Bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara

Đến nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có 6 hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Một trong những nỗ lực không ngừng nghỉ của bảo tàng là khắc phục mọi khó khăn để bảo vệ và phát huy cao nhất giá trị của các bảo vật này. Niềm vui nhân lên khi hai di vật cầm tay của tượng Bồ tát Tara là đóa sen và con ốc đã được “hoàn nguyên” trọn vẹn.
0:00 / 0:00
0:00
Tượng Bồ tát Tara và hai di vật đóa sen và con ốc trong hộp kính đặt dưới chân tượng. (Ảnh do Bảo tàng Điêu khắc Chăm cung cấp)
Tượng Bồ tát Tara và hai di vật đóa sen và con ốc trong hộp kính đặt dưới chân tượng. (Ảnh do Bảo tàng Điêu khắc Chăm cung cấp)

Vừa qua, 2 hiện vật là con ốc và đóa sen - vật cầm tay của bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara đã trở về với nguyên bản sau 45 năm lưu lạc. Hàng chục năm qua, trải qua bao biến thiên, thay đổi của lịch sử, sự trở về của các di vật này, đã minh chứng cho nỗ lực của ngành văn hóa hai địa phương và sự đồng lòng của người dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) - nơi tìm thấy hai di vật này sau năm 1978. Việc bàn giao hai hiện vật nhằm hoàn chỉnh nguyên gốc bảo vật quốc gia, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, đồng thời phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan của người dân, du khách.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP Đà Nẵng Hà Vỹ, Bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara là hiện vật quan trọng nhất của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Việc đưa hai di vật về với tượng gốc có giá trị quan trọng, giúp hoàn thiện bảo vật và di sản văn hóa Chăm, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của hiện vật trong hoạt động của bảo tàng.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện đang là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc Chăm có giá trị, với hơn 2.000 hiện vật lớn nhỏ, gần 500 hiện vật đang được trưng bày bên trong nhà bảo tàng. Hầu hết đây là những tác phẩm điêu khắc nguyên bản, có nguồn gốc, xuất xứ từ các địa phương ở miền trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai.

Các hiện vật được chuyển về bảo tàng trong từng mốc thời gian khác nhau, thể hiện trên các chất liệu đá sa thạch, đất nung và đồng; có niên đại từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 15, thuộc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau và có tính nối tiếp theo lịch đại như phong cách Mỹ Sơn E1, phong cách Đồng Dương, phong cách Trà Kiệu, phong cách Chánh Lộ, phong cách Tháp Mẫm...

Hiện nay, ngoài sáu bảo vật quốc gia được công nhận gồm: Đài thờ Mỹ Sơn E1, Tượng Bồ Tát Tara; Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Đồng Dương, Tượng thần Ganesha, Tượng Gajasimha; Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận ba hiện vật điêu khắc Chăm là bảo vật quốc gia, gồm Tượng Shiva Mỹ Sơn C1, Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1 và Phù điêu Apsara Trà Kiệu. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của Bảo tàng Điêu khắc Chăm trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị hiện vật, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, du khách khi tham quan, tìm hiểu về các giá trị văn hóa, di sản tại Đà Nẵng.

Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng Hồ Tấn Tuấn cho biết: Tượng Bồ tát Tara được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia vào tháng 10/2012 theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg. Bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara là một trong 30 cổ vật đầu tiên được công nhận bảo vật quốc gia. Tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, cao gần 1,15m, được đánh giá không chỉ là tượng đồng lớn nhất của nghệ thuật Champa mà còn là một trong những tượng đồng quan trọng bậc nhất Đông Nam Á, niên đại được xác định vào khoảng giữa thế kỷ thứ 9, tuổi đời khoảng 1.200 năm.

Năm 1978, người dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định (nay là xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã tình cờ tìm thấy bức tượng. Tượng nữ thần đứng thẳng, hai tay cùng đưa cân xứng về phía trước. Ngay sau đó, tượng đã được thu hồi, đưa về lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Bản gốc bức tượng Bồ tát Tara cho thấy, 2 pháp khí trên tay phải và tay trái đã bị gãy. Sau thời điểm phát hiện tượng Bồ tát Tara, người dân thôn Đồng Dương tiếp tục phát hiện thêm 2 chi tiết là con ốc và đóa hoa sen - hiện vật cầm tay của tượng. Hai hiện vật này sau đó đã được nhân dân xã Bình Định Bắc cất giữ.

Đến năm 2019, xã Bình Định Bắc đã bàn giao hai di vật này cho Bảo tàng Quảng Nam. Đến nay, sau nhiều nỗ lực của hai địa phương, việc bàn giao lại hai di vật đóa sen và con ốc trở về với bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara, có một ý nghĩa rất lớn về cả mặt lịch sử và giá trị của hiện vật. Người dân, du khách sẽ được chiêm ngưỡng trọn vẹn bức tượng này.

Bức tượng Bồ tát Tara hiện nay Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng trưng bày tới công chúng là phiên bản khắc lại tỉ lệ 1:1, phiên bản này thiếu hai hiện vật là đóa sen và con ốc trên tay cầm.

Nói thêm về phương án bảo vệ, gìn giữ bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara sau khi đón nhận thêm hai di vật con ốc và đóa hoa sen, ông Hồ Tấn Tuấn cho biết: Phương án bảo tồn duy nhất là để hai di vật này trong một hộp kính và để dưới chân pho tượng để trưng bày, giới thiệu cho người dân, du khách. Còn việc gắn hai di vật này lên tay của bức tượng thì rất khó, vì chất liệu đồng này đã trải qua khoảng 1.200 năm cho nên không thể dùng phương pháp hàn gò hay xì với nhiệt độ nóng để gắn kết, nguyên tắc bảo tồn bảo vật quốc gia không cho phép.

“Hiện nay bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara được Bảo tàng Điêu khắc Chăm bảo vệ nghiêm ngặt trong một kho đặc biệt và chưa đưa ra ngoài để trưng bày cho du khách xem rộng rãi do tình hình an ninh, bảo quản hiện vật. Muốn đưa tượng Bồ tát Tara ra trưng bày cần có một nguồn kinh phí khá lớn để xây dựng phương án bảo tồn, gìn giữ cẩn thận trên phương diện trưng bày bản gốc cho du khách chiêm ngưỡng”, ông Tuấn nhấn mạnh.