Nâng cao chất lượng, sản phẩm chè

Chè là một trong những loại cây công nghiệp phát triển ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động và mang lại hiệu quả kinh tế tốt đối với nhân dân ở các địa phương vùng trung du và miền núi phía bắc. Hiện nay, nông dân đang đưa nhiều giống mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách trải nghiệm hái chè Shan tuyết tại xã Gia Hội, huyện Văn Chấn (Yên Bái).
Du khách trải nghiệm hái chè Shan tuyết tại xã Gia Hội, huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Bài 1: Vùng trồng gắn với du lịch

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm các vùng chè chủ lực đã bắt đầu tiếp cận, phát triển hình thức du lịch trải nghiệm đã và đang có những tín hiệu rất tích cực như: Vùng chè đặc sản Tân Cương (Thái Nguyên), vùng chè đặc sản Shan tuyết (Hà Giang), vùng chè Shan tuyết Suối Giàng (Yên Bái), đồi chè Long Cốc (Phú Thọ), đồi chè Mộc Châu (Sơn La), đồi chè Linh Dương (Lào Cai), đồi chè Tân Trào (Tuyên Quang)...

Các địa phương vùng trung du và miền núi phía bắc đều phát triển cây chè, trong đó diện tích tập trung ở tám tỉnh gồm: Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La.

Hấp dẫn khách du lịch

Xã Suối Giàng với 793 hộ đồng bào H’Mông sinh sống, có khí hậu mát thích hợp với cây chè Shan có tuổi đời hàng trăm năm. Toàn xã có gần 500 ha chè Shan tuyết cổ thụ, sản lượng chè búp tươi hằng năm đạt hơn 500 tấn. Doanh thu từ chè của người dân đạt hơn 13 tỷ đồng/năm. Giám đốc Hợp tác xã Suối Giàng Lâm Thị Kim Thoa tâm sự: “Hiện nay, hợp tác xã sản xuất các dòng sản phẩm về trà như: Diệp trà, Hoàng trà, Hồng trà.

Ðể quảng bá sản vật trên đỉnh núi mờ sương, hợp tác xã xây dựng điểm lưu trú “Bản Giàng chân mây” trưng bày các sản phẩm trà Suối Giàng, tổ chức tiệc trà, ẩm thực, thưởng trà, check in… và dịch vụ nghỉ dưỡng lưu trú qua đêm. Ðặc biệt, nơi đây cung cấp các dịch vụ du lịch trải nghiệm như: Thu hái chè búp tươi, chế biến bên lò quay sao chè, thưởng lãm sản phẩm trà do chính hợp tác xã làm ra, thu hút nhiều du khách Nhật Bản, Hàn Quốc”.

Ðại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, xã Suối Giàng hiện có năm doanh nghiệp, hợp tác xã cùng 15 cơ sở hộ kinh doanh du lịch gắn với chế biến tiêu thụ chè Shan tuyết. Tại đây, cây chè là nguồn thu nhập chính của những người dân với vùng nguyên liệu chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái. Từ đầu năm đến nay, Suối Giàng đón hơn 50.000 lượt khách du lịch; doanh thu đạt hơn 25 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm.

Lau Camping Phình Hồ nằm ở lưng núi hoang sơ với địa thế đắc địa, thuộc xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Ðến đây, du khách được ngắm thung lũng cánh đồng Nghĩa Lộ, được hòa mình vào bức tranh thiên nhiên trong lành, hoang sơ. Anh Sùng A Nu, cán bộ điều hành Lau Camping Phình Hồ cho biết: “Nhờ có vùng chè cổ thụ được đồng bào H’Mông bảo tồn và khai thác hợp lý, nay có thêm dịch vụ du lịch săn mây và nghỉ dưỡng. Từ du lịch, các sản vật như: Gà đen, lợn cắp nách, khoai sọ nương, gạo nương tím... làm ra được khách du lịch tiêu thụ tốt, góp phần thay đổi cuộc sống đồng bào nơi này”.

