Từ năm 2015 trở về trước, gần 400 hộ ở 8 thôn trong xã Hán Đà vẫn sản xuất sản phẩm chè theo quy trình canh tác không bảo đảm an toàn dẫn đến sản phẩm chè tươi, chè xanh khô của người dân sản xuất ra tiêu thụ chậm, giá thấp. Nhiều hộ đã chặt bỏ cây chè để trồng các loại cây ăn quả có múi khiến cho diện tích chè của xã giảm từ hơn 200 ha xuống còn hơn 160 ha.
Trước thực trạng này, Đảng ủy, chính quyền xã giao Hội Cựu Chiến binh cùng Hội Nông dân xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi phương thức canh tác chè theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu "Chè xanh Hán Đà”, lấy lại chữ tín với khách hàng. Không để người dân lao vào vòng luẩn quẩn "trồng rồi lại chặt”, đời sống ngày càng khó khăn hơn, ông Trần Tường- Chủ tịch Cựu chiến binh xã Hán Đà cùng các hội viên quyết tâm thay đổi phương thức canh tác cũ không phù hợp của bà con trồng chè.
Ông Tường chia sẻ: “Trước thực trạng các sản phẩm chè tươi, chè khô của người dân sản xuất ra không tiêu thụ được do chất lượng không đảm bảo. Năm 2015, sau khi thành lập Hợp tác xã Dịch vụ và Chăn nuôi tổng hợp Hán Đà (chủ yếu các thành viên là cựu chiến binh), tôi cùng với anh em về 8 thôn trong xã, tuyên truyền, vận động hội viên và các hộ dân thay đổi phương thức thâm canh. Sản xuất các sản phẩm chè theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP từ các khâu: tưới nước, phân bón, hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn thực phẩm, môi trường và an toàn cho người lao động và chỉ được thu hái chè sau khi phun đảm bảo thời gian theo quy định”.
Sau hơn 2 năm tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và các hộ trồng chè chuyển đổi phương thức sang sản xuất chè VietGAP, năm 2017 Hội Cựu chiến binh xã quyết định đổi tên mới thành Hợp tác xã Cựu chiến binh Hán Đà, để có cơ sở pháp lý xây dựng thương hiệu "Chè xanh Hán Đà”.
Tham gia mô hình chè VietGAP, bà con được các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh mở các lớp tập huấn sản xuất chè VietGAP, nhờ đó giúp năng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm tiêu thụ tốt hơn, giá cao hơn và nhất là bảo vệ sức khỏe cho người lao động và khách hàng. Năm 2020, Hội Cựu chiến binh Hán Đà đã có 139 hộ hội viên tham gia mô hình sản xuất chè VietGAP với tổng diện tích 72 ha.
“Hợp tác xã đã đầu tư lò đốt khí hóa sinh khối, thay thế cách sao chè kiểu cũ. Sản phẩm làm ra đủ vị đậm, chát, ngọt được khách hàng ưa thích. Chúng tôi mua thêm máy sao chè, thu mua chè búp tươi để sản xuất chè xanh, xây thương hiệu "Chè xanh Hán Đà” được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Chè xanh Hán Đà” và được Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao”, ông Tường cho biết thêm.
Ông Trần Tường (đứng giữa) giới thiệu sản phẩm chè Hán Đà với khách hàng. |
Hiện, xã Hán Đà có 400 hộ làm nghề chè với diện tích hơn 160ha, chủ yếu là giống chè DPH2 và DPH1, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 2.000 tấn/năm; trong đó, 72 ha chè sản xuất theo quy trình VietGAP đạt hơn 100 tấn chè khô/năm. Năm 2023, Hợp tác xã thu mua hơn 2 tấn chè của hội viên và các hộ sản xuất chè VietGAP, đóng gói sản phẩm nhãn hiệu "Chè xanh Hàn Đà” xuất bán ra thị trường với giá thành 300.000 đồng/kg
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Bình Nguyễn Xuân Trường khẳng định, việc sản phẩm chè xanh Hán Đà đạt tiêu chuẩn chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, có công lớn của ông Trần Tường - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Qua đó góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người trồng chè, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất nguyên liệu với cơ sở chế biến.