Trong đó, nặng nhất là về nông nghiệp với 18.102ha lúa bị ảnh hưởng, ước giá trị thiệt hại là 381,5 tỷ đồng; 3.800ha rau màu bị thiệt hại ước giá trị là 105,75 tỷ đồng; 2.145 cây hoa, cây cảnh các loại thiệt hại ước giá trị hơn 1,136 tỷ đồng; 36,5ha diện tích cây lâu năm bị thiệt hại, giá trị thiệt hại khoảng hơn 323 triệu đồng; hơn 155ha diện tích cây trồng hằng năm bị thiệt hại, ước giá trị thiệt hại là 390 triệu đồng; gần 4.100 cây xanh bị đổ, ngập trong nước, ước giá trị thiệt hại hơn 8,2 tỷ đồng.
Chăn nuôi, thủy sản ở Nam Định cũng bị bão, mưa lũ làm thiệt hại, với 833 con gia súc, gia cầm bị chết, bị cuốn trôi, ước giá trị thiệt hại 552 triệu đồng; trong đó thiệt hại về gia súc, gia cầm là hơn 392 triệu đồng, còn lại là thiệt hại về chuồng trại, cơ sở vật chất và các thiệt hại khác. Bên cạnh đó, 699,5ha nuôi trồng thủy sản các loại của tỉnh bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại ước tính khoảng gần 32,3 tỷ đồng.
Bão, mưa lũ làm 2.114 ngôi nhà bị ngập nước; nhiều tuyến, điểm bờ bao, đê bối, kênh mương, cống… trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, hư hỏng; làm nhiều tuyến đường bị ngập lụt; cầu phao Ninh Cường bắc qua sông Ninh Cơ bị ảnh hưởng kết cấu.
Một số điểm trường học bị thiệt hại về cơ sở vật chất, bị ngập lụt; 60 cột điện bị đổ, trong đó có 1 cột điện trung thế 110kV; 1.530m hệ thống đường điện liên quan bị ảnh hưởng; một số nhà xưởng, công trình phụ trợ cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại.
Chăm lo đời sống người dân sau lũ
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết: Tỉnh đang yêu cầu các ngành, các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ gây ra; có các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão.
Nhân dân cùng các lực lượng chức năng của tỉnh Nam Định tích cực chống ngập úng. |
Tập trung huy động mọi lực lượng, các phương tiện máy móc để bơm tiêu úng cho lúa và hoa màu nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngập úng; tranh thủ thu hoạch các diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.
Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại, vùng nuôi, bảo đảm an toàn vật nuôi; kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh sau bão, mưa lũ bảo đảm yêu cầu.
Cùng với đó là rà soát, kiểm tra và xử lý khắc phục các hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều để bảo đảm an toàn công trình; tập trung sửa chữa, khôi phục hệ thống điện, viễn thông tại những nơi xảy ra sự cố, bảo đảm cấp điện cho công tác phòng chống ngập úng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra của doanh nghiệp, người dân và thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời theo theo hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và quy định của pháp luật.