Sự ràng buộc giữa hội họa và thi ca trong “Lối gió đường mây”

NDO - Lấy cảm hứng từ những vần thơ đầy tinh tế và cảm xúc của Hàn Mặc Tử, họa sĩ Nguyễn Hóa cho ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên - “Lối gió đường mây” như một cột mốc quan trọng, vượt ra ngoài giới hạn hoạt động nghệ thuật quen thuộc, đánh dấu sự lộ diện của anh với công chúng.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Nguyễn Hóa chia sẻ về nguồn cảm hứng thực hiện triển lãm "Lối gió đường mây". (Ảnh: NGỌC KHÁNH)
Họa sĩ Nguyễn Hóa chia sẻ về nguồn cảm hứng thực hiện triển lãm "Lối gió đường mây". (Ảnh: NGỌC KHÁNH)

Kéo dài đến hết ngày 28/1/2024 tại Hà Nội, triển lãm “Lối gió đường mây” của họa sĩ Nguyễn Hóa giới thiệu 26 bức tranh độc đáo, mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc.

Mỗi tác phẩm là một sự đan xen của những hoài niệm, nét u sầu, nỗi cô đơn và tính thẩm mỹ, ràng buộc với nhau bằng dòng cảm hứng tương quan của hội họa và thi ca.

Làm nghệ thuật “kiểu Huế”

“Đo ni đóng giày”, Nguyễn Hóa chắt cấu tứ, lọc thi hứng, chọn sơn mài để làm điểm nhấn cho quá trình thực hành nghệ thuật nghiêm chỉnh. Xuyên suốt loạt tác phẩm anh mang đến triển lãm, các chi tiết trong tranh đều mang đậm những nét kiến trúc cổ của Kinh thành Huế. Chúng đóng vai trò làm tâm điểm, là khung hình, ẩn dụ cho những thói quen trong phong cách sống và sáng tác mà bất kỳ nghệ sĩ nào ở nơi đây cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng.

“Tôi làm nghệ thuật theo kiểu rất Huế. Không chỉ lấy cảm hứng sáng tác từ các bài thơ viết về cố đô như ‘Đây thôn Vĩ Dạ’ của thi sĩ Hàn Mặc Tử mà nhiều họa tiết trong khung tranh tôi chạm khắc cũng chứa đựng các chi tiết về đường nét kiến trúc đặc trưng của triều Nguyễn”, họa sĩ Nguyễn Hóa chia sẻ.

Không chỉ riêng thế giới hội họa của Nguyễn Hóa, những dấu ấn thuộc về di sản dân tộc đã trở thành chất liệu trong các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Hoạt động sáng tác ấy chỉ được tiến hành khi chủ thể sáng tạo nắm vững những giá trị nội hàm, biết cách khai thác, cũng như tìm thấy sự tương thích giữa mạch nguồn lịch sử và chiêm nghiệm của bản thân.

Quá trình thực hành nghệ thuật của Nguyễn Hóa nắm bắt một cách tinh tế sự tương tác qua lại giữa lịch sử, tự nhiên và trải nghiệm của con người, khơi gợi những cảm xúc bằng việc hoài niệm về cái đẹp. Trạng thái thong thả mà miệt mài trải dài suốt quá trình sáng tác của anh đã trở thành bức chân dung tự họa, khiến người ta nhớ mặt, trở thành phương tiện để len lỏi vào những ngóc ngách sâu thẳm nhất của tâm hồn người thưởng thức.

Sinh năm 1978, Nguyễn Hóa hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Huế. Anh tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành điêu khắc tại Trường đại học Nghệ thuật (Đại học Huế). Đây cũng là nơi mà anh từng tham gia giảng dạy và điều phối các buổi hội thảo trong giai đoạn 2009-2011. Đến năm 2012, anh chính thức hoạt động dưới vai trò nghệ sĩ tự do, tập trung sáng tác chủ yếu vào lĩnh vực điêu khắc và hội họa.

