Nghề đan lờ cá Trung An

Mỗi năm, dân làng Trung An, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) bán ra thị trường hàng chục nghìn chiếc lờ cá. Như lời thơ “Nhờ trời mưa thuận, gió hòa/ Lờ, rọ bán được, cảnh nhà thêm vui”, nghề thủ công đan lờ vẫn được người dân ở Trung An gìn giữ, gắn bó quanh năm.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trần Thương bên những chiếc lờ cá vừa hoàn thiện.
Ông Trần Thương bên những chiếc lờ cá vừa hoàn thiện.

Chắt chiu nan tre, tỉ mỉ đan lờ

Từ sáng sớm, ông Trần Thương (70 tuổi) soạn đồ nghề để kịp đan xong một chục lờ khách đã đặt hàng. Tiếng xào xạc vót tre vang đều đều, đôi tay ông Thương thoăn thoắt vuốt bó nan. Cây tre ông đang chẻ được mua ở huyện Nông Sơn, cách làng Trung An chừng 20 km. Mấy mươi năm trước, tre làng Trung An còn nhiều nhưng đến hiện tại, nhu cầu lờ thả cá tăng lên nên thợ đan phải đi khắp các làng lân cận mua tre về đan, giao hàng cho khách. “Nhờ cây tre mà bà con chúng tôi duy trì được nghề đan lờ thả cá. Nhiều đời người ở Trung An đủ sống, có đồng ra đồng vào nuôi dạy con cái khôn lớn là vậy”, ông Thương cho biết.

Làng Trung An một thời nổi tiếng với hơn 250 hộ dân biết đan lờ thành thục, đẹp mắt. Sau ngày đất nước giải phóng, nam nữ trong làng đều lấy nghề này làm nguồn thu chính. Hiện tại, số thợ đan gắn bó với nghề còn khoảng 20 người. Bụi bặm từ thân tre bay tứ tung sau mỗi lần cưa, gọt để cho ra đời chiếc lờ bắt cá hiệu quả chính là động lực để những lớp thợ đan luôn tự trau dồi tay nghề. Như bao nhiêu làng nghề thủ công khác, đan lờ được truyền qua nhiều thế hệ là bằng đôi mắt, trí óc và một phần bởi cái duyên.

Cứ đến tầm tháng 10 âm lịch, nguồn tre nguyên liệu được tập trung. Dòng sông Thu Bồn là con đường vận chuyển những bè tre từ các huyện ở đầu nguồn dòng sông về đến Đại Lộc. Kể từ thời điểm đó, các bước chẻ nan tre, phơi nắng, đan thành phẩm và phơi nắng lần hai (nhằm giúp sản phẩm lờ thả cá ráo hơi nước hoàn toàn, bền chắc) được bà con trong làng thay nhau làm. Hiện nay, đứng trước sự cạnh tranh bởi các loại lờ làm từ nhựa, giá bán lờ tre đã giảm đi. Theo đó, 10 chiếc lờ có kích thước dài khoảng 60 cm được bán sỉ với mức giá 350 nghìn đồng, trong đó đã bao gồm chi phí mua nguyên liệu tre. Mỗi ngày cặm cụi đan, số tiền ông Thương thu về hơn 100 nghìn đồng. Đây được xem là nguồn thu trong lúc nông nhàn.

Bán lờ đâu thể đi nhanh

Những năm 90 của thế kỷ trước, lờ cá Trung An được người dân Thừa Thiên Huế, Hội An tìm mua. Các đầu mối ở tận Quảng Ngãi, Bình Định cũng ưa nhập loại lờ này bởi độ bền chắc, dễ dính cá tôm. Trong đó, đèo Hải Vân là con đường khó khăn nhất và cũng để lại nhiều kỷ niệm trong hành trình dân làng Trung An đi bán lờ.

Vừa qua, bà con làng Trung An truyền tai nhau hình ảnh chiếc lờ cá to nhất làng trong suốt mấy chục năm qua. Đó là sản phẩm của hai vợ chồng thợ đan Trần Phước Trung (78 tuổi). Vừa hoàn thiện xong một chiếc lờ cỡ đại cao gần 2m, ông Trung tự hào khoe rằng, chỉ có ở làng Trung An mới làm ra chiếc lờ to lớn như vậy. “Đan ra một sản phẩm cỡ lớn sẽ rất lâu. Khi khách hàng lái xe đến, buộc chặt sản phẩm lên nóc xe chở đi, ai cũng chạy ra coi. Chính những khách hàng yêu mến cái lờ cá mà không ngại xước nóc xe như vậy tạo thêm động lực cho người làng tôi”, ông Trung chia sẻ.

Sáu thập niên sống bằng nghề đan lờ, ông Trung đã quen thuộc mọi lối xóm làng quê nơi này. Bởi lẽ, trong số những khách hàng của ông có những cô, cậu bé chỉ mới học tiểu học hay trung học. Cách bán từng chiếc lờ cho nhóm khách nhí này cũng độc đáo. Người bán như ông Trung phải chọn đúng thời điểm bọn trẻ còn ở nhà khi sáng sớm hoặc đầu giờ chiều. Người đàn ông dắt chiếc xe đạp, phía sau cột mấy chục cái lờ đi từ từ. Xóm nào ông cũng đều lui tới nhiều lần. Có bữa nghe tiếng rao “Ai mua lờ không” ngoài ngõ, đám trẻ chạy ra thì chiếc xe đạp đã đi qua khỏi nhà chúng nó. Xe bán lờ sẽ quay lại vì ông Trung biết trẻ con ở quê thích nhất là thú vui thả lờ ngoài ruộng kiếm ít cá, cua.

Cả ông Trung và ông Thương đều nhất trí rằng, làm ra một cái lờ đẹp và bền không khó. Cái khó nhất lại là việc đạp xe chở lờ ra chợ. Đặc điểm các con đường làng đi xuyên cánh đồng ruộng thường là nơi đón gió. Nhìn từng nan tre nhỏ li ti, nhẹ tênh, ít ai nghĩ rằng chở lờ sẽ bị gió quật ngã. Thời trai trẻ của dân làng Trung An, chẳng có ai chưa bị ngã sõng soài bên mấy chục cái lờ thả cá. Nhưng khắp đường làng, hình ảnh từng đoàn người rủ nhau dắt xe đạp xuyên làn khói rơm để đi bán lờ trở nên quen thuộc. Nét giản dị nơi làng quê với câu chuyện chiếc lờ thả cá sẽ còn sống mãi.