Ðáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thúc đẩy xu thế sản xuất mới, tỉnh xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ và mang lại giá trị về nhiều mặt.
Phương thức sản xuất mới
Những năm gần đây, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, đặt ra yêu cầu thực phẩm hằng ngày phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðáp ứng đòi hỏi đó, sản phẩm trà-thức uống hằng ngày của người dân ngày càng được nâng cao về chất lượng. Ðể phục vụ nhu cầu của thị trường, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện các mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Trong đó các mô hình được thực hiện trên diện tích 59 ha với sự tham gia của sáu hợp tác xã và tổ hợp tác (gần 200 hộ dân) ở hầu hết các vùng sản xuất chè trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Là phương thức sản xuất mới, đòi hỏi khắt khe về quy trình kỹ thuật, phương pháp, cách thức sản xuất cho nên ban đầu các hộ tham gia sản xuất chè hữu cơ còn lúng túng. Ông Nguyễn Văn Tuân, đại diện Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ Tân Sơn với 27 hộ gia đình ở xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Ðại Từ chia sẻ: Khi mới bắt tay vào sản xuất chè hữu cơ, các thành viên tổ hợp tác khá ngại thay đổi so với phương thức sản xuất thông thường... “Nhờ được tập huấn quy trình, kỹ thuật, được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, người dân kiên trì áp dụng cho nên sau gần hai năm thực hiện, mô hình đã thành công, và đến tháng 10/2022 chúng tôi có 6 ha được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ”, ông Tuân phấn khởi cho hay.
Kết quả thu được khi triển khai mô hình sản xuất chè hữu cơ là năm 2021, Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ Tân Sơn đạt doanh thu cao hơn 45 triệu đồng/ha, năm 2022 thu cao hơn 58 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường; giá trị sản phẩm chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tăng từ 15-37% so với sản xuất đại trà.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên Hà Trọng Tuấn cho biết: Thời gian đầu chuyển sang sản xuất hữu cơ cho nên cây chè chưa thích nghi với phân bón hữu cơ, dẫn đến năng suất giảm. Tuy nhiên, nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, cây chè phục hồi trở lại và phát triển bình thường, năng suất trung bình tăng gần 400 kg chè tươi/ha, giá bán chè búp tươi cao hơn từ 20-50 nghìn đồng/kg...”.
Mô hình đa giá trị
Bà Ðào Thị Thoi, người đại diện Hợp tác xã Trà Tuất Thoi ở xóm Chính Phú, xã Phú Xuyên, huyện Ðại Từ cho rằng, việc sản xuất chè hữu cơ không những mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường mà còn mang lại nhiều giá trị khác. Sau khi đạt tiêu chuẩn hữu cơ, sản phẩm của hầu hết các hợp tác xã, tổ hợp tác đều có đầu ra ổn định, liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trà có uy tín.
Cụ thể, Hợp tác xã Chè Khe Cốc 2 (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương) liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH FOOD để xuất khẩu sang Cộng hòa Séc; Hợp tác xã Trà Tuất Thoi liên kết tiêu thụ sản phẩm với Hợp tác xã Trà La Bằng; Tổ hợp tác chè hữu cơ La Cút (xã La Bằng, huyện Ðại Từ) ký kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần chè Hà Thái...
Quy trình sản xuất hữu cơ sẽ giúp hệ sinh thái nương chè thay đổi rõ rệt, môi trường sản xuất và môi trường sống trong lành; cây chè khỏe, sinh trưởng tốt, năng suất ổn định, sản phẩm sạch; qua đó, nâng cao sức khỏe cho chính người lao động, sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội thông qua quá trình canh tác an toàn, thân thiện môi trường.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, Hà Trọng Tuấn
Từ thành công của sáu mô hình đầu tiên với gần 60 ha chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hiện nay Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang triển khai tiếp bảy mô hình sản xuất chè hữu cơ diện tích 40 ha với sự tham gia của bảy hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Ðây là những nhân tố thúc đẩy, lan tỏa phương thức sản xuất mới - sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.