Huyền diệu Ponagar

Chiều buông trên đồi Cù Lao.
0:00 / 0:00
0:00
Tháp Bà Ponagar tọa lạc trên đồi Cù Lao, thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang.
Tháp Bà Ponagar tọa lạc trên đồi Cù Lao, thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang.

Tháp Bà Ponagar in bóng trên dòng sông Cái Nha Trang, sóng nước lung linh, huyền hoặc. Bóng núi uy nghi. Dáng tháp trầm mặc. Có ai hát:

Ai về Xóm Bóng thăm nhà

Hỏi xem, điệu múa dâng Bà còn chăng?

Hàng trăm năm nay, trong tâm thức người dân Nha Trang, Khánh Hòa vẫn cứ như mới tinh khôi những dòng chảy văn hóa lịch sử, tâm linh mà làm nên dáng nét, phong cách rất riêng của sự giao thoa, tiếp biến văn hóa Việt-Chăm rất độc đáo.

Người Chăm gọi con sông ấy là Yjatran, có nghĩa là dòng sông có nhiều lau lách. Người Việt, theo cách phát âm ấy, gọi luôn là sông Cái Nha Trang. Rồi, tên gọi thành phố Nha Trang bây giờ cũng có nguồn gốc từ dòng sông Yjatran xứ sở. Và, tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở của người Chăm và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở đây có sự giao thoa, tiếp biến mà tạo nên hình tượng Bà, vừa thiêng liêng, vừa gần gũi. Người dân ở đây thờ Bà nghiêm cẩn lắm. Và những lúc bất an, những khi hoạn nạn, họ luôn đến nhờ Bà giúp đỡ. Thiêng lắm!

Bây giờ, trên đồi Cù Lao, trải bao mưa nắng, thời gian, bom đạn, Tháp Bà Ponagar vẫn uy nghi đứng đó, đầy trắc ẩn. Đây là một trong những lưu tích quan trọng của tiểu quốc Kauthara, thuộc Chămpa ngày nào. Tháp Bà Ponagar là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của dân tộc Chăm.

Cho đến nay, kỹ thuật xây dựng Tháp Bà Ponagar vẫn là điều bí ẩn. Khoa học vẫn chưa lý giải được bằng cách nào để những viên gạch cứ chồng khít, gắn chặt với nhau mà không cần bất kỳ một chất kết dính nào.

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, Lễ hội Tháp Bà Ponagar hằng năm diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng Ba âm lịch. Các hoạt động chính diễn ra trong lễ hội gồm: Lễ thay y; lễ thả hoa đăng; lễ cầu quốc thái dân an; múa bóng, hát văn... Đây là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, góp phần làm nên các yếu tố cố kết cộng đồng của các dân tộc trên dải đất miền trung.

Lễ hội đã trở thành nơi tụ hội của người Kinh, Chăm, Raglai và nhiều cộng đồng tộc người khác ở miền trung và Tây Nguyên. Hiện nay, dịp lễ hội Tháp Bà mỗi năm có tới hàng trăm nghìn người từ khắp mọi miền Tổ quốc về đây dự lễ, dâng hương. Được coi là lễ hội văn hóa dân gian lớn nhất ở Khánh Hòa, năm 2012, lễ hội Tháp Bà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trải đã mấy trăm năm, người dân Xóm Bóng, một số ở đồi Cù Lao, một số lênh đênh trên thuyền đánh cá đã cùng nhau múa bóng. Múa bóng để dâng Bà. Và múa bóng cũng để giãi bày những tâm tư, tình cảm của mình đối với Mẫu, đối với quê hương, đất nước.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tứ Hải, múa bóng là loại hình nghệ thuật dân gian gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, có sự giao thoa với tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở của người Chăm tạo nên nét đồng điệu trong tâm hồn giữa người Việt và người Chăm, thể hiện trong âm nhạc, vũ đạo, văn hóa… Múa bóng là một trong những hình thức nghệ thuật thể hiện sự tôn vinh, thành tâm bày tỏ lòng biết ơn của người dân đối với ân đức, công lao của Mẫu. Điều này lý giải vì sao nghệ thuật múa bóng được cả người Việt lẫn người Chăm quan tâm tập luyện và biểu diễn.

Ngày nay, ngay dưới chân ngọn tháp Ponagar vẫn còn một số ít người làm nghề múa bóng, cho nên mới gọi nơi đây là Xóm Bóng. Tôi đã nhiều lần xem chính những người ở Xóm Bóng biểu diễn múa Bóng ở lễ hội. Những cô gái tuổi trăng tròn thướt tha trong xống áo, chân vờn theo nhịp phách sáo trúc, song loan. Lời ca mông lung mây trời, mênh mang sóng nước. Những đôi tay uyển chuyển như gấm vóc, lụa là. Và những bước chân phiêu bồng, quấn quýt. Thần thái liêu trai. Đầy mộng mị. Và mê hoặc.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tứ Hải, ước tính trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 50 đoàn múa bóng, với khoảng 1.000 người. Số lượng như vậy là không ít. Tuy nhiên, tính độc đáo như xưa của múa bóng đã giảm đi nhiều; số nghệ sĩ giỏi cũng ngày càng ít. Đến thời điểm này, số người thực sự nắm được những điểm cốt yếu của nghệ thuật múa bóng trên toàn tỉnh chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Mà tất cả họ nay tuổi đã cao, sức đã kiệt, cho nên cần sớm có giải pháp sưu tầm, lưu trữ những vốn hiểu biết, kỹ năng múa bóng của lớp nghệ sĩ lớn tuổi mà lưu truyền cho hậu thế.

"Để hoạt động múa bóng lành mạnh theo đúng nghĩa của một loại hình nghệ thuật, tỉnh Khánh Hòa cần có biện pháp hạn chế tối đa hoạt động của các đoàn múa bóng tự phát. Bởi họ múa không đúng, không bài bản. Cạnh đó, nên thành lập các câu lạc bộ hát chầu văn, múa bóng hoạt động có tổ chức chặt chẽ, có nghiệp vụ tốt, góp phần bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Tháp Bà", anh Nguyễn Tứ Hải chia sẻ.

Chia tay Xóm Bóng, tôi lại nghe câu hát:

… Thế thường tre lụn còn măng

Phải đâu tham đó, bỏ đăng cho đành…

Nghe nhiều ưu tư quá!