“Muốn coi lên núi mà coi”

Am Tiên (Thanh Hóa) là một trong ba huyệt đạo thiêng mà dân gian phong tặng, hai huyệt đạo khác là Ba Vì (Hà Nội), Núi Bà (Tây Ninh). Am Tiên nằm trên đỉnh núi Nưa - một dãy núi chạy dài theo chiều đông- tây, thuộc địa phận ba huyện: Nông Cống, Triệu Sơn và Như Thanh. Nơi đây ghi dấu về cuộc khởi nghĩa của bà Triệu Thị Trinh đánh đuổi giặc Đông Ngô, năm 248.
0:00 / 0:00
0:00

Núi Nưa sừng sững, không có con đường hoặc đèo dốc nào vượt qua, người dân ba huyện nêu trên chỉ đi đường vòng dưới chân, cho nên trên đỉnh núi luôn chứa đựng điều bí ẩn. Khi chúng tôi còn nhỏ, nhìn lên đỉnh chỉ thấy mây trắng bay khi cơn mưa vừa tạnh. Ngày đông, mưa thâm, gió bấc, từ lưng chừng núi trở lên như một tấm chăn xám khổng lồ đắp theo chiều dài của núi. Trong những ngày khí hậu hanh khô, thỉnh thoảng bên sườn núi có đám cháy nhỏ, nhiều người cao tuổi hồi ấy giải thích với lũ trẻ con, trong núi có nhiều mỏ vàng non đánh lửa bén vào đám lá khô rồi đốt cháy một khoảng rừng.

Tất cả chỉ là câu chuyện được nghe dưới chân núi, ai thích kể sao cũng được, miễn là có một nội dung phù hợp với thời khắc của mỗi mùa.

Thế rồi chúng tôi lớn lên và đi xa, thỉnh thoảng về nhà lại nghe người trong xóm kể về hành trình lên Am Tiên bằng cách đi bộ từ sườn nam của núi, tức là đi từ địa phận xã Mậu Lâm hoặc xã Phú Nhuận thuộc huyện Như Thanh. Nhọc nhằn lắm, phải mất 5 giờ leo lên, lễ lạt xong rồi lại tất tả quay về, nếu ngủ lại phải gùi thêm tấm chăn mỏng vì trên núi nhiều khí lạnh.

Một ngày đi lên Am Tiên là nhiều ngày trước đó phải chuẩn bị “lấy đà” như sức khỏe, cơm nắm, áo mưa, nhang khói... Nhiều người đi, rồi về như một hành trình mỗi năm vài lần, nhưng họ không bao giờ kể cho chúng tôi biết trên đỉnh núi có gì. Qua mỗi chuyến đi, nhìn gương mặt họ hiện rõ sự mãn nguyện trong lành vì đã chạm chân tới Am Tiên, vãn cảnh ngàn xanh.

Những năm 2010, mỗi lần về quê, thấy nhiều người bàn tính lên Am Tiên vào độ đầu xuân để vãn cảnh, cuối năm vãng mây trên chóp cao và nhìn xuống thấy ba bên ba huyện quây tròn bởi làng mạc, cánh đồng. Nghe vậy nhưng mà lòng mình lại khác, chuyện cũ cứ nhớ, lời kể của người từng đi trước với bước thấp bước cao trong lau sậy, trong mưa táp mặt, trong gió bạt thốc sườn, vách núi chân trơn, đường rêu dễ trượt mà lạnh người.

Nhưng chứng kiến thế hệ sinh sau mình đến vài chục năm cũng đã lên Am Tiên, thế hệ sinh trước mình cũng đã lên Am Tiên, còn mình cứ khách thể hóa một địa danh như thể Am Tiên ở trên mây chứ không phải trên đỉnh núi.

Rồi một ngày từ Hà Nội về quê nghỉ Tết, trên chuyến xe chung có nhiều bạn bè, khi đi qua đền Bà Triệu (Hậu Lộc), bỗng một người trong đoàn nói chuyện về Am Tiên và chúng tôi đồng thanh tìm đường lên trên đó.

Đường lên Am Tiên đi qua một hàng cây xà cừ lâu năm mà nay là hàng cây di sản, hai bên hàng cây không dân cư chỉ có cánh đồng, đi hết hàng cây thì đến một hồ nước nhỏ, nhìn những cây cỏ năn lá nhọn như lá hành vươn lên thì đoán định hồ không sâu. Mùa đông âm u, thả nhẹ bước chân xuống đám cỏ tàn, thảng thốt phía sau, phía xa và phía xưa có anh linh người hiền, người dũng cảm tụ về trên lối đi ấy.

Đường lên Am Tiên nay không phải đi bộ trèo dốc như xưa mà xe ô-tô chạy một mạch lên đỉnh. Nơi đây là chỗ nghĩa quân tập dượt chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa đánh giặc Đông Ngô hay còn gọi là giặc Ngô của nữ tướng Triệu Thị Trinh (Bà Triệu). Bên cạnh lịch sử còn có một huyền sử khác nữa trong lời ru của bà, của mẹ, rằng: “Muốn coi lên núi mà coi/ Có Bà Triệu tướng cưỡi voi, đánh cồng”.

Am Tiên hiện ra với một sự sững sờ, có một hàng tre cổ thụ dẫn đường đến một cái giếng không bao giờ hết nước, một khoảng rừng với nhiều loại cây, một am nhỏ để người chiêm bái dâng hương, một con voi bằng đá đứng sừng sững giữa đất trời như thể hơn một nghìn năm trước voi theo Bà Triệu đánh giặc rồi hóa đá, để rồi là chứng tích cho hôm nay.

Chưa hết, một lối dẫn nhỏ ngược lên cao hơn, chênh vênh hơn, nhìn xuống sẽ thấy những đám mây trắng lưng chừng cuộn quyển hình cánh bướm, cánh hạc bay lên đỉnh. Mây chạm vào người chúng tôi, tạo sự ảo mờ, người đứng cách nhau vài chục mét khó nhìn rõ nhau. Rồi mây tan loãng trên đỉnh núi, tụt dần xuống chân mình và hóa hạt sương trên cỏ lá, thấm vào trong đất. Hiện tượng này không phải ngày nào cũng có, cũng diễn ra, mà là thời khắc, có lẽ cũng vì do duyên mà gặp.

Huyệt đạo thiêng là khu đất hình tròn, tương đối bằng phẳng trên cao nhất, ở đó có cỏ mọc thấp, có những hòn đá mầu đen nhô lên. Người đến vãn cảnh, chiêm bái không ai bước chân vào trong huyệt đạo mà chỉ đứng vòng quanh, tĩnh tại, phát khởi tâm tư tưởng vọng của chính mình.

Cũng ở đây, tùy vào mỗi người một cảm nhận, có người quỳ xuống thấy một dải hồng quang trước mặt, có người nhắm mắt lại thấy bảy sắc cầu vồng hiện ra... và điều này phụ thuộc vào dòng trạng thái hoan hỷ cá nhân khó kiểm chứng. Mỗi người sẽ nạp được một năng lượng vô hình, đó là kết quả của gieo duyên, tùy duyên, nhân duyên khi chạm vào huyệt đạo.