Cam Hà Tĩnh được mùa, được giá

Phát huy lợi thế đất đồi, thời gian qua, nhiều địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh đã mạnh dạn ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích người dân áp dụng quy trình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ cho nên sản phẩm cam của Hà Tĩnh luôn đạt chất lượng cao, quả to đều, có vị ngọt đậm... được thị trường ưa chuộng.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang thu hoạch cam.
Người dân xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang thu hoạch cam.

Cứ vào dịp cuối tháng 11 dương lịch hằng năm, trên các vườn đồi ở huyện Vũ Quang, người làm vườn lại tất bật thu hoạch quả sau thời gian dài chăm bón. Năm nay, cam bán được giá cho nên người dân rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Hào ở thôn Hợp Duẩn (xã Hương Minh) cho biết: Năm nay, 2 ha cam của gia đình đạt khoảng 9 tấn quả, mới đầu mùa nhưng cam được thương lái thu mua tại vườn với giá khá cao. Hiện tại, chúng tôi đã xuất bán được gần 3 tấn với giá 30 nghìn đồng/kg. Ðược tập huấn và thực hiện chăm sóc cam theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học cho nên quả cam đẹp và ngọt đậm, nhờ đó việc xuất bán thuận tiện và giá bán cũng tốt hơn.

Tại vườn cam hơn 3 ha của ông Thái Ðình Vạn ở thôn 5 (xã Quang Thọ) những ngày này cũng tấp nập thương lái vào thu mua. Ông Vạn phấn khởi cho biết: "Năm nay, thời tiết nắng mưa thất thường cho nên cam rụng khá nhiều, vườn của gia đình ước thu hơn 20 tấn quả, thấp hơn năm ngoái khoảng 3 tấn. Nhờ xây dựng được thương hiệu, chất lượng cam đạt chuẩn cho nên gia đình đang bán với giá 33 nghìn đồng/kg. Nếu thời tiết những ngày tới nắng ấm thì giá cam sẽ còn tăng cao". Cũng theo ông Vạn, theo xu hướng hằng năm, cam sẽ tăng giá vào thời điểm cuối năm cho nên hiện nay gia đình chưa thu hoạch ồ ạt mà tập trung chọn tỉa quả chín sớm. Theo tính toán, nếu thời tiết và thị trường tiêu thụ thuận lợi thì gia đình ông sẽ thu về hơn 600 triệu đồng.

Theo các hộ trồng cam trên địa bàn, những năm gần đây, nhờ chú trọng áp dụng kỹ thuật vào sản xuất cho nên chất lượng cam của địa phương ngày càng được nâng lên. Nông dân đã chủ động dùng bao để bọc quả nhằm chống côn trùng làm hư cam; đồng thời sử dụng phân chuồng thay vì phân hóa học để nâng cao năng suất, chất lượng cam.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũ Quang Bùi Khắc Bằng cho biết, địa phương hiện có 1.853 ha diện tích trồng cam, trong đó có hơn 1.700 ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước tính đạt hơn 25.000 tấn, với mức giá bình quân 25.000 đồng/kg, mỗi năm người trồng cam thu về khoảng 600 tỷ đồng. Ngoài những chính sách khuyến khích, hỗ trợ mở rộng diện tích trồng cam của tỉnh, từ năm 2013 đến nay, huyện Vũ Quang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cây giống, hệ thống phun tưới tự động, tiêu thụ và xúc tiến thương mại...; nhờ đó, đã tạo động lực phát triển cây cam hiệu quả, bền vững trong thời gian qua.

Căn cứ vào đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh hướng người dân sản xuất nhiều sản phẩm đặc trưng, trong đó cam là một trong 15 cây trồng chủ lực. Sản phẩm cam Hà Tĩnh có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, được đầu tư thâm canh, bảo đảm kỹ thuật và được chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm.

Số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cho biết, tỉnh này hiện có hơn 7.200 ha diện tích trồng cam, trong đó diện tích cho quả đạt hơn 6.100 ha với năng suất khoảng 110 tạ/ha, tổng sản lượng đạt gần 68.000 tấn/năm. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, chú trọng áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ để mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng cây trồng.

Ðến nay, đã có 130 cơ sở sản xuất cam được cấp chứng nhận VietGAP cho diện tích 762 ha và diện tích cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ là 70,8 ha. Xác định chuyển đổi số là một trong những bước đi quan trọng nhằm gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây cam Hà Tĩnh tại địa chỉ https://camhatinh.gov.vn để minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Nhờ đó, việc sản xuất, tiêu thụ cam của người dân trên địa bàn thuận lợi hơn trước, thu nhập cũng được cải thiện, cây cam trở thành cây làm giàu của nhiều hộ dân ở khu vực miền núi Hà Tĩnh.