Để chè Việt vươn xa

Việt Nam hiện đứng thứ năm về diện tích trồng chè và thứ sáu trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới. Hiện Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, với tổng diện tích lên đến 130 nghìn ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi/năm, quy ra sản lượng chè khô đạt 196 nghìn tấn (năm 2022). Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là các thị trường như Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia...
0:00 / 0:00
0:00
Để chè Việt vươn xa

Giá trong nước cao gấp ba xuất khẩu

Theo báo cáo của Hiệp hội Chè Việt Nam, diện tích trồng chè lớn tập trung chủ yếu ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc, sau đó rải rác ở các khu vực như Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn là Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha). Hiện nay, Việt nam có đa dạng giống chè, theo thống kê có đến 170 giống chè các loại bảo đảm chất lượng và cho năng suất cao.

Tổng giá trị sản phẩm chè năm 2022 ước tính 12.600 tỷ đồng, tương đương với 552 triệu USD. Trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD; Chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng - tương đương với 325 triệu USD.

Như vậy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn, do tiêu thụ trong nước chủ yếu là các loại chè đặc sản đóng gói. Trong khi giá xuất khẩu chè bình quân của nước ta chỉ đạt 1,65 USD/kg, thì khả năng tiêu thụ chè trong nước ở mức ổn định là 45.000 tấn với giá bán ra thị trường bình quân là 150.000 đồng/kg. Những sản phẩm trà đặc sản có thương hiệu, đạt được giá bán rất cao, từ 200.000 đến 1 triệu đồng/kg.

Ngành chè đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống người dân miền núi, giúp họ xóa nghèo, cải thiện được kinh tế gia đình và cả góp phần to lớn trong việc cải thiện kinh tế ở nhiều địa phương.

Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng chủ yếu vẫn là xuất khẩu đến các thị trường ngoài nước dễ tính như Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia... Với các thị trường khó tính như Mỹ, EU... thì ngành chè Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận bởi chè Việt Nam phần lớn chưa đạt được những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Tập trung nâng cao chất lượng chè

Theo ông Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, tuy có những thành tựu vượt bật trong phát triển về canh tác sản xuất chè nhưng hiện nay, ngành chè đang tồn tại nhiều khó khăn. Trước hết, quy mô sản xuất chè còn nhỏ lẻ, ước tính bình quân khoảng 0,2 ha/hộ nên rất khó khăn trong việc tiếp cận với các thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại và chứng nhận chè an toàn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất chè Việt Nam còn hạn chế, chè có tưới mới chỉ chiếm lượng nhỏ khoảng 7% diện tích đất trồng chè cả nước cho nên chưa phát huy được tiềm năng của các giống chè mới (chiếm đến 54% diện tích cả nước).

Chất lượng chè Việt Nam và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đạt tiêu chuẩn (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của ngành chè dẫn đến chưa đáp ứng được các yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu của các nước phát triển trong khi các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chè (MRL) tại thị trường EU, Mỹ và Nga thì càng ngày càng nghiêm ngặt hơn. Ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, Giám đốc Điều hành Ecolink cho hay: Năm 2008, khi sang châu Âu, chè Việt Nam không có tiếng tốt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Các đối tác lần đầu làm với chúng tôi cũng đều kiểm tra rất kỹ, dẫn đến doanh nghiệp phải tốn kém nhiều trong khâu xét nghiệm. Chúng tôi nhận ra rằng chè ở vùng sâu vùng xa thì đạt chất lượng tốt. Thí dụ như chè shan tuyết ở Hà Giang, chè shan tuyết ở Tà Xùa (Sơn La) khi xuất khẩu dễ dàng vượt qua được tiêu chuẩn khe khắt ở EU, và bán được với giá cao lên đến 4.000- 4.500 USD/tấn, trong khi chè thông thường thu mua từ vùng trồng chè Thái Nguyên chỉ xuất khẩu được với giá 1.600-1.800 USD/tấn.

Để chè Việt vươn xa ảnh 1

Đồi chè Tuyên Quang. Ảnh | Duy Hùng

Sở dĩ chè ở vùng sâu, vùng xa trên núi cao chinh phục được khách hàng khó tính, phần vì đó là chè hái từ cây chè shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Mặt khác ở những khu vực núi cao, nông dân không bón phân vô cơ, không phun thuốc hóa học, nên dễ dàng đạt được chứng nhận chè hữu cơ. Sản phẩm chè hữu cơ luôn được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng...

Mặt khác, nhiều cơ sở chế biến chè tuy được cấp giấy phép hoạt động nhưng lại không có vùng nguyên liệu đáp ứng đủ nhu cầu, cùng với đó là trình độ tay nghề trong chế biến còn thấp, dẫn đến chất lượng chè không cao. Liên kết giữa các khâu sản xuất và chế biến vẫn còn khá lỏng lẻo. Cả nước chỉ có 10% số các công ty/nhà máy chế biến chè đã có vùng nguyên liệu riêng để phục vụ cho chế biến.

Hơn nữa, diện tích đất trồng chè ở nước ta ngày càng bị thu hẹp, giảm dần vì người dân sử dụng đất chè để trồng các cây công nghiệp khác có lợi nhuận cao hơn. Việc bảo tồn gìn giữ các giống chè Việt Nam quý hiếm vẫn chưa được quan tâm một cách đầy đủ.

Trước những bất cập trên, ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững, thời gian tới ngành chè cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm. Trước hết, cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chè Việt Nam thông qua chuyển đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới.

Đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam; Đa dạng hóa sản phẩm chè chế biến bằng công nghệ tiên tiến. Đây là hướng đi chủ đạo đúng đắn, trên thực tế đã có những đơn vị như HTX Chế biến chè Phìn Hồ (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) đã khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường nhờ hướng đi này.

Ông Triệu Văn Mềnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Chế biến chè Phìn Hồ cho biết: Để đáp ứng được nhu cầu thị trường xuất khẩu, HTX đã nâng công suất, đổi mới công nghệ cho phù hợp. Đặc biệt, HTX đã được đơn vị chứng nhận hữu cơ châu Âu chứng nhận gần 300ha chè tại các xã: Hồ Thầu, Tả Sử Choóng và Túng Sán (Hoàng Su Phì).

Đây chính là cầu nối để HTX xuất bán sản phẩm sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Đài Loan, Nga và Đức... nâng doanh thu của HTX tăng khoảng 30 lần so với cách đây 10 năm, từ chỗ chỉ khoảng 500 triệu mỗi năm, nay đạt 15 tỷ đồng/năm, góp phần không nhỏ mang hương vị thơm chè Việt vươn xa...