Nam Định khẩn trương thành lập các sở chỉ huy tiền phương trên nhiều triền đê

NDO - Trước diễn biến rất phức tạp của thời tiết và lũ lụt, trong ngày 11/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc tỉnh khẩn trương triển khai công tác ứng phó với lũ.
0:00 / 0:00
0:00
Các lực lượng thuộc thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) phối hợp gia cố điểm xung yếu, phòng ngừa sự cố đê.
Các lực lượng thuộc thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) phối hợp gia cố điểm xung yếu, phòng ngừa sự cố đê.

Hiện nay, mực nước lũ trên các sông khu vực tỉnh Nam Định đang có diễn biến rất phức tạp, gây mất an toàn cho hệ thống đê điều. Lúc 13 giờ ngày 11/9, mực nước trên sông Đào tại trạm thủy văn Nam Định là 5,11m (trên báo động 3 là 0,81m); trên sông Ninh Cơ tại trạm Trực Phương là 3,7m (trên báo động 3 là 1,1m).

Lúc 12 giờ ngày 11/9, mực nước trên sông Đáy tại trạm Ninh Bình là 3,9m (trên báo động 3 là 0,4m); tại Phủ Lý là 5m (trên báo động 3 là 1m). Trên sông Hồng tại trạm Tiến Đức là 6,68m (trên báo động 3 là 0,38m).

Thực hiện các công điện, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, các cấp, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Nam Định đã nghiêm túc triển khai thực hiện và đạt được những kết quả ban đầu.

Tuy nhiên, trước diễn biến rất phức tạp của lũ, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan sẵn sàng phương án hiệp đồng với các lực lượng chức năng của tỉnh để triển khai các biện pháp phòng, chống lũ và ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động, hỗ trợ công tác kiểm soát các khu vực trọng điểm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người dân và tài sản, hướng dẫn, điều tiết bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.

Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Nam Định khẩn trương thành lập Sở chỉ huy tiền phương trên các triền đê để trực tiếp chỉ đạo công tác tuần tra, canh gác đê điều nghiêm ngặt, liên tục ngày đêm, kịp thời phát hiện các sự cố đê điều sớm ngay từ giờ đầu, đồng thời huy động nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “bốn tại chỗ” sớm nhất, không để diễn biến phức tạp, khó xử lý dẫn đến nguy cơ mất an toàn đê điều.

Rà soát toàn bộ nhân lực, vật tư, phương tiện đã chuẩn bị, nếu không bảo đảm lập tức bổ sung ngay; nghiêm cấm các lực lượng được phân công làm công tác phòng chống thiên tai bỏ vị trí.

Đóng, lấp bịt các cửa khẩu qua đê, các vị trí đường mòn lối mở; nâng cao các vị trí thấp, võng trên mặt đê do giao cắt với đường giao thông, lối đi dân sinh... nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng cho nhân dân là trên hết.