Bài 2: Xây dựng vùng nguyên liệu gắn với quảng bá thương hiệu

Nâng cao chất lượng sản phẩm chè

Nhiều địa phương vùng trung du và miền núi phía bắc đang khuyến khích, vận động nhân dân sản xuất theo hướng liên kết và xây dựng thương hiệu. Bởi khi cây chè khẳng định được thương hiệu và có liên kết, người sản xuất sẽ tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, giá bán ổn định và cao hơn, từ đó nâng cao giá trị loại cây trồng này.

0:00 / 0:00
0:00
Nâng cao chất lượng sản phẩm chè

Tính riêng tám tỉnh trồng chè trọng điểm trong vùng, có 836 cơ sở lớn nhỏ tham gia chế biến chè, gồm 637 xưởng chế biến chè thủ công, bán cơ giới và 199 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp. Trong đó, Thái Nguyên và Hà Giang là hai địa phương có số lượng cơ sở chế biến nhiều nhất.

Thúc đẩy liên kết sản xuất

Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc cho rằng, những năm gần đây các hoạt động liên kết giữa vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến đã được quan tâm xây dựng tại nhiều địa phương. Trong đó, tỉnh Lai Châu, có khoảng 64% diện tích chè thực hiện theo các hợp đồng liên kết tiêu thụ nguyên liệu với doanh nghiệp, hợp tác xã; tỉnh Hà Giang có hơn 60 cơ sở chế biến, doanh nghiệp, hợp tác xã được phân vùng nguyên liệu và hình thành mối liên kết với gần 10 nghìn hộ trồng riêng lẻ để sản xuất, chế biến ra các sản phẩm chè hữu cơ…; Sơn La có khoảng 400 ha chè được sản xuất theo các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm; Thái Nguyên với 186 chuỗi liên kết sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm với diện tích liên kết khoảng 10% diện tích chè kinh doanh…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, đến nay tỉnh đã xây dựng được vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi với diện tích hơn 22.200 ha, sản lượng đạt hơn 260.000 tấn/năm, giá trị sản phẩm trà sau chế biến đạt 10.400 tỷ đồng. Xác định chất lượng là yếu tố quan trọng giúp bảo đảm tiêu thụ và tạo ra giá trị thương hiệu của sản phẩm, vì vậy, tỉnh hướng đến phát triển vùng nguyên liệu gắn với thương hiệu trà Thái Nguyên.

Tỉnh chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, chế biến chè an toàn, chất lượng; chuyển đổi số để quản lý, truy xuất nguồn gốc và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, diện tích trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận đạt 4.368 ha. Tại những vùng chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, người dân được tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn xây dựng, thiết lập, đề nghị cấp mã số vùng trồng.

Đến nay, có 30 vùng trồng chè được gắn mã số vùng trồng và được định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để theo dõi truy xuất nguồn gốc, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích người trồng đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chè trong tỉnh đã quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu, thị trường, liên kết các hộ trong vùng để sản xuất đa dạng sản phẩm chè chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mặt khác, tỉnh chú trọng xây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên trở thành thương hiệu mạnh, thông qua quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ chè ra thế giới.

Tỉnh Tuyên Quang hiện có sáu làng nghề sản xuất, chế biến chè, trong đó làng nghề chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao cho người dân. Ông Phạm Văn Đáng, thôn Vĩnh Tân cho biết: “Gia đình tôi đang trồng 1 ha chè, mỗi lứa tùy từng giống, thời tiết thì khoảng 25 đến 32 ngày được thu hái. Vào thời điểm thu hoạch rộ, mỗi tháng có thể sản xuất được 400 kg chè khô, trừ chi phí gia đình thu lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng”.

Cùng với việc vận động người dân trồng chè sạch, huyện vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Đến nay, sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhờ đó, cây chè Shan từ cây rừng hoang nay đã cho người dân nơi đây thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/ha/năm, trở thành một trong những sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Na Hang Tô Viết Hiệp

Trong khi đó, diện tích chè của Phú Thọ là 14,7 nghìn ha, tỉnh đã thực hiện cấp 26 mã số vùng trồng nội địa với 1.726,2 ha. Nhằm phát triển bền vững cây chè, tỉnh đang đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại làm đầu tàu, dẫn dắt các hộ dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện trên địa bàn có diện tích tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè khoảng 5.000 ha với sản lượng khoảng 12 đến 15 nghìn tấn/năm.

Đa dạng hóa sản phẩm

Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc cho rằng, về cơ bản, sản xuất chè vùng trung du và miền núi phía bắc còn manh mún và nhỏ lẻ, bình quân khoảng 0,2 ha/hộ, chiếm gần 65% về diện tích. Do đó, các địa phương khó áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất và tạo ra sản phẩm có mẫu mã đồng đều, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến còn hạn chế.

Ngoài ra, mặc dù khu vực này có nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè được thành lập mới, nhưng việc đầu tư vùng nguyên liệu không được mở rộng cho nên thiếu nguyên liệu, sản xuất chỉ đạt 60 đến 70% công suất, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, không kiểm soát được chất lượng chè. Hơn nữa, diện tích áp dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP, hữu cơ...) còn thấp.

Theo thống kê, chè VietGAP, hữu cơ... tại tám tỉnh trồng chè trọng điểm mới chiếm 22,47% tổng diện tích. Đây là con số rất khiêm tốn so với quy mô trồng, vì vậy chưa bắt kịp với xu thế sản xuất và yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, phần lớn các hộ trồng chè chưa quan tâm đầu tư thâm canh chăm sóc; việc tiếp nhận và thực hành các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt còn gặp nhiều khó khăn…

Để phát triển cây chè ở vùng trung du và miền núi phía bắc, thời gian tới các địa phương và người dân cần kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất chè gắn với hoạt động du lịch ngắm cảnh, trải nghiệm tại những nơi có lợi thế phát triển; khuyến khích và tạo điều kiện tập trung đất đai hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chè thông qua chuyển đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới; xây dựng vùng nguyên liệu chè an toàn, hữu cơ gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chế biến và theo định hướng cũng như yêu cầu thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần đổi mới thiết bị, công nghệ, tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm; ứng dụng, chuyển đổi số trong quản lý các hoạt động từ sản xuất, chế biến, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa thông tin sản phẩm tạo niềm tin đối với khách hàng...

Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè với sản lượng hằng năm chiếm 70 đến 80% tổng sản lượng tạo ra. Thế nhưng, giá chè xuất khẩu chỉ bằng 60 đến 70% so với giá chè xuất khẩu trung bình của thế giới.

Bài 1: Vùng trồng gắn với du lịch