng cây ăn quả, nuôi cá, trâu, bò…
Đến hết năm 2023, huyện Bình Liêu không còn nhà tạm, nhà dột nát, 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã Hoành Mô và Húc Động đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn Bình Liêu đạt chuẩn đô thị văn minh theo tiêu chí mới, huyện đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện miền núi, biên giới, dân tộc thiểu số đầu tiên trên toàn quốc đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh đó, huyện Bình Liêu đã chủ động phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện gắn với phát triển du lịch.
Giai đoạn 2019-2023, tổng lượt khách du lịch đến huyện đạt 432.715 lượt người, trong đó khách lưu trú ước đạt 130.157 lượt người; doanh thu các hoạt động liên quan du lịch ước đạt khoảng 207 tỷ 531 triệu đồng.
Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát huy thông qua việc duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ; các lễ hội; duy trì mặc trang phục dân tộc tại các cơ quan, trường học, lễ hội.
Đồng bào dân tộc xã Hoành Mô cùng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô giao lưu trong ngày Tết. |
Các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động được chú trọng; y tế, giáo dục được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; thế trận quốc phòng toàn dân và công tác xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tiếp tục được đẩy mạnh, tình hình trật tự an ninh trên tuyến biên giới, an ninh nông thôn, an ninh vùng dân tộc, an ninh nội bộ ổn định.
Diện mạo nông thôn, đô thị miền núi ngày càng đổi thay mạnh mẽ, chất lượng cuộc sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên, đây cũng chính là tiền đề, động lực để huyện miền núi Bình Liêu hướng đến xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh trong những năm tiếp theo.