Đầu xuân chơi hội bài chòi

Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam vinh dự đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ở Quảng Bình, bài chòi là hội vui trong mỗi dịp Tết đến, xuân về mang đậm nét văn hóa truyền thống và gắn kết tình cộng đồng, làng xã.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường THPT Đào Duy Từ (Quảng Bình) tham gia hội bài chòi.
Học sinh Trường THPT Đào Duy Từ (Quảng Bình) tham gia hội bài chòi.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái, bài chòi được xem là trò chơi tổng hòa các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian truyền thống, từ thơ, hò, vè của người hô bài (ông hiệu) cho đến cách trang trí, bày biện chòi chơi, sân chơi khéo léo, mang tính thuần Việt sâu sắc.

Nếu bài chòi ở vùng Nam Trung Bộ vốn nghiêng về sân khấu hóa và trình diễn thì bài chòi Quảng Bình hội chơi là chính, vai trò của nghệ nhân độc diễn ít được thể hiện, ngược lại người chơi chú ý hơn vào cách chơi, cách tới. Trong hội bài chòi, người chơi đều bình đẳng, không phân biệt giàu-nghèo, trên-dưới và bất cứ ai cũng có thể tham gia.

Theo nghệ nhân dân gian Phan Văn Thuận ở thành phố Đồng Hới, bài chòi ở Quảng Bình được bắt nguồn từ đánh “bài tới” bởi khi kết thúc ván, người chơi hô “tới”. Hội bài chòi được dựng 11 chòi, trong đó 1 chòi ở trung tâm hay chòi “ông hiệu” và 10 chòi cho người chơi. Mỗi chòi được gắn tên theo thứ tự thập can (Giáp, Ất, Bính...).

Bộ bài tới có 30 con, chia làm 3 pho là pho Văn, pho Vạn, pho Sách; mỗi pho có 9 con bài và 1 con bài Yêu (Ông Ầm, Thái Tử, Bạch Tuyết). Mỗi quân bài được dán lên 1 chiếc thẻ tre to bản, có tay cầm.

Bắt đầu cuộc chơi, “ông hiệu” xướng một câu hò vào cuộc, rồi rút 1 quân bài, xem tên và hò lên hoặc hát 1 câu ứng với nội dung tên con bài, để người chơi đoán, tạo không khí phấn khích, hồi hộp. Chòi nào có con bài trùng tên thì gõ 3 tiếng mõ, người chạy cờ mang đến 1 lá cờ xéo mầu đỏ và thu con bài đó lại.

Cuộc chơi tiếp tục cho đến khi chòi nào có được 3 lá cờ xéo trước tiên, đánh một hồi mõ dài rồi hô “tới, tới, tới” thông báo chiến thắng và kết thúc một ván chơi trong tiếng reo hò và chiêng trống rộn ràng.

Một hội chơi có 8 ván, chòi thắng cuộc đổi 3 lá cờ xéo mầu đỏ lấy 1 lá cờ vuông mầu vàng. Chòi có 3 lá cờ vuông liên tục thì được thưởng một phần thưởng đặc biệt.

Nhiều người cao tuổi ở Quảng Bình quan niệm, dịp Tết hay những ngày đi chơi xuân, dự hội bài chòi được cho là may mắn khi “Đầu năm bói toán đâu xa/Bài chòi một hội biết là rủi may”.

Vì thế, không khí tại các hội bài chòi luôn đông vui, rộn ràng. Ông Phan Thanh Phương ở phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới cho biết, hầu như Tết năm nào ở khu dân cư nơi gia đình sinh sống cũng tổ chức hội bài chòi để bà con có những giây phút thư giãn và tạo thêm sự gắn kết cộng đồng.

Bà con trong khu phố tự nguyện đóng góp ít kinh phí cùng với ban cán sự Tổ dân phố tổ chức hội bài chòi. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống mà hàng chục năm nay đã thành nền nếp của cộng đồng.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Quảng Bình Mai Xuân Thành cho biết: “Để bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là bài chòi, hằng năm, chúng tôi mở các lớp tập huấn, truyền đạt cách thức tổ chức, điều hành hội chơi, cách thiết kế các chòi; đồng thời định kỳ tổ chức liên hoan các tổ, nhóm, câu lạc bộ bài chòi cấp tỉnh. Cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về những giá trị tiêu biểu của Di sản văn hóa phi vật thể bài chòi trên quê hương Quảng Bình”.

Ở các địa phương trong tỉnh, hội bài chòi được duy trì và tổ chức, thu hút đông đảo người dân ở các làng quê tham gia và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các dịp Tết và lễ hội đầu xuân.

Với mong muốn đưa bài chòi đến gần hơn với người dân và du khách, những năm gần, hội bài chòi là hoạt động không thể thiếu trong Tuần Văn hóa-du lịch Đồng Hới dịp 30/4, 1/5 hằng năm, thu hút sự tham gia của nhiều du khách.

Nghệ nhân dân gian Phan Văn Thuận đã dày công sưu tầm, sáng tạo 180 câu hô hát bài chòi bằng những làn điệu dân ca Bình Trị Thiên và hò khoan Lệ Thủy để biểu diễn ở hội bài chòi trong Tuần văn hóa-du lịch Đồng Hới.

Gần đây ở Quảng Bình, bài chòi được đưa vào giới thiệu và thực hành trong trường trung học phổ thông tạo sự chú ý và thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Thầy Dương Văn Trai, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, thành phố Đồng Hới cho biết, các bạn trẻ khá hào hứng đón nhận và có những trải nghiệm thú vị khi ngồi trên các chòi chơi và nghe các cô giáo hô bài ở hội bài chòi. Ngoài sự cố gắng của những người tổ chức, một phần quan trọng là hội bài chòi tổ chức trong trường học đã được lược bớt ngắn gọn, dễ hiểu, dễ chơi đối với giới trẻ.

Có thể nói, bằng sự tâm huyết, đam mê của các nghệ nhân và sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân, Di sản nhân loại là nghệ thuật bài chòi đang được giữ gìn, lan tỏa như mạch ngầm của nghệ thuật dân gian trong cuộc sống đương đại.