Dù ít khi xuất hiện trong giới nghệ thuật, nhưng những sáng tác mà Nguyễn Hóa để lại tạo nhiều thiện cảm cho khán giả trong và ngoài nước. Có thể kể đến một số sự kiện gây được tiếng vang như: triển lãm “The Lost Images” ở Ganesha Gallery, Hà Lan (năm 2010); triển lãm nhóm ở Yogyakarta, Indonesia (năm 2018); triển lãm nhóm ở Chiang Mai, Thái Lan (năm 2018); tuần lễ nghệ thuật đương đại “Nổ cái bùm” tại Huế (năm 2020)…

Từ thi hứng dạt dào đến dấu ấn của một triển lãm tranh

Được đào tạo bài bản về nghệ thuật, Nguyễn Hóa xem hội họa như một phương tiện biểu đạt tinh thần và cảm quan thẩm mỹ. Với anh, phương tiện ấy vừa có khả năng phản chiếu vạn vật, vừa có thể chống lại ý niệm về sự trôi chảy của thời gian.

Bộc bạch về quá trình sáng tạo, Nguyễn Hóa cho biết: “Khi sáng tác, tôi xóa đi nhiều hơn là vẽ thêm. Vừa làm, tôi vừa kiếm tìm thứ mình muốn thể hiện trong tác phẩm, thử mường tượng về hình dạng chúng trong đầu. Việc xóa cốt chỉ để mọi thứ ẩn sâu vào tranh, khiến nó hằn in dấu vết của năm tháng”.

Sự ràng buộc giữa hội họa và thi ca trong “Lối gió đường mây” ảnh 1 Sự ràng buộc giữa hội họa và thi ca trong “Lối gió đường mây” ảnh 2

Hiện diện dưới lớp sơn mài rực rỡ và quyến rũ, mỗi sáng tác của Nguyễn Hóa tựa như một ô cửa mở ra thế giới nội tâm của người vẽ.

Mỗi tác phẩm trong “Lối gió đường mây” đều được tác giả chế tác thật tỉ mỉ và cẩn trọng, tạo thành một chuỗi suy tư sâu lắng về cuộc sống. Anh không ngừng đối thoại và liên tục phản hồi với chúng theo thời gian, chậm rãi hoàn thiện bức tranh bằng sự ý thức và tự chủ.

Hiện diện dưới lớp sơn mài rực rỡ và quyến rũ, mỗi sáng tác ấy tựa như một ô cửa mở ra thế giới nội tâm của người vẽ, ràng buộc giữa nguồn cảm hứng của hội họa và thơ ca. Không bức nào trong triển lãm có tên gọi độc lập. Song tất cả các cảnh cùng tạo thành chỉnh thể, làm nên một không gian tĩnh, ẩn náu giữa thế giới động mà chúng ta đang sống.

Khi sáng tác, tôi xóa đi nhiều hơn là vẽ thêm. Vừa làm, tôi vừa kiếm tìm thứ mình muốn thể hiện trong tác phẩm, thử mường tượng về hình dạng chúng trong đầu. Việc xóa cốt chỉ để mọi thứ ẩn sâu vào tranh, khiến nó hằn in dấu vết của năm tháng.

Họa sĩ Nguyễn Hóa

Tứ thơ của Hàn Mặc Tử gợi nên bức tranh thanh bình, thơ mộng, thấm đẫm nỗi ưu tư. Nhịp thơ tách đôi, vẽ nên hai mảnh trời riêng biệt khiến tính phi lý của hai sự vật vốn gắn kết với nhau là gió và mây hiện rõ. Nỗi buồn thương, sự tiếc nuối của một người đôi khi có thể chia rẽ được cả những thứ tưởng chừng không thể tách rời. Cho nên, thưởng thức tranh của Nguyễn Hóa, người xem lại thêm khắc khoải về nỗi cô đơn, ly biệt.

“Với tôi, câu thơ ‘gió theo lối gió, mây đường mây’ thể hiện sự chia cắt và dùng dằng. Nó gợi nhớ về con người ở Huế, cảnh vật ở Huế và nghệ thuật Huế. Nó mang đến những khoảng lắng, sự thư thái, điềm tĩnh và nhẹ nhàng, nhưng cũng đủ bí ẩn để cuốn hút ánh nhìn của khán giả”, Nguyễn Hóa thổ lộ.

Trong gần ba năm miệt mài sáng tác “Lối gió đường mây”, anh đã tỉ mỉ nhen nhóm và chắt chiu những sáng tạo nghệ thuật của riêng mình. Vượt lên trên sự hồi đáp với không gian và bối cảnh, các tác phẩm của anh còn gói gọn cả bản chất hữu hạn của thời gian và những ràng buộc, thay đổi không ngừng bên trong thế giới nghệ thuật.