Cây chè làm... du lịch

Không trường lớp đào tạo, không kỹ năng nghiệp vụ, gắn bó với cây chè, người nông dân trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) vừa sản xuất, vừa là hướng dẫn viên du lịch. Mô hình kinh tế kép - du lịch gắn liền nông nghiệp đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, song vẫn tồn tại những hạn chế chưa được khắc phục.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách check-in tại đồi chè với trang phục truyền thống của người H’Mông.
Du khách check-in tại đồi chè với trang phục truyền thống của người H’Mông.

Thu nhập “thay da đổi thịt”

Huyện Mộc Châu nổi tiếng với những đồi chè bao la bát ngát. Không chỉ là cây công nghiệp lâu năm cho sản lượng cao, chè còn tạo cảnh quan, góp phần phát triển du lịch sinh thái. Lớn lên cùng cây chè, chị Phan Thị Hoa (45 tuổi), người làm chè tại Đội chè 66, chi nhánh Vinatea Mộc Châu, nhận thấy rõ sự thay đổi của quê hương nói chung và sản xuất chè nói riêng khi du lịch phát triển. “Làm chè nghèo lắm, có khi không đủ ăn. Giá thu mua thấp, có thời điểm nhiều hộ bán chè chuyển qua làm nghề khác. Đường đất, bùn lầy khó đi lại. Thưa người, đi mãi mới có một nhà. Ngày trước là thế, bây giờ thì khác hoàn toàn. Khách du lịch ghé thăm nhiều, chè có giá hơn, nhiều gia đình tận dụng lợi thế đồi chè làm dịch vụ du lịch. Kinh tế khá giả hơn trông thấy, con cái cũng nhờ thế mà được học hành đến nơi đến chốn”, chị chia sẻ.

Du lịch “thổi” một nguồn sống mới tới cuộc sống của người nông dân gắn bó cả đời với những búp chè xanh. Ngót nghét 10 năm làm du lịch, ông Nguyễn Văn Tài (62 tuổi), chủ một ki-ốt tại khu du lịch Làng chè 69 (thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu), hiểu rõ từng giai đoạn phát triển của du lịch - nông nghiệp tại vùng đất cao nguyên này. Trước kia, ông Tài vừa thu hái, vừa làm công nhân tại nhà máy sản xuất chè, đây là thu nhập chính của gia đình: “Không nghèo, không giàu, chỉ đủ ăn thôi, có nhiều lúc cũng khó khăn lắm”, ông kể lại. Tận dụng địa hình đồi tương đối bằng phẳng, lại có một khoảng đất trống hướng ra mặt đường, gia đình ông cùng một số hộ khác có đồi chè quanh đó mở bán nước: “Sơ khai thôi, tầm 6, 7 năm trước, dân có chè quanh đây chẳng ai rủ ai mở bán trà đá. Mới đầu chỉ đơn giản là chỗ để người đi làm về trời nắng nóng uống cốc nước giải khát, chỗ các ông già uống chén trà, hút điếu thuốc lào. Dần dần bọn trẻ tới tụ tập, khách du lịch tới nhiều, cứ thế phát triển dần dần”, ông Tài chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Tài, năm 2018, chi nhánh Vinatea Mộc Châu triển khai đề án phát triển du lịch làng chè Mộc Châu. Các hộ làm du lịch được công ty hỗ trợ về cơ sở vật chất (xây ki-ốt, mái che…), chia lợi nhuận từ việc giới thiệu và bày bán các sản phẩm chè Mộc Châu cho khách du lịch. Điều này giúp những người nông dân - hướng dẫn viên “nghiệp dư” như ông Tài có cơ hội, điều kiện làm kinh tế hơn.

Cách đó không xa, khu du lịch Đồi chè trái tim Mộc Châu của gia đình ông Hoàng Đức Kế (63 tuổi), tại tiểu khu S89, thị trấn Nông trường Mộc Châu, các đoàn du khách tấp nập ra vào dù mới đi vào hoạt động hơn một năm trước. Khác với mô hình du lịch có quản lý của Vinatea Mộc Châu như gia đình ông Tài, đồi chè du lịch của ông Kế theo hình thức tư nhân. Xuất phát từ sự gắn bó và yêu mến cây chè cùng mảnh đất cao nguyên, ông Kế ấp ủ kế hoạch làm du lịch chè từ lâu. Ông tâm sự: “Tôi sống ở đây hơn 40 năm rồi. Đồi chè là tình yêu của tôi với cây chè và Mộc Châu. Mảnh đất này nuôi dưỡng tôi, tạo cho tôi công ăn việc làm. Nông nghiệp đi đôi với du lịch không những đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn đem lại niềm vui cho du khách ghé chơi và cả chính tôi”. Ông Kế cho biết thêm, ngoài tham quan chụp ảnh, lá chè sẽ được thu hái đúng vụ, chế biến và bán cho khách du lịch.

