Tại huyện Ý Yên, do nước lũ trên sông Đáy dâng cao đã có hiện tượng thẩm lậu đê tại xã Yên Bằng; địa phương đã huy động lực lượng, vật tư tại chỗ xử lý xong; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các địa phương theo dõi, phát hiện hiện tượng rò, rỉ thân đê để xử lý kịp thời, chống tràn; huyện đã phát thông báo phương án, thực hiện di dân một số vùng bối đến nơi an toàn.
Tại huyện Nam Trực, do lũ trên các sông Hồng, sông Đào dâng cao, huyện đã thực hiện di dời 100 người dân đang sinh sống tại các bối vào điểm trú ẩn an toàn; sẵn sàng phương án di dời khoảng 600 người dân tại các vùng bối…
Tại thành phố Nam Định, ngay trong đêm 9/9, chính quyền thành phố đã thực hiện di dời các hộ dân sinh sống trên các tầng 2, 3 khu nhà ở nguy hiểm trên đường Hoàng Văn Thụ về nơi an toàn; di dời 600 khẩu tại các bối của xã Mỹ Tân về nơi tránh, trú an toàn; yêu cầu 2 trạm bơm Kênh Gia, Quán Chuột vận hành tối đa công suất để bơm nước chống úng, ngập.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình kiểm tra khắc phục hậu quả bão số 3 tại Nam Định
Dự báo tình hình diễn biến thời tiết vẫn còn rất bất thường, mưa lớn kéo dài và lũ trên các sông dâng cao, chính quyền tỉnh Nam Định yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận hành tốt phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, tích cực phối hợp, kịp thời xử lý tình huống với mục tiêu cao nhất là bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng của nhân dân trước thiên tai.
Nước trên sông Đào đoạn qua thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định dâng cao. |
Tỉnh cũng yêu cầu các huyện Nam Trực, Ý Yên và thành phố Nam Định đặc biệt chú ý vận hành phương án di dân tại các khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn; cung cấp đầy đủ thực phẩm, nước uống và các điều kiện sinh hoạt cần thiết của nhân dân trong thời gian phải sơ tán.
Được biết, tỉnh và thành phố Nam Định cũng dự kiến di dời 6.000 dân đang sinh sống tại vùng bối xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định) đến nơi an toàn khi có tình huống khẩn cấp.