Ba cây chụm lại
Về Hùng Sơn, một xã miền núi nằm ở tả ngạn Sông Lam của huyện miền núi Anh Sơn, chúng tôi thấy vui vì màu xanh bạt ngàn của những đồi chè và bãi mía dọc theo triền sông. Không chỉ có chè, mía, mà với lợi thế vùng đồi, Hùng Sơn còn phát triển vùng sắn, vùng keo nguyên liệu.
Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn Võ Văn Hiền cho biết: Vốn là vùng đất khó, xa thị tứ, đi lại cách trở nhưng Đảng bộ vẫn kiên trì chỉ đạo người dân phát huy lợi thế vùng đồi bát úp để phát triển các cây nguyên liệu. Đặc biệt, kể từ khi huyện Anh Sơn triển khai Đề án phát triển cây chè, cây mía, cây sắn giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án) đã giúp người dân vững tin hơn trong tập trung phát triển vùng cây nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn. Sau 20 năm gây dựng, Hùng Sơn trở thành vựa chè của huyện Anh Sơn và của Nghệ An với hơn 600ha chè LDP1.
“Sau hơn hai năm thực hiện Đề án, với cách chỉ đạo quyết liệt, bài bản, huyện đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc, chỉ đạo người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào các khâu sản xuất… cho nên diện tích, năng suất, sản lượng các cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn đều tăng lên. Từ đầu năm 2022 đến nay, diện tích cây sắn tăng 29,6%, cây mía tăng 11%, cây chè tăng 5% so với cùng kỳ”, ông Võ Văn Hiền, khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Thuận ở thôn Quang Tiến, cho biết: Gia đình trồng 3ha chè, tuy đầu tư không lớn, nhưng thu hoạch quanh năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa và một số cây trồng khác. Mặc dù giá chè có lúc lên xuống theo thị trường nhưng chưa bao giờ phải giải cứu. Nhờ phát triển các cây nguyên liệu mà người dân Hùng Sơn có điều kiện tăng thêm thu nhập, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới. Từ một xã nghèo, nay Hùng Sơn đã trở thành xã khá của huyện Anh Sơn, tạo đà cho đơn vị tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Tại xã Bình Sơn, sau khi tập trung chỉ đạo rà soát quỹ đất, đánh giá hiệu quả diện tích đất trồng cây khác hiệu quả thấp, cho nên từ diện tích 120ha mía, xã đã chuyển đổi, luân canh cây trồng, thực hiện trồng gần 170ha mía. Nhờ phát triển vùng nguyên liệu mía rộng lớn đã tạo sự đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích cho người dân địa phương.
Gắn vùng sản xuất với chế biến và tiêu thụ
Với lợi thế đất đai vùng trung du, thuận lợi cho phát triển các vùng cây nguyên liệu cho nên huyện Anh Sơn đã thu hút được nguồn lực đầu tư vào các nhà máy chế biến hiện đại, tạo thương hiệu mạnh trong tiêu thụ sản phẩm. Hiện, toàn huyện có trên 2.500ha chè, trong đó, hơn 2.080ha chè kinh doanh là điều kiện quan trọng để các đơn vị chế biến chè sản xuất ổn định cũng như nâng cao giá trị thương hiệu chè Anh Sơn.
Công ty cổ phần Mía đường Sông Lam ở xã Định Sơn đã khai thác hiệu quả vùng đất chuyên canh cây mía ở dọc theo sông Lam với diện tích gần 1.300ha mía để sản xuất đường. Gần đây, Công ty còn đầu tư 127 tỷ đồng xây dựng Nhà máy chế biến chè hiện đại, công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm, bao gồm nhiều sản phẩm chè chất lượng cao như chè xanh, chè đen CTC, chè Tencha...
Mỗi năm, nhà máy tiêu thụ khoảng 24 nghìn tấn chè tươi cho nông dân. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Anh Sơn còn có nhiều xưởng chế biến chè khác, sản xuất các sản phẩm chè đều đạt thương hiệu OCOP 3, 4 sao có uy tín trên thị trường.
Là doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến tinh bột sắn cho nên khi đầu tư xây dựng nhà máy tại huyện Anh Sơn, Công ty cổ phần Á Châu Hoa Sơn tập trung phát triển vùng nguyên liệu thông qua liên kết chặt chẽ với người dân thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, như: Chuyển giao kỹ thuật, đầu tư giống mới, bao tiêu 100% sản phẩm…
Để đáp ứng nhu cầu chế biến, doanh nghiệp này đã đầu tư vùng nguyên liệu gần 4.800ha ở Anh Sơn và các huyện miền núi lân cận cùng một diện tích khá lớn khác ở nước bạn Lào. Hằng năm công ty sản xuất khoảng 44 nghìn tấn tinh bột. Giữa năm 2021, công ty tiếp tục đầu tư và đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất sản phẩm đường lỏng glucose hiện đại với tổng mức đầu tư hơn 15 triệu USD…
Ngoài các nhà máy chế biến các loại cây trồng chủ lực trên, hiện tại Khu công nghiệp Tri Lễ ở xã Khai Sơn (Anh Sơn), Công ty TNHH Thanh Thành Đạt đầu tư Nhà máy chế biến gỗ MDF với tổng mức hơn 2.800 tỷ đồng. Dự kiến, cuối năm 2025, nhà máy sẽ hoàn thành đi vào hoạt động, sản xuất mỗi năm 360.000 m3 gỗ MDF, HDF. Khi đi vào hoạt động, nhà máy chế biến gỗ này sẽ hút toàn bộ vùng nguyên liệu keo ở Anh Sơn và các huyện miền núi dọc Quốc lộ 7, dọc đường Hồ Chí Minh với diện tích lên đến hàng chục nghìn héc-ta.
Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn Hoàng Quyền cho biết: Với việc thành công trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển những vùng nguyên liệu cây chủ lực, đã giúp cho huyện Anh Sơn thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nền nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, giá trị gia tăng và gắn kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Qua đó, đã giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.