Gắn du lịch với nông nghiệp còn mở ra nhiều loại hình kinh doanh và cơ hội việc làm. Từ xuất phát điểm này, gia đình ông Tài, ông Kế và nhiều gia đình khác kết hợp kinh doanh nhà nghỉ, nhà hàng ăn, dịch vụ vận chuyển…

Cùng gia đình tới tham quan Đồi chè trái tim Mộc Châu (tiểu khu S89, thị trấn Nông trường Mộc Châu), anh Nguyễn Ngọc Tiến (34 tuổi), sinh sống tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, bất ngờ trước sự phát triển của quê hương sau nhiều năm đi xa làm ăn. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, anh Tiến có nhiều kỷ niệm với cây chè: “Trước kia quanh đây không có nhà cũng chẳng có đường nhựa đẹp thế này. Giờ khang trang, mới mẻ hơn nhưng vẫn giữ được nét đẹp vốn có của cánh đồng chè. Tôi dẫn bọn trẻ con trong nhà tới tham quan, vừa có trải nghiệm thực tế vừa để chúng biết lá chè nuôi bố mẹ chúng lớn thế nào”, anh bộc bạch.

Cây chè làm... du lịch ảnh 1

“Lỗ hổng” chưa được lấp

Không riêng chè Mộc Châu, mô hình du lịch - nông nghiệp là xu hướng phát triển chung của các vùng trồng chè khác trên cả nước. Điều này là cơ hội để đồi chè Mộc Châu phát huy lợi thế về cảnh quan của mình song cũng là thách thức lớn đối với mảnh đất du lịch non trẻ này.

Muốn du lịch phát triển, truyền thông là một yếu tố không thể thiếu, nhất là trong thời đại công nghệ số hiện nay. Khu du lịch Đồi chè trái tim Mộc Châu của ông Hoàng Đức Kế chưa có kế hoạch quảng bá: “Gia đình tôi tự phát, kinh nghiệm bằng không. Tôi là người nông dân, chỉ biết trồng cây và chăn nuôi thôi. Khách tới đông như bây giờ là nhờ họ truyền tai nhau, người này đến thấy đẹp thì mách lại cho người khác”, ông cho biết.

“Người dân địa phương là một đại sứ du lịch đem những gì đặc sắc nhất của địa phương mình giới thiệu đến du khách gần xa”, hướng dẫn viên du lịch, người phát triển nội dung về du lịch Mộc Châu Nguyễn Đức Linh.

Không khác gia đình ông Kế, ki-ốt du lịch tại Làng chè 69 của ông Nguyễn Văn Tài có quảng bá nhưng hiệu quả chưa cao. Mấy năm gần đây, chị Nguyễn Thúy Hằng (30 tuổi), con gái ông Tài, thường xuyên đăng tải các bài viết về du lịch đồi chè lên mạng xã hội, các hội nhóm giới thiệu du lịch Mộc Châu. Nhờ đó mà “kéo” được thêm khách, đặc biệt là các bạn trẻ, nhưng không nhiều. “Mình cập nhật mạng xã hội thường xuyên, đăng tải các hình ảnh, bài viết về du lịch trong các nhóm du lịch. Nhiều khi tư vấn chuyến đi, điểm đến, đặt xe hộ khách luôn. Đăng bài thế này thì thu hút được nhiều nhóm khách hơn, nhất là các bạn trẻ nhưng không nhiều”, chị chia sẻ.

Sinh ra và lớn lên trong những búp chè xanh mướt, anh Nguyễn Đức Linh (28 tuổi), hướng dẫn viên du lịch, người sáng tạo nội dung về du lịch Mộc Châu cho rằng: “Du lịch Mộc Châu mới phát triển nên còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở nhận thức của người dân địa phương, tuyên truyền quảng bá và định hướng cho người dân làm du lịch - nông nghiệp còn yếu”.

Ngày càng nhiều các mô hình du lịch - nông nghiệp ra đời. Ngoài đồi chè, rừng thông, thung lũng hoa, các vườn cây ăn quả… là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Được đánh giá là nét đặc trưng của xứ Mộc, thế nhưng du lịch chè chưa thật sự đổi mới trước sự phát triển như vũ bão trong mặt bằng chung của du lịch Mộc Châu. Đôi bạn Thu Thảo - Nguyễn Hiếu (28 tuổi), du khách tới Đồi chè trái tim Mộc Châu cho hay: “Mình thấy giá cả hợp lý, người dân Mộc Châu nhiệt tình và thân thiện, phong cảnh đẹp hơn so với hình ảnh mình xem trên mạng nhưng đồi chè chưa có gì nổi bật. Trên thang điểm 10 thì mình đánh giá 7 điểm”, Hiếu nói.