Bình Liêu thúc đẩy giáo dục "mũi nhọn"

Ngoài việc thực hiện tốt công tác giáo dục đại trà, những năm gần đây, huyện miền núi, biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) đã nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục, trong đó chú trọng và dành nhiều sự quan tâm đến công tác giáo dục mũi nhọn, mang lại những thành quả đáng khích lệ. Trong kỳ thi học sinh giỏi trung học cơ sở cấp tỉnh năm học 2023-2024, huyện Bình Liêu là địa phương có tỷ lệ học sinh đoạt giải và có điểm thi trung bình cao nhất trong toàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh ôn luyện cho các em trong Đội tuyển môn Hóa của Trường THCS thị trấn Bình Liêu.
Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh ôn luyện cho các em trong Đội tuyển môn Hóa của Trường THCS thị trấn Bình Liêu.

Để có được những kết quả rất đáng tự hào đối với một huyện miền núi, biên giới có đến hơn 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Bình Liêu đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp và thực hiện bốn khâu đột phá: Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; nâng cao chất lượng đầu vào các cấp học, nhất là chất lượng đầu vào lớp 10 trung học phổ thông; quan tâm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh; tập trung bồi dưỡng học sinh mũi nhọn, học sinh năng khiếu.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu chia sẻ, để có những thành tích này, ngoài những nỗ lực của ngành giáo dục, cũng phải kể đến sự đồng hành tích cực của cha mẹ học sinh. Nếu như vào thời điểm hơn 10 năm về trước, do nhận thức còn hạn chế, chưa nghĩ sâu, nhìn xa, cha mẹ học sinh thường đưa ra quan điểm học cao để làm gì, hoặc học chỉ để biết mặt cái chữ là được. Chính vì thế, nhiều em học sinh ở các xã vùng cao khi học lên trung học phổ thông là nghỉ học giữa chừng, ở nhà giúp bố mẹ đi rừng, làm ruộng. Các thầy, cô giáo phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến các thôn, bản vận động các em trở lại trường tiếp tục học tập.

Với mong muốn để cha mẹ có những suy nghĩ tích cực hơn với việc học của con mình, từ nhiều năm trước, ngành giáo dục huyện Bình Liêu tích cực vào cuộc xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện và thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.

Chị Hoàng Thị Pháp, ở thôn Bản Làng, xã Vô Ngại chia sẻ: Được tham gia lớp xóa mù chữ, từ đó, tôi đã thay đổi nhận thức và động viên con gái cố gắng học tập. Tôi rất tự hào vì con gái đang là sinh viên của Trường đại học Nội vụ Hà Nội. Chỉ mong sao cháu học thật tốt, sau này mang kiến thức được học về phục vụ quê hương, bản làng.

Những năm trước đây, nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện Bình Liêu vẫn còn tình trạng cha mẹ học sinh hầu hết đều không biết đọc, biết viết thì nay đã cơ bản được xóa mù chữ. Xuất phát từ quyết tâm và sự nỗ lực của ngành giáo dục, việc tổ chức mở các lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía cha mẹ học sinh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Liêu Hoàng Ngọc Ngò cho biết: Với phương châm đem "ánh sáng văn hóa" đến cho đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới, huyện Bình Liêu tiếp tục mở các lớp xóa mù chữ mức độ hai cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Húc Động, Vô Ngại và thị trấn Bình Liêu. Ngoài giảng dạy, các lớp học đều được kết hợp tuyên truyền về giáo dục pháp luật, chính sách, chuyển giao kỹ thuật trồng rừng và chăn nuôi.

Gặt hái những trái ngọt

Trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học cơ sở cấp tỉnh năm 2023-2024, huyện Bình Liêu có 52/84 thí sinh tham gia dự thi đoạt giải, đạt tỷ lệ 61,9%, cao nhất toàn tỉnh. Các em tham gia thi các môn: Toán học, Vật lý, Hóa học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh. Điều đáng mừng là trong số các em đoạt giải, đa phần là học sinh dân tộc thiểu số, có trường 100% học sinh đoạt giải là người dân tộc thiểu số.

Em Lô Thị Quỳnh Như, học sinh lớp 9A, Trường trung học cơ sở thị trấn Bình Liêu đoạt Giải nhất môn Hóa học chia sẻ: "Kết quả mà em đạt được là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của thầy, cô giáo nhà trường, nhất là về các điều kiện học, ôn luyện, thực hành để vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế".

Cô Nguyễn Thị Quỳnh giáo viên bộ môn Hóa học, người trực tiếp sát cánh giúp Quỳnh Như và đội tuyển môn Hóa trong suốt quá trình ôn luyện cho biết: "Sau khi được nhà trường phân công ôn tập, bồi dưỡng cho đội tuyển tham gia học sinh giỏi môn Hóa học, tôi và các thầy, cô trong đội tuyển đã đặt ra những mục tiêu, đưa ra kế hoạch ôn tập trong một thời gian dài. Trong suốt quá trình ôn tập, mặc dù gặp không ít khó khăn, song cô và trò luôn động viên nhau, vươn lên để đạt được các mục tiêu đề ra".

Trường trung học cơ sở thị trấn Bình Liêu là ngôi trường có thành tích cao nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi năm nay. Trường có 36 học sinh tham gia kỳ thi thì có 24 em đoạt giải, trong đó có 2 Giải nhất, 4 Giải nhì, 10 Giải ba và 8 Giải khuyến khích.

Với niềm đam mê và tình yêu đặc biệt dành cho bộ môn Lịch sử, em Phạm Thị Minh Anh, học sinh lớp 9A của nhà trường đã giành Giải nhất môn Lịch sử trong kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học cơ sở cấp tỉnh vừa qua. Năm 2023, Minh Anh cũng từng đoạt Giải nhì môn Lịch sử cấp tỉnh.

Lựa chọn môn học mà nhiều bạn e ngại này, Minh Anh chia sẻ: "Em luôn bị cuốn hút từ các bài giảng của cô giáo trên lớp. Với em, môn Lịch sử đã giúp em có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về đất nước Việt Nam với một bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước đồ sộ cho đến ngày hôm nay. Em rất tự hào về đất nước và con người Việt Nam".

Cô Hoàng Thị Niên, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Để giúp các em thêm yêu quê hương, đất nước, nhà trường thường xuyên tổ chức cho các em tham gia các lớp trải nghiệm, đi thăm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Các em chào cờ ở cột mốc biên cương và đến thăm các ngôi nhà cổ của người Tày ở xã Hoành Mô. Ngoài ra, các em còn được đi thăm lăng Bác, thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nhà thầy giáo Chu Văn An (Hà Nội). Qua các buổi trải nghiệm đó, các em thấy thêm yêu quê hương, đất nước và nỗ lực học tập hơn.

Xuất phát từ việc tập trung đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học của học sinh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và giáo dục thông minh, ngành giáo dục huyện Bình Liêu đã có bước đi đúng hướng, tạo nên sự thay đổi căn bản về chất lượng đào tạo, nhất là trong lĩnh vực đào tạo mũi nhọn.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu Vi Tiến Vượng cho biết: "Được sự quan tâm của tỉnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy, chúng tôi rất vui mừng. Đây sẽ là động lực to lớn giúp cho giáo viên và học sinh của huyện được dạy và học trong môi trường giáo dục tiên tiến, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, thu hẹp khoảng cách với giáo dục miền xuôi và thành thị, tạo được sự yên tâm, tin tưởng của nhân dân trên địa bàn".