Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng, ngày 20/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị nêu trên khẩn trương chỉ đạo, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu theo phương châm "4 tại chỗ"; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện hộ đê để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.
Bên cạnh đó là kiểm tra, rà soát tất cả các cống qua đê trên địa bàn và quy trình vận hành cống trong mùa lũ; sửa chữa, khắc phục ngay những hư hỏng (kẹt, rò rỉ, hở cánh cống; rò rỉ, xói ngầm qua bể xả, mang cống qua đê…) để bảo đảm công trình đê điều đáp ứng an toàn.
Có phương án bảo đảm an toàn cống qua đê trong mùa lũ, trong đó chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, máy móc, trang thiết bị và phương án kỹ thuật xử lý sự cố phù hợp, sát với thực tế, đặc biệt lưu ý đối với các cống lớn, nằm ở dưới sâu.
Kiểm tra, rà soát tất cả các tuyến đê; phát quang dọn dẹp mái đê, chân đê và trong phạm vi bảo vệ đê điều, dọn dẹp điếm canh đê phục vụ công tác tuần tra canh gác, phát hiện để kịp thời xử lý sự cố trong mùa mưa, lũ; giải tỏa, thanh thải vật cản, chướng ngại vật lấn chiếm bãi sông, lòng sông để bảo đảm thoát lũ; trong mùa mưa lũ cần có phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, từng tổ chức, cá nhân và các lực lượng chức năng để tổ chức thực hiện.
Thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo cấp báo động bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đê điều; phối hợp lực lượng để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu.
Tiếp tục rà soát các vị trí, công trình đê điều bị hư hại, các tuyến đê chưa bảo đảm yêu cầu chống lũ để xây dựng phương án, sửa chữa, gia cố, nâng cấp bảo đảm yêu cầu phòng, chống lũ, bão xảy ra trong thời gian tới, nhất là những tháng cuối năm 2024; báo cáo, đề xuất kịp thời những trường hợp vượt quá khả năng của địa phương trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo thống kê, hiện nay, tỉnh Nam Định có hơn 535 km đê, trong đó hơn 279 km đê sông, hơn 39 km đê cửa sông và hơn 75 km đê biển; có 38 trọng điểm phòng chống lụt bão, trong đó trên tuyến đê biển và đê cửa sông có 8 trọng điểm.
Nam Định thiệt hại gần 564 tỷ đồng do bão, mưa lũ
Được biết, tỉnh Nam Định cũng kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm thuộc lĩnh vực đê điều.
Trong đó, ngày 20/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Trường Thoa, chủ đầu tư công trình khu sinh thái Lưu Gia Trang nằm ngoài đê sông Đào, thuộc địa bàn phường Năng Tĩnh, thành phố Nam Định; đây là công trình mắc một loạt sai phạm về các lĩnh vực đất đai, đê điều và xây dựng.
Khu sinh thái Lưu Gia Trang nằm bên ngoài đê sông Đào, thuộc địa bàn phường Năng Tĩnh, thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định). |
Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố Nam Định và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2465/QĐ-XPVPHC ngày 7/10/2020 của Công ty TNHH Trường Thoa; khẩn trương đôn đốc, xử lý, khắc phục các vi phạm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết, thời gian hoàn thành hồ sơ cưỡng chế, tổ chức thực hiện cưỡng chế thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2465/QĐ-XPVPHC ngày 7/10/2020 theo đúng trình tự, thủ tục và thời gian theo quy định.
Các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được giao, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân khi để xảy ra những vi phạm của Công ty TNHH Trường Thoa và việc chậm triển khai thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2465/QĐ-XPVPHC ngày 7/10/2020.