Trước khi trở thành huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025, Bình Liêu là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh với hơn 96% dân tộc thiểu số sinh sống. Nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ý chí, nghị lực người dân, Bình Liêu đã thoát nghèo và trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi", huyện Bình Liêu đã tạo được phong trào sôi nổi do chính người dân tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Qua các phong trào, hàng trăm mét vuông đất đã được người dân hiến tặng để làm các công trình giao thông, nhà văn hóa; hàng trăm ngày công được các lực lượng quân đội, đoàn thể, cùng nhân dân đóng góp; hàng chục tỷ đồng được huy động để hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo, nhà tình nghĩa, xây mới nhà vệ sinh, đường bê-tông liên thôn, kênh mương nội đồng, tu sửa nhà văn hóa, trạm y tế.
Sau hơn 13 năm nỗ lực, huyện miền núi Bình Liêu đã có sự bứt phá ngoạn mục trong hành trình xây dựng nông thôn mới với thu nhập bình quân đầu người đạt 65,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều còn 0,84%; hệ thống hạ tầng giao thông cùng các thiết chế văn hóa mới dần được hoàn thiện đã góp phần kéo giảm khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, miền núi và đồng bằng và mở ra tương lai phát triển mới cho vùng đất này.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bình Liêu chia sẻ: Với đặc thù đồng bào dân tộc chiếm đại đa số, hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân trên địa bàn đã có nhiều thay đổi về nhận thức và tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Họ đã chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang thâm canh, chuyên canh, chủ động sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, đặc biệt đã mạnh dạn chuyển đổi sang các mô hình nông nghiệp đa dạng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể thấy rõ người dân vùng cao Bình Liêu đã từng bước thay đổi tư duy, nhận thức và chuyển hướng sang phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với bảo tồn văn hóa bản địa, kết hợp giữa du lịch với sản xuất nông nghiệp. Đến nay đã hình thành một số mô hình trồng cam, dâu tây, ổi… theo tiêu chuẩn VietGAP và đón khách du lịch vào trải nghiệm, bán sản phẩm tại chỗ. Đặc biệt là người dân đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook, sàn thương mại điện tử.
Anh Tằng Dảu Ngằn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Choòng, xã Hoành Mô bộc bạch: Vốn là một thôn giáp biên, Nà Choòng có đời sống kinh tế khó khăn, dân trí không cao. Được tuyên truyền, vận động, bà con nhân dân đã nhận thức được xây dựng nông thôn mới chính là "dân làm, dân hưởng thụ, lấy sức dân để lo cho dân", từ đó khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mạnh dạn hiến cây, hiến đất để xây dựng nông thôn mới, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả các loại cây có giá trị kinh tế cao, đời sống của người dân Nà Choòng ngày càng được nâng cao.
Mức thu nhập gần 70 triệu đồng/người/năm là "con số mơ ước" của người dân Bình Liêu hơn chục năm về trước. Nhớ lại thời điểm đó, Bình Liêu có 6 xã đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân chưa đến 10 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tỉnh, lên đến hơn 60%. Các nhóm tiêu chí cơ bản như quy hoạch, hạ tầng giao thông, trường học, các thiết chế cho y tế, nhà ở... đều rất thấp.
Xác định hạ tầng phải đi trước, tỉnh Quảng Ninh đã có những chính sách đặc thù, đặc biệt là Đề án 196. Từ chủ trương này mà các tuyến giao thông dần được đầu tư xây dựng mới để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội giao thương, tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và đời sống.
Bí thư Đảng ủy xã Húc Động Lài Thị Hiền chia sẻ: Các tuyến đường giao thông liên xã Húc Động-Đồng Văn, Cao Ba Lanh kết nối Quốc lộ 18C đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho người dân nơi đây. Giao thông thuận lợi đã giúp cho người dân phát triển kinh tế, đẩy mạnh giao thương, mở ra cơ hội phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.
Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết: Bình Liêu xây dựng nông thôn mới là một hành trình chỉ có điểm xuất phát, không có điểm kết thúc, phía trước cơ hội rất lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, huyện xác định chuyển dần từ lượng sang chất, để thực hiện thành công những chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh vùng dân tộc thiểu số; phấn đấu đến năm 2025 thu nhập của người dân trên địa bàn huyện bình quân đạt 100 triệu đồng/người/năm. Huyện miền núi, biên giới Bình Liêu đang quyết tâm khai thác lợi thế khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô để thúc đẩy những hoạt động thương mại biên giới - là động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Và đặc biệt, khai thác những tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, miền núi biên giới tươi đẹp và những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện để phát triển du lịch.
Bình Liêu đang từng ngày vươn mình trở thành vùng quê trù phú, yên bình, giàu bản sắc. Diện mạo mới, sức sống mới của huyện nông thôn mới đang hiện hữu thật rõ nét, sẽ tiếp tục là động lực, là niềm tin, kỳ vọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu không ngừng phấn đấu với ý chí, khát vọng vươn lên, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, thật sự trở thành phên giậu vững chắc vùng Đông Bắc Tổ quốc.