Ðể nâng cao thu nhập cho nhân dân, những năm gần đây tỉnh Hà Giang cũng đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm gắn thu hút du lịch sinh thái tại các vùng trồng chè Shan tuyết cổ thụ, trong đó, tổ chức các tour, tuyến cho khách du lịch trải nghiệm đi từ Hà Giang-Hoàng Su Phì tham quan vườn chè Shan tuyết cổ thụ, ruộng bậc thang; Hà Giang - Xín Mần thăm chè Shan tuyết cổ thụ, thác Tiên đèo gió…

Tại các địa điểm du khách được thu hái và chế biến chè cùng người dân địa phương. Hà Giang đã đầu tư chăm sóc, bảo tồn và phát triển các nương chè Shan tuyết cổ thụ đẹp, tạo không gian sinh thái nông nghiệp thu hút khách du lịch. Tỉnh cũng xây dựng các nhà trưng bày sản phẩm, vừa thu hút khách nghỉ dưỡng, uống chè vừa giới thiệu và bán các sản phẩm chè…

Nâng cao giá trị từ trồng chè sạch, hữu cơ

Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc cho biết, tám tỉnh trồng trọng điểm vùng trung du và miền núi phía bắc hiện có diện tích chè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… khoảng 20.123 ha. Tại Tuyên Quang, tỉnh có 8.588 ha trồng chè, sản lượng hơn 71.700 tấn/năm. Cùng với những giống chè truyền thống, người dân đã đưa nhiều giống chè đặc sản có chất lượng và giá trị kinh tế cao như Kim Tuyên, Ngọc Thúy, Phúc Vân Tiên… vào trồng. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những làng chè thơm ngon có tiếng như: chè Làng Bát ở xã Tân Thành, huyện Hàm Yên; chè Shan tuyết ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang; chè Vĩnh Tân ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương…

Do người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong lựa chọn sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã tại Tuyên Quang đã chuyển hướng sản xuất sản phẩm chè theo hướng an toàn.

Trên địa bàn xã Hồng Thái, huyện Na Hang có 64 ha trồng chè, trong đó có 29 ha chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Cây chè ở đây được thiên nhiên ưu ái cho nên ít sâu bệnh, cây sinh trưởng tốt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không bón phân vô cơ, không pha chế, ướp hương liệu. Sản phẩm đã được Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cấp giấy chứng nhận chè hữu cơ.

“Hiện nay, các sản phẩm trà của hợp tác xã đủ điều kiện về tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào các hệ thống siêu thị trên cả nước. Từ năm 2019 đến nay, hợp tác xã đã tập trung vào phân khúc chất lượng từng loại chè để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái được khách hàng và các đối tác đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã”.

Phó Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà, Ðặng Ngọc Phố

Theo ông Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Hợp tác xã chè Khe Năm, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, toàn xã trồng 80 ha chè bát tiên, theo hướng VietGAP. Ðể giữ thương hiệu, người dân thực hiện đúng các khâu trong sử dụng thuốc sinh học, thu hái thủ công, sản phẩm làm ra được cơ quan chức năng kiểm tra, cấp phép lưu hành.

Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết, trên địa bàn có diện tích chè 4.652 ha, sản lượng chè búp tươi 14.000 tấn/năm; toàn huyện có hơn 2.000 ha chè được chứng nhận hữu cơ. Thời gian qua, trên địa bàn có nhiều hợp tác xã đã đầu tư máy móc hiện đại, sản xuất nhiều loại chè chất lượng cao dành cho xuất khẩu.

Trong đó, Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ sản xuất chè từ bình dân đến cao cấp với doanh thu hằng năm hơn 20 tỷ đồng. Ngoài phục vụ trong nước còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Nga, Pakistan...; Hợp tác xã thu mua và chế biến chè Tấn Xà Phìn, xã Nậm Ty với sản lượng đạt hơn 400 tấn chè khô các loại/năm, phục vụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc).

(Còn nữa)

Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc cho biết, vùng trung du và miền núi phía bắc có 99.460 ha chè, năng suất bình quân đạt 8,13 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt 859.859 tấn/năm, chiếm 77% sản lượng cả nước.